Nuôi dưỡng tình yêu khoa học cho trẻ qua nghiên cứu thực tế

Đây là sáng kiến từ UNICEF nhằm giải quyết khoảng cách giới trong lĩnh vực STEM

Dưới cái nắng nóng của miền Bắc Thái Lan, một nhóm học sinh tập trung trên thửa ruộng bậc thang ở Baan Mae Salap, tỉnh Mae Hong Son, để đào và xới đất. Đây là một dự án nghiên cứu chất lượng đất của Jaruwan và 4 người bạn dưới sự hướng dẫn của cô giáo Narunat Wattawong.

"Nếu chỉ ngồi học trong lớp, chúng em sẽ không bao giờ biết đất có tính axit hay kiềm như thế nào. Dự án khoa học này giúp chúng em hiểu hơn về điều đó", Jaruwan Kordoo, học sinh nội trú 15 tuổi tại Trường Chumchon Bahn Numdip ở tỉnh Mae Hong Son, cho biết.

Rinlada Mahanapat (phải) và các bạn tham gia dự án nghiên cứu đất tại làng Baan Mae Salap, tỉnh Mae Hong Son, Thái Lan.
Rinlada Mahanapat (phải) và các bạn tham gia dự án nghiên cứu đất tại làng Baan Mae Salap, tỉnh Mae Hong Son, Thái Lan.

Hướng tới việc cải thiện kết quả giáo dục về Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) và giải quyết khoảng cách giới trong STEM, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đang phối hợp với các đối tác nhằm nâng cao chất lượng và chương trình giảng dạy tại các trường học vùng nông thôn.

Sáng kiến này nhằm tạo ra lợi ích trực tiếp cho 25.000 trẻ em và 500 giáo viên trong vòng 3 năm, với nhiều hỗ trợ giáo viên thông qua đào tạo trực tuyến.

Là thế hệ được hưởng lợi từ chương trình này tại Thái Lan, cô giáo Narunat nhận thấy trước đây, các em học sinh không mấy chú ý đến lượng lúa mà cha mẹ thu hoạch. Nhưng thông qua nghiên cứu về đất, các em biết rằng năng suất lúa giảm là do chất lượng đất hoặc điều kiện thời tiết.

"Tham gia dự án này, em có cơ hội tìm hiểu dự án của các quốc gia và nhận thấy sự khác biệt, như Thụy Điển sử dụng rong biển để thay thế nhựa. Em thấy thật hữu ích khi biết các quốc gia khác thực hiện các dự án vì môi trường như thế nào. Em và bạn bè đều tự hào khi có thể chia sẻ kiến thức thu được từ nghiên cứu của chúng em với những người nông dân ở quê nhà", học sinh Rinlada Mahanapat, 15 tuổi, cho biết.

Kết quả nghiên cứu của nhóm Rinlada sẽ thúc đẩy tầm quan trọng của môi trường tại làng của các em. Canh tác trên ruộng bậc thang tốt cho nông nghiệp ở khu vực này vì giúp giảm xói mòn đất. Bên cạnh đó, việc cho gia súc ăn cỏ trên cánh đồng sẽ giúp bảo tồn hệ sinh thái, trong khi phân động vật bổ sung khoáng chất và chất dinh dưỡng cho đất.

Cô giáo Narunart Wattawong (59 tuổi, trường Chumchon Bahn Numdip) hướng dẫn học sinh trong tiết Khoa học.
Cô giáo Narunart Wattawong (59 tuổi, trường Chumchon Bahn Numdip) hướng dẫn học sinh trong tiết Khoa học.

Cô Narunat thừa nhận dù các dự án STEM thường mất nhiều thời gian nhưng chúng thú vị và mang tính giáo dục với trẻ.

"Thực hiện dự án khoa học khiến em hiểu hơn về thế giới khoa học. Khi học trên lớp, em không hiểu hết mọi thứ. Nhưng khi bắt tay làm một dự án khoa học, em đã thích khoa học hơn. Em tự hào về bản thân vì có thể hoàn thành dự án. Để làm được điều đó thật không dễ nhưng em đã vượt qua tất cả, với sự hỗ trợ của bạn bè, thầy cô và cha mẹ. Mọi người đều tự hào về dự án này", Sidapond Preedipa, một nữ sinh khác trong nhóm nghiên cứu, chia sẻ.

Theo hiệu trưởng nhà trường, việc thúc đẩy giáo dục STEM ở vùng nông thôn xa xôi đối mặt với nhiều thách thức, để giáo dục STEM đạt hiệu quả, cần những giáo viên có kiến thức về STEM để thiết kế nội dung học tập phù hợp.

Cô Narunat hy vọng có thể truyền cảm hứng cho học sinh trở thành giáo viên tương lai và quan trọng hơn là nuôi dưỡng tình yêu với khoa học.

Cô chia sẻ: "Tôi muốn các em sử dụng kiến thức khoa học để giải quyết vấn đề thông qua quan sát. Hãy để các em sử dụng những kỹ năng này trong cuộc sống và công việc của mình, bất kể các em làm việc trong lĩnh vực nào".

TM (theo UNICEF)

Cô giáo người Mông với mong muốn thay đổi cuộc sống học sinh vùng cao bằng STEM và AI

Cô giáo người Mông với mong muốn thay đổi cuộc sống học sinh vùng cao bằng STEM và AI

Cô Dính đã thắp sáng ngọn lửa STEM và robotics tại huyện Đồng Văn bằng sự nỗ lực và khát vọng vượt khó khăn.