Những người phụ nữ gồng gánh gia đình qua từng ngày bình thường mới

Sau khi TP.HCM kết thúc giãn cách xã hội, nhiều gia đình thu nhập thấp đối mặt với nhiều khó khăn việc làm, kế hoạch tài chính để tái thiết cuộc sống.

Buổi sáng cuối tháng 11, bà Dung một mình chạy chiếc xe máy cũ đến đại lý để chở trứng về bán. Trước đây, công việc này vốn có người phụ trách chuyên chở; tuy nhiên, từ ngày dịch bệnh bùng phát, thu nhập sa sút, số tiền thuê người chở trứng trở thành gánh nặng đối với gia đình bà Dung.

Chầm chậm chở mấy giỏ trứng gà về nhà, bà Dung vừa chạy vừa cầu mong không va quẹt chiếc xe nào trên đường, vì giỏ trứng là nguồn sống của cả gia đình lúc này.

Lo từng bữa cơm

Bà Dung buôn bán trứng ở đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) để nuôi cả gia đình. Ảnh: Nguyễn Toàn.
Bà Dung buôn bán trứng ở đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) để nuôi cả gia đình. Ảnh: Nguyễn Toàn.

 Gia đình bà Trần Thị Ngọc Dung có 10 thành viên sống cùng nhau trong căn nhà cũ ở hẻm 27 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh). Bà Dung và một người chị cùng bán hàng tạp hóa, trái cây ở mặt tiền căn nhà, một số thành viên khác làm công việc bán hàng rong, số còn lại là người cao tuổi, khuyết tật và trẻ em không có khả năng lao động.

Lúc dịch bệnh bùng phát, công việc của các thành viên trong gia đình đều ngưng trệ, cả nhà sống nhờ vào sự trợ cấp của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm.

Sau khi giãn cách xã hội kết thúc là thời điểm khó khăn nhất với gia đình bà Dung. Sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm không còn, các thành viên trong gia đình chưa thể trở lại công việc, nguồn vốn tái khởi động buôn bán cạn kiệt.

“Tôi chạy hỏi những người quen, mượn được 5 triệu đồng để mua hàng về bán. Phải buôn bán, có đồng vô đồng ra thì mới trang trải được cuộc sống của 10 con người trong nhà”, bà Dung nói về gánh nặng kinh tế mà bản thân đang gồng mình gánh vác.

Người phụ nữ nhẩm tính, cứ bán 1 vỉ trứng lời được 2.000 đồng, trong khi đó tiền đi chợ tối thiểu cho gia đình mỗi ngày là 50.000-100.000 đồng. Như vậy, mỗi ngày bà phải bán được 30-50 vỉ trứng mới đủ trang trải tiền chi tiêu. Chưa kể bà còn phải trả nợ số tiền vừa vay, và một số chi phí thuốc men phát sinh.

“Có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều. Ngày nào không đủ tiền thì mua rau về luộc thêm trứng chấm nước tương cũng qua ngày. Chỉ lo cho ngoại, lớn tuổi phải ăn đủ chất một chút”, bà Dung chia sẻ.

"Sống khổ quen rồi"

Nhiều tháng liền chị Lý không có công việc, khiến kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hữu Nghĩa.
Nhiều tháng liền chị Lý không có công việc, khiến kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hữu Nghĩa.

 Sau khi đổ vỡ trong hôn nhân, chị Nguyễn Thị Lý (45 tuổi) một mình nuôi 3 con nhỏ. Chị thuê căn phòng trọ trên đường Nguyễn Phúc Chu (quận Tân Bình) và nhận may gia công cho công ty để có thu nhập chăm sóc các con.

Tháng 3/2020, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam, các đơn hàng từ công ty bị tạm ngưng, thu nhập của chị Lý cũng bị ảnh hưởng. Với số tiền dành dụm ít ỏi, chị Lý chỉ đủ trang trải cuộc sống của 4 mẹ con.

“Tôi không còn tiền để đóng học phí cho các con. Nợ quá lâu, nhà trường mời lên làm việc. Cuối cùng tôi phải đi vay để trả tiền học phí”, chị Lý cho biết con gái đầu đang học lớp 6, con gái thứ 2 vừa lên lớp 3 và cậu con trai út chỉ mới 3 tuổi.

Lắng xuống một thời gian, tháng 5/2021 làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát, khó khăn một lần nữa đè lên vai người mẹ đơn thân. Trước đây, chồng cũ của chị Lý vẫn đều đặn gửi tiền trợ cấp cho các con, từ lúc mất việc làm, anh cũng không còn đủ khả năng tài chính để hỗ trợ, chị phải một mình gánh vác.

May mắn chị nhận được sự hỗ trợ từ hội đồng hương và nhà hảo tâm. Biết được hoàn cảnh khó khăn của 4 mẹ con trong thời gian giãn cách xã hội, mọi người thường xuyên gửi lương thực để giúp đỡ.

Hai con gái của chị Lý phải thay phiên nhau học trên chiếc máy tính cũ của mẹ. Ảnh: Hữu Nghĩa.
Hai con gái của chị Lý phải thay phiên nhau học trên chiếc máy tính cũ của mẹ. Ảnh: Hữu Nghĩa.

 Cũng giống gia đình của bà Dung, chị Lý bắt đầu gặp nhiều khó khăn hơn khi giãn cách xã hội kết thúc. Đơn hàng gia công vẫn chưa có, nhưng tiền phòng trọ và chi tiêu của 4 mẹ con vẫn phải duy trì mỗi tháng.

Chưa kể hai con của chị Lý đã đi học. Các em phải thay phiên nhau học trên chiếc laptop cũ của mẹ, và chấp nhận những lúc máy tự tắt nguồn giữa chừng.

Thương con, nhưng chị Lý không còn cách nào khác khi kinh tế gia đình đã kiệt quệ. Người phụ nữ cho biết trước đây chị chỉ ngủ 3-4 giờ mỗi ngày, để vừa chăm con vừa may gia công cho kịp tiến độ trả hàng.

“Dịch vài ba tháng thì tôi chèo chống được, nhưng dịch kéo dài quá lâu. Từ năm ngoái tôi đã bị khủng hoảng tinh thần, nhưng phải tự trấn an, bây giờ mà suy sụp thì ai nuôi con. Phải cố gắng thôi, kiểu như mình sống trong cái khổ nó quen rồi”, người mẹ đơn thân nói.

Gần đây, thỉnh thoảng có vài người dân trong xóm đem quần áo đến nhờ chị Lý sửa, nguồn thu nhập ít ỏi đó phần nào giúp 4 mẹ con xoay xở cuộc sống.

Toàn Nguyễn

theo Zing News

Nhiều nhà máy, doanh nghiệp gắng 'xoay sở' để trả thưởng Tết

Nhiều nhà máy, doanh nghiệp gắng 'xoay sở' để trả thưởng Tết

Mặc dù không hoàn thành kế hoạch sản xuất năm, hoặc thua lỗ do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng nhiều nhà máy cố gắng thưởng Tết 2022 cho người lao động.