Những tranh cãi xoay quanh vấn đề lùi tăng lương tối thiểu vùng

Theo một số doanh nghiệp, việc lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.

Tại phiên họp lần 2 ngày 12/4, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất, từ ngày 1/7, lương tối thiểu dự kiến tăng 6%, tức thêm 180.000-260.000 đồng so với hiện nay. Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng 1 sẽ là 4,68 triệu đồng; vùng 2 lên 4,16 triệu; vùng 3 đạt 3,64 triệu và vùng 4 là 3,25 triệu đồng.Với phương án này, dự kiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng bình quân 0,5-0,6%, trong đó dệt may, da giày tăng 1,1-1,2%.

Những tranh cãi xoay quanh vấn đề lùi tăng lương tối thiểu vùng

Bà Vi Thị Hồng Minh - PGĐ Văn phòng giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết trong phiên họp đầu tiên, phía VCCI nêu quan điểm nếu như điều chỉnh thì nên điều chỉnh vào đầu năm 2023 do phù hợp với năm tài chính. Vì thời gian đầu năm nhiều doanh nghiệp có nhiều xáo trộn, tiền lương điều chỉnh có thể giúp giữ chân lao động. Nếu như điều chỉnh quá gấp gáp vào tháng 7 tới thì doanh nghiệp sẽ rơi vào thế khó. 

Tuy nhiên, đại diện công đoàn Việt Nam vẫn kiên định với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7 thay vì thông lệ từ 1/1 như những năm trước. 

Mới đây, 8 hiệp hội ngành hàng kiến nghị Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2023 thay vì 1/7 năm nay theo quyết định của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Các hiệp hội kiến nghị gồm Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản; Chế biến và xuất khẩu thủy sản; Dệt may; Điện tử; Thực phẩm TP HCM; Gỗ và lâm sản; Nhựa; Sản xuất xe máy. Đây là những ngành có lượng lao động đông nhất Việt Nam.

Các hiệp hội cho biết 2 năm 2020-2021, dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp kiệt quệ, gặp nhiều khó khăn. Việc lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.

Ngoài ra, các hiệp hội cũng cho rằng, cho đến hiện tại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thục, vẫn có người lao động là F0, điều này có thể làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất. Nếu tăng lương vào năm nay, doanh nghiệp chưa thể xoay sở kịp và không thể bán hàng để bù đắp các chi phí. Nhiều doanh nghiệp sẽ phải bỏ ngang hợp đồng hoặc cắt giảm lao động. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Đình Quảng - phó Ban quan hệ lao động Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia - cho rằng việc tăng lương sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên theo ông Quảng, với cơ chế thị trường cũng như điều kiện cung - cầu lao động, nếu doanh nghiệp vẫn duy trì chính sách tiền lương thấp thì dễ gặp khó khăn hơn. Việc tăng lương có thể thúc đẩy sản xuất, thu hút cũng như động viên lao động nhiều hơn. 

"Đáng lẽ việc tăng lương tối thiểu vùng đã phải thực hiện từ 1-1-2021, nhưng do dịch COVID-19 nên lùi lại để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp", ông Quảng nói thêm.

TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), nguyên ủy viên Hội đồng Tiền lương quốc gia - lại cho rằng việc tăng lương từ 1-1-2023 sẽ phù hợp hơn tăng lương tối thiểu vùng từ 1-7-2022. Chính phủ cần tiếp tục kích cầu kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, quan tâm đến nhóm lao động tự do, không có giao kết hợp đồng...

Nếu tăng lương tối thiểu vùng thì doanh nghiệp có thể khó khăn trong mở rộng sản xuất, nhiều lao động có nguy cơ mất việc do quỹ lương ngày càng lớn. 

TS Vũ Minh Tiến - viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, ủy viên Hội đồng Tiền lương quốc gia - đánh giá nếu chọn thời điểm đầu năm 2023 mới tăng lương thì sẽ làm "trễ hẹn" tăng lương cho người lao động 24 tháng. Ông Tiến cảnh báo nếu kéo dài thời gian tăng lương nữa sẽ có nguy cơ bất ổn trong quan hệ lao động như ngừng việc tập thể.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia nói rằng việc tăng lương tối thiểu là nhu cầu chính đáng và bức thiết của đa số lao động sau hai năm bị trì hoãn. Lý do là bởi công nhân chưa hết những khó khăn do đại dịch giờ tiếp tục đối mặt giá cả tăng cao nên rất cần bù đắp khoản thiếu hụt.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, nói trong bối cảnh Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, xét theo tình hình thực tế, việc tăng lương tối thiểu giai đoạn này là "chưa khả thi".

"Lương tăng cao sẽ đội chi phí, ảnh hưởng sức cạnh tranh của doanh nghiệp", ông Phòng nói. 

Ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội, cho rằng ngày 1/7 đã cận kề, còn đầu năm 2023 "chắc chắn nên điều chỉnh". Hai năm chưa tăng không có nghĩa là cộng dồn để tăng mà cần nhìn vào đại bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đông lao động xem khả năng cân đối chi phí của họ để tính.

Ông cho rằng điều quan trọng là Chính phủ kìm chế lạm phát để tiền lương thực tế của người lao động đỡ hao hụt, cuộc sống đỡ bấp bênh. Nếu giá cả tiếp tục biến động như hiện nay cần cân nhắc thời điểm điều chỉnh sớm hơn. Muốn nâng cao đời sống lao động, công đoàn cơ sở cần những người thực sự hiểu biết đời sống doanh nghiệp, đàm phán nâng cao thu nhập lẫn phúc lợi cho lao động, không thể chỉ trông chờ vào tăng lương tối thiểu vùng.

Thanh Mai

Ukraina hoàn thành bước đầu tiên để gia nhập EU

Ukraina hoàn thành bước đầu tiên để gia nhập EU

Theo Ihor Zhovkva, phó Trưởng văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelenskyy, Ukraina đã hoàn thành việc trả lời một bảng câu hỏi, một điều kiện đầu tiên để Liên minh châu Âu xem xét và quyết định về tư cách thành viên của Kyiv.