Nữ Tổng giám đốc gốc Phi đầu tiên của WTO: Biểu tượng dành cho nữ giới

Bà Ngozi Okonjo-Iweala là người phụ nữ đầu tiên và là người châu Phi đầu tiên được bổ nhiệm cho vị trí Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ngày 15/2 WTO bổ nhiệm bà Ngozi Okonjo-Iweala làm Tổng giám đốc WTO. Như vậy, bà Ngozi Okonjo-Iweala trở thành người phụ nữ đầu tiên, đồng thời là người châu Phi đầu tiên giữ chức vụ quan trọng này. Việc bà Ngozi Okonjo-Iweala đắc cử vị trí người lãnh đạo WTO được cho là sự công nhận về những thành tựu mà bà đã đạt được trong nhiều năm công tác tại Nigeria và các tổ chức quốc tế.

Theo đánh giá của bà Idayat Hassan - Trung tâm vì dân chủ và phát triển cho khu vực châu Phi: “Bà ấy không chỉ được quý mến tại Nigeria. Bà ấy được yêu mến vì bà ấy là biểu tượng. Mọi người ủng hộ bà ấy vì những điều bà ấy đại diện cho phụ nữ”, bà Idayat Hassan chia sẻ với AFP.

Chân dung bà Ngozi Okonjo Iweala - Người phụ nữ đầu tiên và là người châu Phi đầu tiên giữ cương vị Tổng giám đốc WTO (Nguồn ảnh: ted.com)
Chân dung bà Ngozi Okonjo Iweala - Người phụ nữ đầu tiên và là người châu Phi đầu tiên giữ cương vị Tổng giám đốc WTO (Nguồn ảnh: ted.com)

Bà Ngozi Okonjo-Iweala sinh ngày 13/6 /1954 tại Ogwashi-Ukwu, bang Delta, Nigeria.  Bà xuất thân trong gia đình hoàng tộc, có cha là Giáo sư Chukwuka Okonjo là Obi (Vua) từ Hoàng gia Obahai của Ogwashi-Ukwu. Từ nhỏ, bà đã được theo học các tại Trường Nữ hoàng, Enugu, Trường St. Anne, Molete, Ibadan và Trường Quốc tế Ibadan.

Bà đến Mỹ vào năm 1973 khi còn là một thiếu niên để theo học tại Đại học Harvard và tốt nghiệp đại học với bằng AB Kinh tế năm 1976. Năm 1981, bà nhận bằng tiến sĩ về kinh tế khu vực và phát triển tại Viện Công nghệ Massachusetts, với luận án có tiêu đề: “Chính sách tín dụng, thị trường tài chính nông thôn và phát triển nông nghiệp của Nigeria”. Sau đó, bà đã nhận được học bổng quốc tế, hỗ trợ nghiên cứu tiến sĩ từ Hiệp hội Phụ nữ Đại học Hoa Kỳ (AAUW).

Bà Okonjo-Iweala từng hai lần giữ chức Bộ trưởng Tài chính Nigeria nhiệm kỳ 2003 – 2006 và nhiệm kỳ 2011 – 2015. Bà từng là Ngoại trưởng Nigeria từ 6- 8/2006 và là người phụ nữ đầu tiên giữ cả hai chức vụ quan trọng trong chính quyền Nigeria.

Nhờ kỹ năng đàm phán cứng rắn, bà Okonjo-Iweala đã giúp Nigeria chốt thỏa thuận với các nước chủ nợ để xóa hàng tỉ USD nợ vào năm 2005. Trong nhiệm kỳ giữ chức vụ bộ trưởng bộ Tài chính thứ hai, bà đã củng cố hệ thống tài chính công của đất nước và kích thích lĩnh vực nhà ở phát triển với việc thành lập Công ty cho vay thế chấp (NMRC). Dưới sự lãnh đạo của bà, Cục Thống kê Quốc gia Nigeria đã thực hiện một cuộc kiểm tra lại cơ sở của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), lần đầu tiên sau 24 năm, Nigeria trở thành nền kinh tế lớn nhất ở châu Phi.

Ngoài ra, bà Okonjo-Iweala còn thúc đẩy phong trào trao quyền cho phụ nữ và thanh niên với việc thực hiện nhiều Chương trình Trẻ em gái và Phụ nữ đang phát triển ở Nigeria (GWIN), chương trình Doanh nghiệp Thanh niên Đổi mới (YouWIN) … được đánh giá rất cao góp phần tạo ra hàng nghìn việc làm cho phụ nữ và thanh niên.

Bà Okonjo-Iweala đã có 25 năm kinh nghiệm làm việc cho Ngân hàng Thế giới (WB) và là người chủ trương thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển cho các nước nghèo. (Nguồn ảnh: The New York Times)
Bà Okonjo-Iweala đã có 25 năm kinh nghiệm làm việc cho Ngân hàng Thế giới (WB) và là người chủ trương thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển cho các nước nghèo. (Nguồn ảnh: The New York Times)

Thao hãng tin AP, Bà Okonjo-Iweala đã có 25 năm kinh nghiệm làm việc cho Ngân hàng Thế giới (WB) và là người chủ trương thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển cho các nước nghèo. Những nỗ lực đã giúp bà Okonjo-Iweala được giao giữ chức vụ Giám đốc điều hành tại WB trong nhiệm kỳ 2007 - 2011, vị trí quyền lực số 2 tại WB, phụ trách các khu vực châu Phi, châu Âu, Nam và Trung Á.

