Phát triển du lịch tại Di Linh, tỉnh Lâm Đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững

Di Linh có tiềm năng phát triển du lịch xanh nhờ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa. Tuy nhiên, cần khai thác hợp lý, cần gìn giữ bản sắc để hướng đến phát triển bền vững.

Du lịch từ lâu đã được coi là một trong những ngành kinh tế quan trọng trên toàn cầu. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ, ngành du lịch không chỉ tạo ra hàng triệu việc làm mà còn đóng góp đáng kể vào nền kinh tế thế giới. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), vào năm 2014, trung bình cứ 11 việc làm thì có 1 việc thuộc ngành du lịch, và ngành này đóng góp khoảng 9% vào GDP toàn cầu (UNWTO, 2015, tr.3). Đặc biệt, tại các khu vực cao nguyên, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa – lễ hội ngày càng trở thành những sản phẩm đặc trưng, mang đậm dấu ấn địa phương (Telfer D. J. & Sharpley R., 2008).

Du lịch được xem là ngành công nghiệp không khói, khai thác tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo. Những địa phương sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú có thể trở thành điểm đến hấp dẫn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch cũng đi kèm với những thách thức liên quan đến bảo vệ môi trường và gìn giữ bản sắc văn hóa. Do đó, việc phát triển du lịch bền vững không chỉ hướng đến lợi ích kinh tế mà còn phải đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường và văn hóa địa phương.

Di Linh là một trong những địa phương có tiềm năng du lịch lớn của tỉnh Lâm Đồng, nổi bật với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ và nền văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số như K'ho, Mạ, Churu. Di Linh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa.

Tuy nhiên, so với các khu vực nổi tiếng khác trong tỉnh như Đà Lạt hay Bảo Lộc, hoạt động du lịch tại Di Linh vẫn chưa thực sự phát triển, đòi hỏi có sự nghiên cứu về tiềm năng và triển vọng phát triển du lịch tại Di Linh, những ảnh hưởng của phát triển du lịch đến môi trường, các loại hình du lịch bền vững để đưa ra giải pháp phù hợp nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững.

MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu này nhằm đánh giá tiềm năng và triển vọng phát triển du lịch tại Di Linh, xác định các vấn đề môi trường và văn hóa trong quá trình khai thác du lịch. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp giúp đạt được ba mục tiêu quan trọng:

Thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương thông qua du lịch; Cải thiện sinh kế và nâng cao nhận thức của người dân về du lịch bền vững; Bảo vệ môi trường và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên sinh thái và cộng đồng để phân tích tiềm năng và thách thức trong phát triển du lịch tại Di Linh. Các phương pháp cụ thể bao gồm: Thu thập tài liệu, Khảo sát thực địa, Phân tích tiềm năng du lịch.

NỘI DUNG

Di Linh bắt nguồn từ Djiring, tên vị chủ làng sáng lập buôn. Từ năm 1958, tên Di Linh chính thức được dùng. Đây là huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng, nằm trên cao nguyên Di Linh, cao 1.000 m so với mực nước biển. Đất Bazan màu mỡ với 161.315,5 ha, trong đó 42,11% đất nông nghiệp, 51,61% đất lâm nghiệp. Khí hậu phù hợp trồng cây công nghiệp, đặc biệt là cà phê.

Di Linh giáp Đức Trọng, Bảo Lâm, Bình Thuận, Đắk Nông, Lâm Hà. Huyện gồm thị trấn Di Linh và 18 xã, với 183 thôn, tổ dân phố. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 41,5%, gồm nhiều dân tộc bản địa Tây Nguyên như K’Ho, Mạ, Chu Ru... tạo nên bản sắc văn hóa phong phú với cồng chiêng, dệt thổ cẩm, lễ hội truyền thống.

Tiềm năng, triển vọng phát triển du lịch tại Di Linh

Di Linh có tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú để phát triển du lịch. Mười điểm nổi bật gồm: vùng cà phê, hồ Kala, trạm biến áp, xã Tân Châu, trại phong, gạch Hiệp Thành, thác Bobla, dinh Tỉnh trưởng, vua sầu riêng, vua dê núi.

Nằm trên tuyến du lịch Đà Lạt, gần sân bay Liên Khương và các quốc lộ, Di Linh thuận tiện cho du khách di chuyển bằng nhiều phương tiện.

