Ông Nguyễn Đức Tài: COVID-19 lên rồi lại xuống, Thế Giới Di Động sẽ sống chung với lũ

“Dịch như thủy triều lên xuống có nhiều đợt, Thế Giới Di Động sẽ sống chung với lũ, dù lên đợt 3, đợt 4, đợt 5 thì doanh nghiệp vẫn chiến đấu để bảo vệ lợi nhuận cho nhà đầu tư”, ông Nguyễn Đức Tài khẳng định.

Trong làn sóng COVID-19 lần thứ hai trở lại và đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng cùng các tỉnh miền Trung, 31 cửa hàng điện thoại, điện máy của Thế Giới Di Động đang phải đóng cửa lần 2, doanh thu mất 100 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Tài nhận định tập đoàn xác định chiến lược là sẽ sống chung với lũ “COVID-19”.

Doanh thu tháng 7 tiếp tục giảm

Tại buổi họp mặt nhà đầu tư cập nhật kết quả tình hình kinh doanh nửa đầu năm 2020, ban lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động cho biết doanh thu 6 tháng đầu năm của tập đoàn ghi nhận 55.639 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế giảm 4%, còn 2.027 tỷ đồng. 

  Doanh thu tháng 7/2020 của Thế Giới Di Động tiếp tục giảm vì dịch COVID-19. Ảnh: Nguyên Phương

Doanh thu tháng 7/2020 của Thế Giới Di Động tiếp tục giảm vì dịch COVID-19. Ảnh: Nguyên Phương

Thông tin thêm về tình hình kinh doanh tháng 7, đại diện Thế Giới Di Động cho biết doanh thu tháng 7 đạt hơn 8.600 tỷ, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng đã tăng 6% so với tháng 6/2020, nhờ sự cải thiện doanh thu ở tất cả các chuỗi.

Tổng doanh số của hai chuỗi thegioididong.com và Điện Máy Xanh trong tháng 7/2020 giảm đến 17% so với cùng kỳ.

doanh nghiệp bán lẻ do ông Nguyễn Đức Tài làm Chủ tịch nhận định theo chu kỳ kinh doanh, quý III là mùa bán hàng thấp điểm nhất trong năm đối với các sản phẩm điện thoại, điện máy. 

Giải thích thêm về kết quả kinh doanh kém khả quan này, lãnh đạo Thế Giới Di Động cho biết sức cầu tiêu thụ các sản phẩm điện tử tiêu dùng đã phản ánh rõ rệt việc người dân thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Song song đó, doanh thu giảm mạnh so với năm ngoái là do thời điểm này năm ngoái, Thế Giới Di Động áp dụng nhiều chương trình tri ân khách hàng dịp kỷ niệm 15 năm thành lập.

Kể từ tháng 7/2020, chuỗi Bách Hóa Xanh của tập đoàn đã bắt đầu giảm tốc về mức mở mới trung bình 50-80 cửa hàng/tháng, để cải thiện chất lượng doanh thu, giảm sự pha loãng doanh thu bình quân trên cửa hàng. Doanh thu trong tháng của chuỗi này quay về mức 1,2 tỷ đồng/cửa hàng, tăng 80% so với cùng kỳ và tiếp tục tăng 12% so với tháng 6.

31 cửa hàng tại miền Trung đang phải đóng cửa, mất 100 tỷ đồng

“Trong làn sóng COVID-19 lần thứ hai này, Thế Giới Di Động đã phải đóng 31 cửa hàng điện thoại và Điện Máy Xanh tại miền Trung, trong đó, Đà Nẵng đóng 29/38 cửa hàng. Phải nói là đóng cửa hoàn toàn, bán online rất ít. Nếu trước đây các cửa hàng tại Đà Nẵng mang về 120 tỷ mỗi tháng thì hiện chỉ còn hơn 20 tỷ thôi”, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO chuỗi điện thoại và điện máy của Thế Giới GDi Động cho biết.

Không chỉ có Quảng Nam, Đà Nẵng, với cả khu vực miền Trung nói chung, ông Hiểu Em cho hay tình hình kinh doanh đang bị tác động rất lớn.

  Thế Giới Di Động đóng 31 cửa hàng tại miền Trung, mất 100 tỷ đồng. Ảnh: TGDĐ

Thế Giới Di Động đóng 31 cửa hàng tại miền Trung, mất 100 tỷ đồng. Ảnh: TGDĐ

Cụ thể, cả khu vực miền Trung, Thế Giới Di Động đang có khoảng 188 cửa hàng điện thoại, điện máy. Doanh số các cửa hàng mang về trong điều kiện kinh doanh bình thường khoảng 600 tỷ đồng mỗi tháng, nhưng trong tháng 8 này chỉ có thể bán được khoảng 400 tỷ đồng.

