Phát hiện loài thằn lằn mới đặc biệt tại Hoà Bình

Phân tích DNA đã chỉ ra rằng Scincella ouboteri khác biệt di truyền ít nhất 8% so với các loài thằn lằn cổ Scincella khác.

Trong quá trình khảo sát thực địa tại khu vực núi đá vôi thuộc Khu bảo tồn Thiên nhiên Ngọc Sơn – Ngổ Luông, tỉnh Hòa Bình, các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Nghiên cứu hệ Gen, phối hợp với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Vườn thú Cologne, đã phát hiện một loài thằn lằn bóng mới. Loài này được đặt tên khoa học là Scincella ouboteri, dựa trên các phân tích sinh học phân tử và so sánh hình thái.

Loài thằn lằn mới phát hiện có kích thước “trung bình”, đạt chiều dài khoảng 12 cm. Theo các chuyên gia, mí mắt dưới của chúng có lớp vảy giống như một “tấm kính cửa sổ mờ đục”. Hai bên cơ thể có màu đỏ cam. Bên dưới bụng có màu kem xám. 

  Hình ảnh loài mới Scincella ouboteri ngoài tự nhiên

Hình ảnh loài mới Scincella ouboteri ngoài tự nhiên

Chi Scincella (Mittleman, 1950) hiện được công nhận gồm 37 loài trên thế giới, trong đó có 13 loài được ghi nhận tại Việt Nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu hệ thống học chi tiết về chi này tại Việt Nam còn khá hạn chế. Điều này mở ra cơ hội khám phá thêm nhiều loài mới. Trong quá trình khảo sát tại các khu rừng miền Bắc Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận một quần thể thằn lằn bóng tại Khu bảo tồn Ngọc Sơn – Ngổ Luông và xác định đây là một loài mới thông qua sự khác biệt về hình thái và di truyền.

Được đặt tên theo Paul E. Ouboter, một chuyên gia hàng đầu về bò sát, loài thằn lằn này đã thu hút sự chú ý không chỉ vì tính độc đáo của nó mà còn vì những phát hiện động vật học quan trọng đi kèm.

Loài mới có phạm vi phân bố hẹp, ước tính chưa đến 2.000 km², và sinh sống trong các khu rừng tự nhiên của Hòa Bình. Dù chưa ghi nhận tác động tiêu cực nghiêm trọng, các hoạt động gây suy thoái môi trường sống có thể ảnh hưởng đến loài. Nhóm nghiên cứu đề xuất tiếp tục đánh giá để xếp loài vào nhóm “Thiếu dữ liệu” (DD) theo tiêu chí của Sách đỏ IUCN 2024.

Phân tích DNA đã chỉ ra rằng Scincella ouboteri khác biệt di truyền ít nhất 8% so với các loài thằn lằn cổ Scincella khác. Loài mới có kích thước trung bình (SVL lên đến 58,6 mm); có 2 vảy thái dương chính; tai ngoài có lỗ mở với 3 hoặc 4 vảy thùy ở rìa trước.

Có 2 vảy thái dương chính, tai ngoài có lỗ mở với 3–4 vảy thùy phía trước; vảy thân giữa có 30–32 hàng; vảy lưng nhẵn; vảy bụng 65–71 hàng; dưới ngón chi trước IV có 10–12 vảy, dưới ngón chi sau IV có 18–20 vảy.

Bề mặt lưng và đuôi có màu nâu với một dải sọc đen giữa lưng, rộng bằng hai hàng vảy lưng, hai sọc sáng bên lưng kéo dài từ sau đầu đến giữa đuôi, một sọc đen kéo dài từ lỗ mũi đến mắt và từ góc sau của mắt chạy dọc phần trên của bên sườn và đuôi.

Phát hiện của Scincella ouboteri là một minh chứng rõ ràng cho sự đa dạng sinh học phong phú của Việt Nam, đặc biệt là trong các khu vực bảo tồn. Việc nghiên cứu và bảo vệ các loài mới như thằn lằn vảy nhẵn Ouboter sẽ đóng góp quan trọng cho việc hiểu biết và bảo vệ các sinh vật hoang dã.

Nguồn: https://vast.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/phat-hien-loai-than-lan-moi-scincella-ouboteri-o-tinh-hoa-binh-mien-bac-viet-nam-133840-463.html?fbclid=IwY2xjawG16R5leHRuA2FlbQIxMAABHQiJvsouWNc4X3Kq7EKU5mtyBQcT8E_iETciT0nOUT3fxyTg1HxBmiX_KQ_aem_WOzrwxfqzUjoQtsVEOtx_A

PV/Tổng hợp

Marie Curie: Nhà khoa học nữ vĩ đại và là hình mẫu lý tưởng cho phụ nữ

Marie Curie: Nhà khoa học nữ vĩ đại và là hình mẫu lý tưởng cho phụ nữ

Marie Curie không chỉ là một nhà khoa học vĩ đại mà còn là một biểu tượng của sự kiên trì, tài năng và sự dấn thân cho khoa học.