Phát triển du lịch tại Di Linh, tỉnh Lâm Đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững

Tài nguyên thiên nhiên

Khí hậu: Di Linh mát mẻ quanh năm, với bốn mùa trong một ngày: sáng xuân dịu nhẹ, trưa nắng ấm, chiều se lạnh như thu, đêm rét như đông, tạo điều kiện lý tưởng cho du khách.

Cảnh quan thiên nhiên: Nằm trên cao nguyên Lâm Đồng, Di Linh cuốn hút với vườn cà phê, đồi chè xanh ngát, không gian trong lành, yên bình. Cảnh sắc nơi đây hòa quyện giữa núi đồi trùng điệp, đèo uốn lượn, thác nước bồng bềnh, mang đến trải nghiệm thư thái và say mê.

Di Linh là điểm dừng chân lý tưởng trước và sau khi đến Đà Lạt hoặc một điểm du lịch mới đầy tiềm năng. Đèo Bảo Lộc (B’Lao, Ba Cô) dài 10km, nối thung lũng Đạ Huoai với cao nguyên Di Linh, càng làm tăng thêm sức hút cho vùng đất này.

Phát triển du lịch tại Di Linh, tỉnh Lâm Đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững

Đèo Gia Bắc (hay đèo Di Linh) dài hơn 10km trên QL28, nối Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận)

với Di Linh (Lâm Đồng). Đèo hơn 100 năm tuổi này sở hữu cảnh sắc tuyệt đẹp với núi non trùng điệp, đồi chè bạt ngàn và những khúc cua hiểm trở đầy thách thức. Từ đỉnh đèo, du khách chiêm ngưỡng nương cà phê xanh mướt, vườn cây xum xuê và hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ. Cuối năm, hoa dã quỳ rực rỡ càng làm cung đường thêm cuốn hút.

Di Linh mang vẻ đẹp hoang sơ với rừng thông Sa Võ (xã Gung Ré) như khu rừng cổ tích và thác Bobla cao 40m, rộng 20m, nằm giữa rừng cây cổ thụ. Dòng thác trắng xóa đổ xuống mạnh mẽ tạo âm vang giữa núi rừng, bên dưới là lòng hồ trong xanh, mát lạnh. Với cảnh quan thiên nhiên phong phú cùng kiến trúc tâm linh đặc sắc, Di Linh là điểm du lịch đầy tiềm năng của Lâm Đồng.

Thác Cầu 4 (hay thác Li Liang) ở xã Gung Ré, cách thị trấn Di Linh 12km, nằm sát QL28. Đường đến thác gập ghềnh sỏi đá, giữ nguyên nét hoang sơ.

Không ầm ào như nhiều thác Tây Nguyên, Li Liang chảy hiền hòa, mềm mại như tóc nàng sơn nữ giữa rừng xanh. Những phiến đá lớn là điểm lý tưởng để ngắm cảnh, thư giãn hoặc tham gia các hoạt động trải nghiệm thú vị.

Phát triển du lịch tại Di Linh, tỉnh Lâm Đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững

Hồ Kala – danh thắng cấp tỉnh, là hồ thủy lợi nhân tạo với làn nước xanh trong, yên bình giữa núi rừng bạt ngàn. Mặt hồ thay đổi sắc màu theo thời tiết, đẹp nhất vào bình minh và hoàng hôn. Bao quanh hồ là rừng thông, ruộng bậc thang, vườn cà phê của đồng bào K’Ho, tạo khung cảnh thơ mộng như Tây Bắc.

Đến hồ Kala, du khách có thể dạo bộ, câu cá, đạp xe địa hình, trekking rừng thông hay khám phá suối đầu nguồn, đỉnh Brah Yang (1.879m). Ngọn núi này là nơi tổ chức giải chạy việt dã quốc tế, thu hút nhiều người tham gia chinh phục địa hình hoang sơ và khám phá huyền thoại địa phương.

Núi Yang Doan cao 1812 mét so với mực nước biển. Nằm tại Cao Nguyên Di Linh, nơi có địa hình nhiều núi, đồi, sườn dốc và thung lũng hẹp cũng là nơi có không khí mát mẻ quanh năm.

Phát triển du lịch tại Di Linh, tỉnh Lâm Đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững

Núi Brah-Yang và Yang Doan- hai ngọn núi cao nhất huyện Di Linh,  hiện còn nguyên thủy với những dãy núi cao thẳng đứng, xung quanh là rừng nguyên sinh.

