Sáng nay 20/9, phiên tòa xét xử Tề Trí Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC và 6 đồng phạm trong vụ bán rẻ nền đất tại dự án An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM gây thiệt hại cho nhà nước 127,6 tỷ đồng kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận.
Nêu quan điểm luận tội các bị cáo trong vụ án, đại diện VKSND TP.HCM nhận định, Tề Trí Dũng là người được giao đại diện nhà nước để quản lý tài sản.
Dù UBND TP.HCM là chủ sở hữu 100% vốn tại IPC chưa cho phép chuyển nhượng đất nền tại dự án An Phú Tây nhưng bị cáo Dũng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn là Tổng Giám đốc Công ty IPC, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (gọi tắt là Sadeco - công ty con của IPC) đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây thất thoát tài sản nhà nước.
Bị cáo Tề Trí Dũng được xác định là người trực tiếp ký duyệt các tờ trình gửi Hội đồng thành viên để xin chủ trương chuyển nhượng, ký các biên bản thỏa thuận, hợp đồng đặt cọc, mua bán chuyển nhượng 99 nền đất với các cá nhân.
6 bị cáo còn lại trong vụ án gồm: bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn - Sadeco), Vũ Xuân Đức (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty IPC), Trần Đăng Linh (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty IPC), Mai Văn Đường (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên IPC), Mai Bửu Tâm (cựu nhân viên phòng phát triển kinh doanh), Phạm Xuân Trung (cựu Phó Tổng Giám đốc IPC) là thuộc cấp của Tề Trí Dũng, được đánh giá có vai trò đồng phạm giúp sức cho Dũng thực hiện các hành vi phạm tội.
Trong đó, 2 bị cáo Trần Đăng Linh và Hồ Thị Thanh Phúc chỉ đứng sau vai trò của Tề Trí Dũng. Riêng bị cáo Trần Đăng Linh phải chịu trách nhiệm đối với 50 nền đất do bị cáo trực tiếp ký hợp đồng bán cho 2 cá nhân khác, nên buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự cao hơn các đồng phạm khác, theo VOV.
Cơ quan công tố đánh giá, các bị cáo trong vụ án đa số là lãnh đạo, có trình độ, nhận thức pháp luật, xã hội nhưng chỉ vì tư lợi, động cơ cá nhân, các bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội, xâm hại đặc biệt lớn đến tài sản nhà nước; gây ảnh hưởng xấu, làm giảm uy tín cơ quan nhà nước và tạo dư luận xấu trong xã hội. Do đó cần một bản án nghiêm khắc để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Quá trình điều tra, xét xử các bị cáo đều thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải và có nhiều thành tích trong quá trình công tác; tác động gia đình khắc phục hậu quả vụ án,… đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Từ đó, đại diện Viện KSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Tề Trí Dũng từ 12 - 14 năm tù, đồng thời tổng hợp hình phạt 30 năm tù của bị cáo đối với 2 bản án trước.
Với 6 bị cáo còn lại, VKS đề nghị mức án từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 6 năm tù về cùng tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Theo cáo trạng, dự án khu tái định cư An Phú Tây (diện tích 47ha) được UBND TPHCM giao cho SADECO làm chủ đầu tư. Quá trình thực hiện, SADECO chuyển nhượng cho IPC gần 25.000m² đất nền nhà thuộc phần diện tích kinh doanh (giá 6,6 triệu đồng/m²) và chuyển nhượng hơn 112.000m² đất nền tái định cư (giá 2,75 triệu đồng/m²).
Tiếp đó, IPC góp vốn (214 tỷ đồng) vào SADECO đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nhận lại 151 nền đất (tổng diện tích gần 25.000m²) của dự án. Sau đó, IPC bán 149/151 nền đất cho 4 cá nhân, thu được 186 tỷ đồng, theo SGGP.
Trong khi qua giám định, tổng giá trị thị trường của 149 nền đất trên hơn 313 tỷ đồng. Như vậy, IPC bán 149 nền đất có giá thấp hơn giá thị trường khoảng 127 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 16/9, TAND TPHCM mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Tề Trí Dũng 15 năm tù về tội "Tham ô tài sản" trong vụ án tại Công ty TNHH Sepzone Linh Trung (gọi tắt là Sepzone Linh Trung).
Tổng hợp với bản án trước đó trong vụ án IPC, SADECO phát hành giá rẻ 9 triệu cổ phần cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Nguyễn Kim), tổng mức án mà bị cáo Tề Trí Dũng phải chịu là 30 năm tù.
(Tổng hợp)