Nhắc đến các bạn du học sinh, chúng ta thường nghĩ đến những “học bá” với list thành tích học tập khủng, đi kèm nhiều hoạt động ngoại khóa ấn tượng. Đó cũng là cảm nhận của nhiều người khi biết về Diệu Linh (SN 1998), du học sinh đang học tập tại Anh. Cô nàng đã tốt nghiệp cả chương trình đại học và thạc sĩ loại xuất sắc, đồng thời sở hữu 8.0 IELTS.
Chia sẻ về lý do chọn Anh để đi du học, Diệu Linh tâm sự: “Thứ nhất, chương trình học ở Anh ngắn hơn so với Mỹ và Canada khi học đại học mất 3 năm và học thạc sĩ là 1 năm. Từ đó mình tiết kiệm được chi phí học tập và sinh hoạt. Thứ hai, mình rất thích du lịch và ở Anh thì việc du lịch châu Âu khá dễ dàng.
Cuối cùng, một bạn là người Anh sống tại Việt Nam đã nhắc đi nhắc lại với mình rằng: ‘The French have good food, the British have good table manners’ (tạm dịch: Người Pháp có thức ăn ngon, còn người Anh lại có phép tắc ăn uống tuyệt vời). Mình cảm thấy nước Anh rất giàu văn hoá, lịch sử và truyền thống. Mình muốn đặt chân đến Anh để kiểm chứng lời bạn nói, cũng như suy nghĩ của mình có đúng không”.
Diệu Linh tốt nghiệp cả chương trình đại học và Thạc sĩ loại Xuất sắc |
Diệu Linh (SN 1998)
- 8.0 IELTS.
- Giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi môn Ngữ văn tỉnh Yên Bái.
- Huy chương Đồng kỳ thi học sinh giỏi khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc bộ.
- Top 5 học sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT cao nhất tỉnh Yên Bái.
- Giải thưởng Hoa Trạng Nguyên dành cho học sinh xuất sắc.
- Tốt nghiệp loại Giỏi chương trình Tiên tiến chuyên ngành Quản trị Kinh doanh quốc tế (ĐH Ngoại thương Hà Nội).
- Học bổng trị giá 50% của University of Northampton (ĐH Northampton).
- Tốt nghiệp Xuất sắc (GPA 4.0) ngành Marketing Management (Quản trị Marketing) ở University of Northampton (ĐH Northampton).
- Tốt nghiệp Thạc sĩ loại Xuất sắc (GPA 4.0) ngành Strategic Marketing ở University of Sussex (ĐH Sussex) với điểm khóa luận cao nhất toàn khoá.
Bí quyết gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh
Khác với các bạn đi du học sau khi tốt nghiệp cấp 3, cơ hội xuất ngoại đến với Linh sau khi cô nàng học hết năm thứ 3 tại ĐH Ngoại thương Hà Nội. Bấy giờ, Linh du học theo chương trình chuyển tiếp, cho phép lấy 2 bằng đại học trong 4 năm. Thời điểm đó, cô nàng nhận được học bổng 50% của University of Northampton (ĐH Northampton) để theo học ngành Marketing Management (Quản trị Marketing). Đây cũng là mức học bổng cao nhất của trường dành cho học sinh quốc tế ở thời điểm đó.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Linh dự định sẽ học lên Thạc sĩ luôn. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cô nàng quay về Việt Nam làm việc trong 2 năm tại các agency và tập đoàn lớn. Năm 2022, Linh mới quay lại học Thạc sĩ ngành Strategic Marketing (Chiến lược Marketing).
Thời điểm đó, 9x nhận được mức học bổng cao nhất của trường dành cho học sinh quốc tế, kết hợp cùng học bổng Chancellor’s Masters nên được nhận mức hỗ trợ khoảng 8.000 GBP (khoảng hơn 240 triệu đồng).
Linh quyết định chọn du học Anh vì thời gian học ngắn, từ đó giúp tiết kiệm chi phí sinh hoạt và học tập |
Theo Diệu Linh, điều khiến nữ sinh gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh có lẽ là sự tự tin, cá tính riêng và niềm yêu thích dành cho trường. Cô nàng quan niệm “muốn giao tiếp hiệu quả thì phải tìm được điểm chung”.
