Những ngành nào được ĐH Bách Khoa TP.HCM tuyển sinh bằng hình thức phỏng vấn?

Lần đầu tiên ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) xét tuyển bằng hình thức phỏng vấn bên cạnh 4 hình thức tuyển sinh cũ.

Năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Bách khoa TP.HCM là 5.000, trong đó xét tuyển bằng hình thức phỏng vấn chiếm 1-5%.

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM áp dụng hình thức xét tuyển bằng phỏng vấn cho các ngành chất lượng cao tiếng Anh gồm: nhóm ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật điện - điện tử, kỹ thuật cơ điện tử, kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật dầu khí, kỹ thuật hóa học, kỹ thuật hóa dược, kỹ thuật môi trường, chuyên ngành quản trị kinh doanh, công nghệ thực phẩm/khoa học thực phẩm.

PGS TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết, đây là năm đầu tiên trường thực hiện xét tuyển đại học bằng phương thức phỏng vấn. Mục đích của phỏng vấn là nhắm tới một lượng sinh viên học bằng chương trình tiếng Anh và có dự tính chuyển tiếp đi học nước ngoài.

Phỏng vấn là để xác định rõ năng lực học ngành mà thí sinh dự tuyển, lộ trình và kế hoạch chuyển tiếp nước ngoài, tính chín chắn và khả năng chuyển tiếp, năng lực tài chính...

thi-tot-nghiep-260620-14122868.jpeg
ĐH Bách khoa TP.HCM áp dụng hình thức thi tuyển phỏng vấn. 

Phương thức xét tuyển bằng phỏng vấn sẽ sử dụng tiếng Anh. Theo phương thức này, thí sinh vẫn phải nộp hồ sơ gồm thành tích học tập (Học bạ THPT) và bài luận..., nhưng điểm số sẽ chỉ mang tính chất tham khảo

Phương thức này trước mắt áp dụng cho tuyển sinh chương trình chất lượng cao và tiên tiến (học bằng tiếng Anh) và những thí sinh chuyển tiếp nước ngoài. Đây cũng là một thử nghiệm phương thức tuyển sinh khác để có thêm nguồn đối sánh với các phương thức truyền thống đang có. Việc mở rộng hình thức xét tuyển ra các chương trình khác sẽ tính sau khi xem xét đối sánh kết quả người học phương thức này. 

Về nội dung phỏng vấn, những câu hỏi tập trung tìm ra sự phù hợp về năng lực học tập, mức độ hiểu biết ngành nghề, kế hoạch học tập của học sinh…

Các câu hỏi phỏng vấn không hỏi nhiều đến kiến thức mà học sinh đã học ở bậc phổ thông. Nếu có chỉ là những câu hỏi kiểm tra tố chất liên quan ngành học

Phương thức này các trường ĐH trên thế giới đã áp dụng rất nhiều, có thể ở Việt Nam còn mới. Người phỏng vấn sẽ quan tâm thí sinh đó có thực sự phù hợp với ngành học không hơn là kết quả học tập. Bởi đầu vào không quan trọng bằng việc bạn sẽ làm được gì ở những năm đại học, đầu ra như thế nào và làm được gì với ngành học đó. 

HẢI MY