Tài nguyên văn hóa

Di sản và Tín ngưỡng Di Linh gắn liền với truyền thuyết núi Brah Yang, nơi cư trú của các vị thần theo văn hóa K’Ho. Trại phong Di Linh (1926) – "Đồi nhân ái" – mang nhiều câu chuyện nhân văn, thu hút du khách. Nhà thờ Kala (1940) là trung tâm truyền giáo và hành hương kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Chùa Linh Thắng (1933) nổi tiếng với bộ tượng Phật Tây Phương Tam Thánh lớn nhất Việt Nam, tạc từ gỗ dâu ngàn năm tuổi.

Bản sắc văn hóa Di Linh là nơi sinh sống của 28 dân tộc, trong đó dân tộc K’Ho chiếm 35,1%. Văn hóa Tây Nguyên thể hiện đậm nét qua cồng chiêng, dệt thổ cẩm, lễ hội truyền thống. Các điệu múa dân gian hòa quyện cùng âm nhạc cồng chiêng, tạo nên sức hút đặc biệt. Các đội cồng chiêng và dân vũ ở Tân Lâm, Hòa Nam sẵn sàng biểu diễn phục vụ du khách.

Di sản phi vật thể Di Linh có bốn di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh:

Lễ cúng Nhô Wèr (lễ nghi nông nghiệp của người K’Ho Srê).

Hát kể Yalyau (ngữ văn dân gian của người K’Ho).

Cing gòng (nghệ thuật trình diễn của người K’Ho, Churu, Mạ).

Nghề đan lát ở Bảo Thuận.

Với nền văn hóa đa dạng và di sản phong phú, Di Linh là điểm đến lý tưởng để khám phá lịch sử, tín ngưỡng và bản sắc Tây Nguyên.

Phát triển du lịch tại Di Linh, tỉnh Lâm Đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững

Hoạt động đặc trưng của địa phương

Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, các sự kiện và hoạt động địa phương cũng thu hút du khách, mang đến trải nghiệm chân thực.

Dưới sự hướng dẫn của người dân, du khách có thể thăm làng bản, thưởng thức ẩm thực, xem nghệ nhân tạo ra sản phẩm thủ công, nghe chuyện dân gian, thưởng thức nghệ thuật truyền thống và mua sản phẩm địa phương. Họ sẵn sàng chi trả cho những trải nghiệm du lịch bền vững, gắn kết với môi trường và cộng đồng.

Phát triển du lịch tại Di Linh, tỉnh Lâm Đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững

Tác động của phát triển du lịch đến môi trường

Tác động tích cực

Bảo tồn thiên nhiên: Du lịch thúc đẩy bảo vệ rừng, thác nước, nâng cao ý thức gìn giữ cảnh quan và hệ sinh thái, đồng thời tạo nguồn thu giúp phục hồi tài nguyên.

Nâng cao nhận thức cộng đồng: Du lịch cộng đồng giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gìn giữ di sản văn hóa và tăng cường sự tham gia của người dân địa phương.

Cải thiện cơ sở hạ tầng: Du lịch phát triển kéo theo cải thiện giao thông, dịch vụ và viễn thông, giúp du khách dễ dàng tiếp cận điểm đến.

Tác động tiêu cực

Gia tăng rác thải, ô nhiễm nước: Lượng rác thải từ du khách (túi nylon, chai nhựa) và nước thải chưa qua xử lý từ dịch vụ lưu trú, quán ăn gây ô nhiễm môi trường.

Ô nhiễm không khí: Phương tiện giao thông gia tăng gây tiếng ồn, khí thải, ảnh hưởng đến không khí trong lành của cao nguyên.

Suy giảm rừng, đa dạng sinh học: Xây dựng hạ tầng du lịch làm giảm diện tích rừng, gây xói mòn đất, suy thoái tài nguyên và ảnh hưởng động vật hoang dã.

Cạn kiệt tài nguyên nước: Nhu cầu nước tăng cao do du lịch có thể gây thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt vào mùa khô.

Ảnh hưởng cảnh quan: Việc xây dựng cơ sở lưu trú, nhà hàng không phù hợp với tự nhiên làm mất đi vẻ đẹp đặc trưng của cao nguyên.