Cụ thể, Diệu Linh nhấn mạnh điểm chung lớn nhất của mình và hội đồng tuyển sinh là sự quan tâm dành cho trường. Cô nàng chứng tỏ đã nghiên cứu về trường từ rất nhiều nguồn khác nhau. Thậm chí, Linh còn tìm hiểu giáo viên sẽ dạy, đồng thời đọc những nghiên cứu của thầy cô. Bên cạnh đó, Linh cũng hiểu được mong muốn tuyển sinh thêm sinh viên quốc tế của trường, cũng như xây dựng hình ảnh đẹp hơn trong mắt sinh viên Việt Nam.
“Mình quyết định dành vài ngày chỉ để nghĩ xem bản thân có gì khác biệt. Khi được hỏi tại sao chọn trường, mình kể có một người bạn học ở đây và từng nói rằng ‘The best experience of his life that he always longs for going back’ (tạm dịch: Kỷ niệm tuyệt vời nhất trong cuộc đời mà bạn ấy sẽ luôn nhớ về mỗi khi nhìn lại). Mình cũng nói thêm chỉ apply duy nhất trường này vì tự tin vào bản thân và tin tưởng trường sẽ nhận ra tiềm năng trong mình.
Sau đó, mình còn được hỏi về việc nếu được học bổng thì sẽ làm gì cho trường. Mình chỉ ra thực tế thông qua tìm hiểu, trường chỉ có một số lượng du học sinh Việt Nam nhất định. Đó là con số khiêm tốn so với những nơi khác, trong khi trường đang đầu tư nhiều cho việc tuyển sinh viên Việt Nam. Bên cạnh đó, mình cũng chỉ rõ các kênh mạng xã hội của trường đang thiếu hấp dẫn với các bạn sinh viên Việt Nam thế nào”.
Linh tìm hiểu về trường rất kĩ trước khi quyết định apply |
Tốt nghiệp đại học và thạc sĩ loại Xuất sắc, đạt 8.0 IELTS
Xuyên suốt quá trình học, Diệu Linh luôn cố gắng đạt thành tích cao trong học tập. Thành tích đáng tự hào nhất của Linh là luôn đạt điểm A cho tất cả môn. Nhờ thế, nữ sinh tốt nghiệp cả chương trình Đại học và Thạc sĩ loại Xuất sắc, đặc biệt còn đạt điểm cao nhất toàn khoá cho khoá luận tốt nghiệp Thạc sĩ.
Diệu Linh chia sẻ 3 tip để đạt điểm cao trong suốt quá trình học:
+ Thứ nhất, bắt đầu học tập nghiêm túc từ những ngày đầu tiên thay vì đợi đến lúc gần thi mới chăm chỉ. Ở Anh, giáo viên sẽ nói bao quát về môn học, nội dung học theo từng tuần, deadline, tiêu chí chấm bài. Nếu bạn lên kế hoạch học tập ngay từ khi đó thì sẽ kiểm soát được thời gian và cân đối được khối lượng công việc.
+ Thứ hai, tận dụng tất cả những tài nguyên như thư viện, tài liệu online (sách, research…) và những người trợ giúp (giáo viên, cố vấn…).
+ Cuối cùng, khi viết bài, hãy nhớ kỹ luôn bám sát vào assignment brief, đừng mắc lỗi chính tả, nghiêm cấm đạo văn và trích dẫn nguồn thật cẩn thận.
“Mình đã nhiều lần được giáo viên khen về khả năng viết luận học thuật. Một giảng viên trong khóa học Thạc sĩ đã gửi email riêng, khen rằng bài luận của mình là bài viết hay nhất mà thầy từng đọc trong suốt thời gian giảng dạy tại trường. Cho đến bây giờ, đấy vẫn là lời khen khiến mình tự hào nhất”, cô nàng hạnh phúc khi nhớ lại.
Diệu Linh luôn cố gắng đạt thành tích cao trong học tập |
Bên cạnh đó, Diệu Linh cũng đã sở hữu 8.0 IELTS, trong đó 2 kỹ năng Listening và Reading đều đạt điểm tuyệt đối (9.0).