Năm 2012, bà tranh cử chức Chủ tịch World Bank với sự ủng hộ của châu Phi và các nước đang phát triển, nhằm phá vỡ sự thống trị của người Mỹ đối với vị trí này, nhưng không thành công. Dù không được giao giữ chức vụ này nhưng bà Okonjo-Iweala cũng được ca ngợi là “người mở đường” và nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Cũng trong năm 2012, bà được tạp chí Forbes vinh danh trong Top 3 người phụ nữ quyền lực nhất châu Phi.

Trên cương vị là đặc phái viên của Liên minh châu Phi, huy động sự hỗ trợ của quốc tế giải quyết hệ quả kinh tế tại châu Phi do đại dịch Covid-19, bà đã kêu gọi các nước giàu hoãn thời hạn hai năm để các nước mắc nợ có thể trả nợ và đề xuất nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Sudan và Zimbabwe vì lý do y tế.

Kể từ khi ông Roberto Azevêdo từ chức trước thời hạn hồi tháng 8/2020, WTO rơi vào tình trạng “rắn không đầu” khi không có Tổng giám đốc thường trực, và hầu như không có hoạt động nổi bật. Việc bà Okonjo-Iweala được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng này được cho là sẽ mang đến một làn gió mới và mang tới những cơ hội để vực dậy nền kinh tế thế giới hậu đại dịch COVID-19. Theo đánh giá của các chuyên gia, bà Okonjo Iweala không được chọn vì là nữ hay vì đến từ châu Phi, mà bởi bà là ứng viên có trình độ, kinh nghiệm và phẩm chất tốt nhất cho nhiệm vụ khó khăn hiện nay. “Tôi nghĩ bà ấy là sự lựa chọn tốt. Chìa khóa cho thành công của bà ấy sẽ là năng lực vận hành giữa tam giác Mỹ-EU-Trung Quốc”, Cựu Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy nhận định.

Theo đánh giá của các chuyên gia, bà Okonjo Iweala không được chọn vì là nữ hay vì đến từ châu Phi, mà bởi bà là ứng viên có trình độ, kinh nghiệm và phẩm chất tốt nhất cho nhiệm vụ khó khăn hiện nay. (Nguồn ảnh: allafrica.com)
Theo đánh giá của các chuyên gia, bà Okonjo Iweala không được chọn vì là nữ hay vì đến từ châu Phi, mà bởi bà là ứng viên có trình độ, kinh nghiệm và phẩm chất tốt nhất cho nhiệm vụ khó khăn hiện nay. (Nguồn ảnh: allafrica.com)

Được biết, nhiệm kỳ của bà Okonjo-Iweala sẽ bắt đầu từ ngày 1/3/2021 đến hết ngày 31/8/2025. Trước mắt, tân Tổng giám đốc sẽ phải đối mặt với khá nhiều khó khăn, thách thức. Ngay cả trước khi COVID-19 làm suy thoái nền kinh tế toàn cầu, WTO đã phải chật vật để kiềm chế căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng như các xung đột thương mại khác. Bên cạnh đó, bà Okonjo-Iweala còn phải chịu áp lực cải cách quy tắc thương mại quốc tế và đối phó với chủ nghĩa bảo hộ.

Trước đó, bà Okonjo-Iweala không nhận được sự đồng thuận của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, vì cho rằng bà thiếu kinh nghiệm về thương mại, đàm phán.

Tuy nhiên, tân Tổng giám đốc WTO khẳng định rằng bà đã làm việc về chính sách thương mại trong suốt sự nghiệp của mình. Tại lễ nhậm chức trực tuyến, bà Okonjo-Iweala phát biểu: ưu tiên hàng đầu của bà trong thời gian tới sẽ là giải quyết nhanh chóng các hậu quả kinh tế và sức khỏe mà đại dịch COVID-19 gây ra, cũng như đề ra các chính sách để đưa nền kinh tế toàn cầu phát triển trở lại, đặc biệt là áp dụng nhiều cải cách tích cực để xây dựng, định vị lại “thương hiệu” WTO.

Bà Okonjo-Iweala nhấn mạnh: "Tổ chức WTO đã và đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, nhưng khi hợp tác cùng nhau thì chúng ta có thể khiến WTO mạnh hơn, thích nghi tốt hơn với bối cảnh hiện tại. Tôi mong muốn được làm việc với các thành viên để định hình và thực hiện các biện pháp đối phó nhằm đưa nền kinh tế toàn cầu phát triển trở lại”.

Chia sẻ về việc trở thành người phụ nữ đầu tiên và là người châu Phi đầu tiên làm Tổng giám đốc WTO, bà Okonjo-Iweala thừa nhận cảm thấy thêm áp lực nhưng khẳng định sẽ đem lại những thành quả để khiến châu Phi và phụ nữ tự hào.

Thùy Linh (t/h)

Lần đầu tiên trong lịch sử WTO sẽ có nữ lãnh đạo

Lần đầu tiên trong lịch sử WTO sẽ có nữ lãnh đạo

Bà Ngozi Okonjo-Iweala của Nigeria (phải) và Yoo Myung-hee của Hàn Quốc là 2 ứng cử viên cuối cùng cho vị trí Tổng giám đốc WTO.