Phía làng Chục Muông chân núi Phù Thẩm Pụt

Ngôi làng không có nổi mười ngôi nhà. Đứng ở hàng xoan lá vàng rờm rợp, như bất chợt gặp mùa lá phong cuối thu ở nước Nga.

Leo dốc leo dốc, xuống dốc xuống dốc, đó là những con đường ở Nà Đông sang Nà Liềm, đó là mùa xuân ở vùng núi huyện Lâm Bình nhìn đâu cũng xanh nõn, những ruộng ngô đang trổ bông, và hoa ngô nâu thẫm ruộng, bên này con đường đất, người làm nông lại vừa bừa xong gieo ngô tiếp, mùa gối vụ.

Mùa nối mùa ở nơi đây, xanh mướt, mờ ảo, trong lắng. Mùa nào cũng nhìn thấy núi chồng núi, bao bọc ruộng nương êm đềm. Những con đường đất đỏ, nếu không mưa thì trâu bò vẫn lững thững đi ra ruộng, bầy vịt đàn rẽ xuống ao. Người Tày đi bộ vác cuốc và đeo bao tải ngô hạt đi gieo, có ruộng ở rất xa nhà; người chồng đi xe máy, người vợ vác cuốc  trên vai, ngồi sau xe cùng ra ruộng vỡ đất. Tre và nứa vẫn như tường rào rủ xuống đồng quê.

Phía thôn Nà Đông còn có dãy núi ngay dưới chân là hang Thẳm Vài, hang đầy nước trong. Đi qua núi, qua hang Thẳm Vài là chạm tới một con đường đầy cây xoan lá vàng rực rỡ ngay chân núi. Ở đây chỗ nào cũng chạm mặt với núi non. Tôi hỏi thăm đường lên làng Chục Muông ở Nà Thuôn, núi Pù Én hay núi Phù Thẩm Pụt đầy hoa cải vàng nơi chân núi. Ngôi làng không có nổi mười ngôi nhà. Đứng ở hàng xoan lá vàng rờm rợp, như bất chợt gặp mùa lá phong cuối thu ở nước Nga. 

Phía làng Chục Muông chân núi Phù Thẩm Pụt
Phía làng Chục Muông chân núi Phù Thẩm Pụt

Và tôi dừng xe đạp, đếm, thì thấy làng có mỗi 7 mái nhà lợp mái tôn, đó là 7 hộ di dân từ lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, thuở còn là trung tâm phố huyện; khi tỉnh Tuyên Quang khai thác thủy điện lòng sông Gâm thành hồ thủy điện Tuyên Quang thì cả một trung tâm thị xã đã biến hóa thành hồ;  dân di cư đi khắp các thôn Nà Liềm, Nà Đông, Nà Thuôn. Nơi còn có một ngôi làng vỏn vẹn có 7 nóc nhà, với tên gọi Chục Muông. Làng không đủ chục nóc nhà, đã trở thành làng nhỏ nhất của huyện Lâm Bình.

Tôi có một ngày vừa cuốc đất vừa trò chuyện với cháu Hoàng Thị Thùy, dân tộc Tày ở thôn Nà Kẹm, Thùy  đang gieo ngô, cháu vừa gieo ngô vừa cho hay:  Ở làng Chục Muông chỉ có  7 ngôi nhà, “thương nhất có một ngôi nhà chỉ cỏ ba mẹ con thôi?”. “Vì sao vậy, người cha đi đâu à?”. “Người bố của hai đứa con nhỏ mới mất do bệnh phổi”, còn người mẹ đi làm trên phía nương kia, cũng đang đi vơ cỏ cho đậu đỏ và vừng đen.

Người mẹ của hai đứa con ấy chỉ trồng vừng và bán vừng hạt. Vừng là sản phẩm đặc sắc nhất cho khách du lịch dưới xuôi. Vừng trồng dài hạn một năm, gặt về phơi phóng đãi đằng bán có 25 ngàn một bát ăn cơm, mà vừng luôn “cháy” hàng. Nhà không có vừng mà bán. Khách muôn phương đi thuyền trên sông Gâm, đi thăm thác Khuổi Nhi ở mãi Na Hang, có khi đi thuyền còn vượt lên Bắc Mê khi sông chưa cạn, để du khách đi chợ vùng cao ở mãi tận tỉnh Hà Giang.

Sông Gâm đã là cầu nối gần lại giữa Tuyên Quang và Hà Giang bằng đường thủy. Khi lội suối mùa xuân, mùa hè thả sức vẫy vùng tắm thác Khuổi Nhi, mùa đông nước ấm, có thể cho cá mát sa chân cho sướng cả buổi, rồi mới đi ăn ốc suối hấp lá chanh, hấp mẻ, mùi thơm ngon cực. Họ chọn cả món măng chua chấm mẻ, thịt heo nướng chấm mẻ. Người dân tộc Tày trên này có cái hay là làm món thịt luộc hay cá hấp, hay măng luộc đều chấm mẻ tuốt. Họ ăn chua. Mẻ chua dùng làm nước chấm, thay nước mắm dưới xuôi. Nhưng quả thật , thịt chấm mẻ cũng ngon và măng chấm mẻ cũng rất ngon.