Tại các khu vực khác, trong đó có hai thị trường lớn nhất là TP.HCM và Hà Nội, ông Hiểu Em cho rằng vẫn có ảnh hưởng nhưng mức độ tác động ít hơn so với cơn khủng hoảng đang xảy ra tại miền Trung.

Đại diện doanh nghiệp cho biết hiện nay tùy theo mức độ giãn cách xã hội ở từng địa phương đã công bố có dịch, chính quyền yêu cầu các cửa hàng được phép bán theo hình thức nào, ví dụ chỉ được phép bán hàng mang đi, giới hạn số lượng khách mua sắm tại mỗi thời điểm, thì doanh nghiệp sẽ áp dụng.

Và dựa theo đó, công ty sẽ tái triển khai các phương án ứng phó đã được áp dụng trong làn sóng COVID-19 lần thứ nhất tại những vùng có dịch, đảm bảo số khách hàng tối đa được phục vụ trong cửa hàng… Đồng thời, triển khai hình thức bán hàng mang đi bằng cách mỗi khách liên hệ trực tiếp với nhân viên qua điện thoại, để được phục vụ nhanh mà không phải vào trong cửa hàng hoặc giao hàng đến tận nhà.

Ông Nguyễn Đức Tài: Thế Giới Di Động sẵn sàng sống chung với lũ COVID-19

Ông Nguyễn Đức Tài: Thế Giới Di Động đã xác định phương án sẵn sàng sống chung với lũ. Ảnh: TGDĐ
Ông Nguyễn Đức Tài: Thế Giới Di Động đã xác định phương án sẵn sàng sống chung với lũ. Ảnh: TGDĐ

Trao đổi với các nhà đầu tư về làn sóng COVID-19 lần thứ hai, Chủ tịch HĐQT  Nguyễn Đức Tài xác định chiến lược của tập đoàn là sẽ sống chung với lũ.

“Dịch như thủy triều lên xuống có nhiều đợt, Thế Giới Di Động sẽ sống chung với lũ, dù lên đợt 3, đợt 4, đợt 5 thì doanh nghiệp vẫn chiến đấu để bảo vệ lợi nhuận cho nhà đầu tư”, ông Tài khẳng định.

Giải thích cho nhận định này, theo ông, xu hướng COVID-19 từ nay đến cuối năm sẽ lặp lại, đến rồi đi, đã có đợt 2 thì sẽ có đợt 3, đợt 4. Thực tế điều này đang xảy ra trên thế giới, khi các nước vừa nới lỏng phong tỏa được một thời gian ngắn thì bắt buộc phải ngưng rồi phong tỏa lại.

“Ngay cả vaccine, kỳ vọng vaccine sẽ giải quyết được vấn đề nhưng hiện cũng rất khó khăn. Vaccine cũng phải đuổi theo chủng mới của virus. Tinh thần Thế Giới Di Động đặt ra là dự phòng 1-2 năm sống chung với lũ, lũ rút lên rút xuống, như thủy triều, dịch cũng rút lên hạ xuống”, ông Tài nói.

Chủ tịch Nguyễn Đức Tài nói thêm những ngày qua, sự hoảng loạn của người dân không còn nữa, bằng chứng là hiệu ứng tích trữ giảm đi. 

Ông nhận định sức mua tương lai tiếp tục bị ảnh hưởng, thậm chí lâu dài, do thu nhập chưa được phục hồi. Có những công ty trước đây cho nhân viên đi làm 5-6 ngày nhưng hiện chỉ còn 3-4 ngày, tức người lao động phải giảm lương. 

“Thế Giới Di Động chỉ có một sự lựa chọn là làm thế nào hiệu quả. Chúng tôi cũng có chiến lược rõ ràng, đây là giai đoạn giảm sút, kỳ vọng kích cầu là ảo vọng, làm được nhưng chi phí khủng khiếp, coi chừng mất tất cả chứ không phải lợi nhuân tăng thêm. Thế Giới Di Động đi theo hướng bảo vệ lợi nhuận, nếu giỏi thì tăng lợi nhuận lên một chút. Nhìn vào lãi gộp sẽ thấy, doanh thu không thú vị, nhưng lợi nhuận của công ty đang được bảo vệ”, ông Tài nhấn mạnh.

NGUYÊN PHƯƠNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương