PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho biết, nếu thực hiện nghiêm và đúng quy định, thì cách ly tập trung quản lý được người nhiễm bệnh, tách được người nhiễm ra khỏi cộng đồng, không lây ra cộng đồng.
Các vấn đề khử khuẩn, việc quản lý chất thải tốt và dễ hơn, cán bộ cơ sở y tế không phải tham gia nhiều mà có các lực lượng khác như quân đội, theo dõi diễn biến được người F1 liên tục ở khu cách ly tập trung, có camera để theo dõi…
Với cách ly tại nhà, người nhà không phải đến cơ sở cách ly, người dân được ở nhà thì tâm lý có thể thoải mái hơn, kinh phí nhà nước đỡ hơn khi F1 ăn uống ở nhà. Nếu cách ly tại nhà nghiêm chỉnh thì ít ảnh hưởng lây nhiễm chéo hơn.
Tuy nhiên, cách ly tập trung nếu thực hiện không tốt, không nghiêm, không đủ cơ sở vật chất, nằm nhiều người 1 phòng, chung phòng vệ sinh thì khả năng lây nhiễm chéo cao. Còn cách ly tại nhà thì không tách ra khỏi cộng đồng được, khó theo dõi hơn. Chưa kể là vấn đề khử khuẩn, xử lý rác thải khó hơn, người theo dõi y tế cơ sở không theo dõi được thường xuyên trong ngày, gây quá tải cho y tế cơ sở…
PGS.TS Trần Đắc Phu nêu ý kiến, Hà Nội bây giờ không cần cách ly tập trung. Xét về tổng thể toàn diện thuận lợi giữa cách ly tập trung và cách ly tại nhà thì hiện nay, với chiến lược của Việt Nam là không thể zero F0, chấp nhận có ca mắc cộng đồng, nhiều F0 thì nhiều F1, nếu cách ly tập trung sẽ dẫn đến quá tải, cơ sở vật chất không đủ thì lây chéo…
Theo ông, vẫn nên tồn tại 2 hình thức cách ly, song nên thực hiện cách ly tại nhà, chỉ những ai không đủ điều kiện cách ly về phòng ốc, cơ sở vật chất thì mới đi cách ly tập trung.
Các cơ quan chức năng và người dân cần có trách nhiệm đối với thực hiện cách ly nghiêm chỉnh theo quy định của Bộ Y tế để dịch không lây lan cho gia đình, cộng đồng và có kiểm tra giám sát, xử phạt nghiêm minh.
PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng, việc đưa người đi cách ly tập trung nên dựa trên sự tình nguyện.
Cũng theo PGS Nguyễn Huy Nga, từ bài học của TP.HCM, Bình Dương, các tỉnh này bùng dịch, lây lan nhiều là do cách ly tập trung. Hay như ở Hà Nội, có trường hợp F1 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ 30/9 được chuyển đi cách ly tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ngày 20/10, có kết quả mắc Covid-19 do là lây tại khu cách ly tập trung. Không chỉ chung phòng, việc đi cùng xe, di chuyển cùng thời gian khi đưa người đi cách ly… cũng sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm chéo.
SSI cảnh báo nguy cơ vỡ nợ trái phiếu bất động sản
Dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ và giãn cách xã hội là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến kế hoạch phát hành trái phiếu của các DN.