Các loại hình du lịch bền vững: Du lịch bền vững là hình thức phát triển du lịch đáp ứng nhu cầu hiện tại nhưng vẫn bảo đảm cơ hội cho thế hệ tương lai. Theo UNWTO, nó quản lý tài nguyên để cân bằng lợi ích kinh tế, xã hội và văn hóa, đồng thời bảo tồn môi trường và đa dạng sinh học. Sản phẩm du lịch bền vững hướng đến sự hài hòa giữa môi trường, cộng đồng và văn hóa địa phương, mang lại lợi ích lâu dài.

Các loại hình du lịch bền vững bao gồm:

Du lịch vì người nghèo: Du lịch vì người nghèo (Pro-Poor Tourism) giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người nghèo thông qua việc tham gia vào các hoạt động du lịch. Loại hình này thường triển khai tại vùng nông thôn, miền núi, góp phần bảo tồn văn hóa, môi trường và phát triển du lịch bền vững.

Du lịch cộng đồng: Du lịch cộng đồng là loại hình do chính người dân địa phương tổ chức và quản lý, mang lại lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Du khách có cơ hội trải nghiệm văn hóa, phong cảnh, lối sống bản địa. Đây là mô hình phát triển bền vững, nơi cộng đồng đóng vai trò trung tâm trong mọi giai đoạn của hoạt động du lịch.

Du lịch sinh thái: Du lịch sinh thái tập trung vào khám phá thiên nhiên, bảo tồn môi trường và văn hóa bản địa. Đây là loại hình du lịch bền vững với sự tham gia của cộng đồng địa phương, giúp phát triển kinh tế, nâng cao ý thức bảo vệ hệ sinh thái và văn hóa. Di Linh có tiềm năng phát triển loại hình này nhờ điều kiện tự nhiên và xã hội phù hợp.

Giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, hướng đến bền vững

Phát triển du lịch bền vững tại Di Linh cần cân bằng giữa kinh tế, môi trường và văn hóa. Các giải pháp bao gồm:

Giải pháp cho chính quyền: Quy hoạch, quản lý du lịch bền vững, ứng dụng công nghệ bảo tồn tài nguyên. Ban hành chính sách hỗ trợ, giám sát khai thác du lịch hợp lý. Số hóa di sản, quảng bá du lịch xanh qua nền tảng số.

Phát triển du lịch xanh: Xây dựng tuyến du lịch sinh thái, phát triển du lịch cộng đồng.

Giải pháp cho cộng đồng: Nâng cao năng lực người dân, tận dụng tri thức bản địa vào du lịch. Khuyến khích bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động du lịch bền vững.

Giải pháp cho khách du lịch: Thúc đẩy du lịch có trách nhiệm, giảm rác thải, bảo vệ thiên nhiên.

Tổ chức các hoạt động bảo tồn văn hóa, tôn trọng phong tục địa phương.

KẾT LUẬN-KIẾN NGHỊ

Di Linh có tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa bản địa để phát triển du lịch.

Du lịch có thể đem lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội cho địa phương và quốc gia nhưng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa, thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Các giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững cần đồng bộ, toàn diện và có sự phối hợp của chính quyền, cộng đồng, khách du lịch và doanh nghiệp.

Phát triển du lịch bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của du khách và cộng đồng địa phương nhưng vẫn đảm bảo khả năng duy trì cơ hội cho các thế hệ tương lai. Phát triển du lịch bền vững để tạo ra sự hài hòa giữa môi trường, cộng đồng và nền văn hóa địa phương nhằm mang lại lợi ích lâu dài.

Chính quyền cần ban hành chính sách hỗ trợ du lịch xanh, giám sát chặt chẽ việc khai thác tài nguyên. Doanh nghiệp thực hiện du lịch có trách nhiệm, ưu tiên mô hình thân thiện với môi trường và cộng đồng. Cộng đồng địa phương cần chủ động bảo tồn tài nguyên, nâng cao kỹ năng làm du lịch và gìn giữ văn hóa bản địa. Du khách nên hạn chế rác thải, tôn trọng phong tục địa phương và ưu tiên sử dụng dịch vụ bền vững.

Nguyễn Thị Kim Loan

Giảm phát sinh chất thải từ quy trình chế biến cá hồi theo hướng kinh tế tuần hoàn

Giảm phát sinh chất thải từ quy trình chế biến cá hồi theo hướng kinh tế tuần hoàn

Mục tiêu nghiên cứu giảm thiểu chất thải chế biến cá hồi bằng cách ứng dụng kinh tế tuần hoàn, biến phụ phẩm thành các sản phẩm có giá trị gia tăng.