Bí quyết học ngoại ngữ của Linh là cố gắng yêu và cảm thấy quen thuộc với ngôn ngữ đó. Cô nàng yêu thích văn hoá Anh nên có thể dành hàng giờ đọc Harry Potter hay xem phim do diễn viên người Anh đóng.
“Mình bật nhạc tiếng Anh như nhạc nền khi đang làm việc khác. Mình tập quen với việc xem phim có phụ đề. Mình chuyển dần sang đọc tiếng Anh, bắt đầu từ những quyển đơn giản như truyện cho trẻ em, truyện cổ tích đến tiểu thuyết, SGK. Dần dần, mình quen với việc sử dụng tiếng Anh và việc học rất tự nhiên”, Linh cho hay.
Áp lực tài chính khi du học Anh
Với Linh, quãng thời gian du học rất đáng nhớ vì nó đã giúp nữ sinh trưởng thành và tự lập hơn. Nhớ lại những ngày đầu mới đến Anh, Linh không quen nổi sự cô đơn. Có lần cô nàng đi tàu một mình, bị lạc đến một thị trấn xa lạ, trời vừa lạnh vừa mưa. Nỗi tủi thân bất chợt ập đến khiến Linh chỉ biết ngồi một góc khóc.
“Sau khi khóc chán thì mình lại đứng dậy đi tiếp. Mình tập thích nghi dần với hoàn cảnh bằng cách làm quen với những người bạn mới, đi làm thêm, du lịch và không ngừng học tập. Đến một lúc cuộc sống của mình đủ bận rộn, mình không có thời gian nghĩ xem có khó khăn hay không”, Linh nhớ lại.
Trong thời gian đầu du học, Linh gặp áp lực tài chính vì chưa kiếm được công việc làm thêm |
Mặc dù nhận được học bổng, song chi phí sinh hoạt ở Anh vẫn quá cao so với tưởng tượng của Linh, đặc biệt trong tình hình lạm phát như hiện nay. Những ngày mới du học còn khó khăn hơn bởi khi đó cô nàng chưa tìm được công việc làm thêm.
Linh tâm sự về áp lực tài chính: “Mình tiêu sạch tiền tiết kiệm ở Việt Nam và còn phải nhờ bố mẹ giúp rất nhiều. Mình vẫn nhớ những ngày cuối tháng, vào siêu thị đắn đo mãi không biết mua gì vì cái nào cũng đắt. Những lần bạn rủ đi chơi, mình từ chối vì bận nhưng lý do chính là hết tiền”.
Trong quãng thời gian du học, Linh có cơ hội làm quen với sinh viên quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Trong số đó, có rất nhiều bạn bè xung quanh thuộc gia đình có điều kiện tài chính dư dả.
“Khi bắt đầu thân với một người bạn từ Trung Đông, bạn đó cho mình xem ảnh nhà của bạn. Mình tỏ ra bình thường nhưng đấy là cái nhà to nhất mình từng thấy. Bạn thân khác người Thổ Nhĩ Kỳ, cả năm học thạc sĩ không nấu ăn bữa nào, chỉ ăn ngoài với order về. Bạn hâm mộ vì mình biết nấu ăn, còn mình hâm mộ bạn vì bạn giàu”, cô nàng hài hước kể lại về những người bạn của mình.
Cuộc sống du học giúp Linh trưởng thành và tự lập hơn |
Mặc dù vậy, Linh chưa bao giờ thấy mất tự tin khi quen những bạn có nền tảng tài chính vững mạnh đó. “Mình thực sự không quan trọng điều kiện tài chính hay gia cảnh khi kết bạn. Thay vì so sánh hay ghen tị với người khác, mình thích nhìn lại những điều tuyệt vời mà mình đang có hơn”, cô nàng nói.
Nói về dự định tương lai, Linh đang trong quá trình nộp hồ sơ để gia hạn visa cho phép ở lại Anh làm việc trong 2 năm tới. Cô nàng hi vọng sẽ tìm được công việc về Digital Marketing trong ngành giáo dục ở quốc gia này.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Du học sinh nói thật: “Không phải nơi nào cũng là miền đất hứa”
“Mình không có cơ hội được trải nghiệm hoặc là không được ra ngoài, không được hòa nhập với những người xung quanh", Khôi chia sẻ.