Phía làng Chục Muông chân núi Phù Thẩm Pụt

Ở trên này người ta trồng vừng trắng hay vừng đen chỉ trồng một vụ, vừng một năm, trồng dài hạn, vừng trồng dài hạn nên thơm ngon  hơn vừng ngắn hạn. Hạt vừng trên này không thể so sánh với vừng “ngố” dưới xuôi. Nó nhỏ hạt, tròn, bé hơn hạt vừng ta dưới miền xuôi, rang lên đã thơm nức mũi, giã vừng còn thơm nữa. Bánh gấc nhân vừng đen trên Nà Đông ngon vô  cùng. Du khách Hà Nội từng mơ ăn bánh gấc trừ cơm bạn ạ.  Ở đấy còn có nhiều món ngon bình dị từ đất và rừng sinh ra. Rừng đã cho con người bao nhiêu món ngon không  bút nào tả xiết.

Trên này người sống ở núi, người đã tựa hẳn vào núi non để sống bằng món ngon của núi. Như món măng chua nhồi thịt với đủ loại lá thơm của núi, có lá thơm ở núi Thúy Loa, chỗ hòn đá buộc trâu trời mênh mông nước xiết sông Gâm. Có lá theo nấu canh cá Bỗng ở ngay chân núi; có món măng đắng không thể đắng hơn mà khi ăn muốn ngậm trong miệng lâu lâu để thấy được vị của đất và núi đem đến cho con người không phải vị cay đắng nếm trải, mà là vị ban tặng của núi Thúy Loa bên rừng già và sông Gâm trong vắt mùa đông.

Món cải bắp nhồi thịt, hay nhồi cá với lá thơm chỉ có người dân tộc dùng tới. Hay lúa nương làm bánh dầy và nướng trên bếp than hoa với cá mè hoa, cá trắm to một vòng tay người ôm không xuể. Họ nướng cá trên bếp than, bẻ ra như khúc giò, ăn với gia vị chấm mẻ, hay lá rừng mà chỉ có người dân tộc biết và thuộc mặt lá trong đời sống. Người Kinh hay khách du lịch muôn phương thưởng thức món ngon, khi ăn chưa muốn nuốt ngay vì vị núi ngon quá, hương rừng thơm quá.

Món cơm tiết, là dùng gạo nương trộn với tiết, với gia vị lá rồi gói lá chuối, đem đồ trong chõ gỗ, thì cứ tím lịm trên lá chuối. Xôi tím, và chuối xanh nấu ốc suối với tía tô, cà chua bi. Có thể nói rừng đã đem lại lợi ích cho con người nhiều hơn thế. Chính vì vậy người dân ở Nà Thuôn chỉ có trồng ngô lúa quanh năm, chăn vịt bán cho các nhà sàn Homestay, và họ no đủ với đời sống yên hàn.

Phía làng Chục Muông chân núi Phù Thẩm Pụt
Phía làng Chục Muông chân núi Phù Thẩm Pụt

Anh Nguyễn Văn Hiền, Phó chủ tịch Huyện Lâm Bình cho biết: “Người dân ở đây rất ít đi xa, và đặc biệt  dân cư không đi nơi khác để sống”. Có thể môi trường sống lý tưởng của con người hòa quyện với thiên nhiên, nơi có suối trong, núi thẳm, có hang động thần bí. Nơi mùa xuân có tục nhảy lửa mà dân bản địa gọi là “nhảy Cầu lửa”, họ phải dùng đến thầy mo cúng, họ có đức tin vào thần linh. Người nhảy lửa thấy rét mới quay cuồng đi qua lửa và chơi với lửa diệu kỳ trong ánh mắt của người trần thế.

Bởi vậy không chỉ có làng Chục Muông, hay Nặm Đíp của thị trấn Lăng Can. Mà vùng xã Hồng Minh có tục lệ nhảy lửa, hội cầu  lửa ngày xuân của dân tộc Pà Thẻn cũng là nét văn hóa đặc biệt huyền bí của nhân gian khi những chàng trai nhảy lửa và chơi với lửa hồn nhiên, bình thản như trẻ con chơi chuyền, chơi ô ăn quan vậy.

Mùa xuân ở vùng Đông Bắc thật kỳ diệu và khác biệt so với địa chỉ khác, miền núi khác. Vì nơi đây ra ngõ gặp tre nứa rừng núi bao quanh. Sự tĩnh tại của núi, của rừng và con người đã làm nên vẻ đẹp huyền bí, dù làng có 7 ngôi nhà hay vài chục nóc nhà thì non nước Lâm Bình vẫn có sức hút riêng, vì vẻ đẹp chưa hề bị con người cải tạo, nó còn nguyên sơ, và bình dị nên có hơi thở của núi, của suối và của thác. Nơi đó vòm ngực con người thở trong không gian trong trẻo đắm say hơn, nơi gọi là phố thị đầy những tin tức về ô nhiễm không khí.

Hoàng Việt Hằng (Bài và ảnh)

Chuyện về nữ cựu chiến binh làng S'Tiêng với những kí ức của cô “bộ đội nhỏ” về những trận chiến khốc liệt

Chuyện về nữ cựu chiến binh làng S'Tiêng với những kí ức của cô “bộ đội nhỏ” về những trận chiến khốc liệt

Câu chuyện chị Cha tái hiện cuộc sống của cựu chiến binh và dân làng người Mạ, người S'Tiêng của xã 6 anh hùng trong thời chiến.