Nhớ về Châu Mộc

Du lịch Mộc Châu đang vươn xa, và không lâu nữa, người nước ngoài sẽ thường xuyên lui tới, từ nỗ lực chắt chiu, gom nhặt quá khứ, xây dựng tương lai.

Ở trên độ cao trung bình 1.050m, hai thị trấn của huyện Mộc Châu nằm cách nhau con dốc 75 vốn là nỗi khiếp sợ của biết bao phương tiện. Đi từ Sơn La, qua thị trấn Mộc Châu với đầy đủ cơ quan chức năng của một chính quyền đô thị nằm dưới chân dốc chạy dài theo quốc lộ 6 lên tới ngã ba đường mới. Từ đó, khách bộ hành hoặc rẽ phải theo đường quốc lộ về xuôi, hoặc đi theo đường thẳng lên thị trấn nông trường nằm trên con dốc đứng ấy.

Châu Mộc những ngày chưa cũ...

Nếu vào mùa thu, đi từ thị trấn Mộc Châu lên thị trấn Nông Trường, bạn cần phải chuẩn bị cho mình cả tấm áo khoác để chống rét. Bởi nhiệt độ giữa hai thị trấn chênh nhau vài độ C. Dưới thị trấn Mộc Châu (người dân bản địa hay gọi tắt là thị trấn để phân biệt với thị trấn ở trên cao là thị trấn Nông Trường) có khi nắng vẫn vàng ươm rót mật thì vượt qua con dốc dài, thị trấn Nông Trường đã chìm trong sương mù và gió lạnh.

Tôi tính lên Mộc Châu, mấy năm rồi mà cứ lần lữa mãi. Phần do dịch dã, phần do những nhiêu khê của chính quyền trong phòng chống dịch khiến sự đi lại khó khăn và những vướng mắc suốt quãng đường đi. Dù bây giờ, lên Mộc Châu chẳng còn xa xôi, quanh co khúc khuỷu như cách đây mới chỉ chừng ba thập kỷ.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Đôi khi, trong những giấc mơ, những triền núi đá chênh vênh của Pha Luông, Lóng Luông hay Nà Ka, Pa Phách cứ hiện về, vừa lung linh trong nắng mà lại ngay đó ẩn vào sương mờ mù mịt. Những cánh đồng hoa cải vàng, cải trắng núp dưới những tán mận, tán đào cứ ẩn hiện pha với hình ảnh xa xôi của những cánh đồng hoa thuốc phiện từ vài chục năm trước (cái thời mà loài cây này vẫn còn được coi là cây chủ lực) cứ thoắt ẩn, thoắt hiện như trêu ngươi, như nhắc nhớ.

Có xuôi ngược con đường lởm chởm những ổ gà nằm choán hết bề ngang mỏng như sợi chỉ mảnh nối liền Thủ đô với thủ phủ vùng Tây Bắc mới thấy hằn in đâu đó trong đầu những khó khăn, khổ sở cụ thể mà không lấy gì làm lãng mạn của một thời gian khó...

Còn nhớ, quãng những năm đầu 2000, Mộc Châu nằm lẩn vào trong sương mù ký ức. Khi ấy, quốc lộ 6, con đường cổ lỗ có từ thời Pháp thuộc được “đại tu” để phục vụ cho công trình thế kỷ: thủy điện Sơn La. Không mở rộng ra và trải nhựa cho cẩn thận, những chuyến xe chở máy móc siêu trường, siêu trọng chỉ có nước đi… xuống vực trước khi tập kết ở thị trấn Ít Ong của huyện Mường La (nơi đặt nền móng của công trình thủy điện thứ hai trên dòng sông Đà hung dữ). Lúc đó, muốn lên Tây Bắc người ta đành đi vòng tạm đường 70 sang cầu Trung Hà, men theo sông Đà lên Thanh Thủy, Thanh Sơn rồi vượt qua đèo Cón, Thu Cúc, Tân Sơn, Phú Thọ để mà tới Phù Yên để từ đó lại chọn lối rẽ hoặc qua Bắc Yên để tới Sơn La hoặc đi dọc theo một đoạn đường cắt ngang lòng hồ sông Đà để mà sang Châu Mộc. Đường tới Điện Biên, Lai Châu khi ấy, khách bộ hành đành bỏ thêm thời gian mà đi hướng Lào Cai, qua Ô Quy Hồ vòng xuống.

Con đường mới đã bỏ qua những địa danh giờ chỉ còn gắn bó với một số áng văn chương của mấy nhà văn đã từng sinh sống ở núi rừng Tây Bắc. Những địa danh ấy, có lẽ giờ chỉ còn dân “phượt” còn tìm tới cả nghĩa đen nghĩa bóng. Thảng hoặc có một vài cố nhân nhớ về chút dĩ vãng gắn bó xa xưa lặng lẽ đi qua, để mà gặm nhấm cả một nỗi niềm hoài cổ. Đường 6 mới bây giờ bỏ qua thị trấn Nông Trường, thị trấn vốn hình thành do công dân của một nông trường quần tụ mà thành.

Tìm hiểu thì mới thấy, nằm bao quanh cái thị trấn đặc sệt tính chất xã hội chủ nghĩa ấy, ban đầu chủ yếu là dân cư và đất đai của nông trường Mộc Châu. Nông trường này ban đầu được xây dựng lên do công sức của những cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn 280, sư đoàn 335 quân tình nguyện Việt Nam từ những năm 1960 của thế kỷ trước. Đây là đơn vị tình nguyện đóng ở Trung Lào về nước. Nông trường được xây dựng nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của vùng Tây Bắc.

Ảnh: internet.
Ảnh: internet.

Những con người vốn quen tay súng khi ấy có nhiệm vụ chiến lược mới là gây dựng và phát triển đàn bò, bò sữa, chè và cây lương thực. Nguồn nhân lực bổ sung là những người công nhân miền xuôi lên xây dựng kinh tế mới. Công dân đặc biệt ở huyện còn là những người thuộc phần còn lại của cuộc chiến Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”. Sau khi bỏ máu xương của mình đánh giặc, họ rời khỏi những Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam xuôi về rồi cùng nhau định cư ở lại nơi này, lấy vợ gả chồng, sinh con đẻ cái rồi xây dựng nên những thị trấn thị tứ gắn với các nông trường chè.

Mỗi nông trường kiểu ấy đều do những con người từ Hải Hưng, Thái Bình, Hà Nam Ninh cũ và cả Hà Nội xây dựng nên. Những cái tên như Cờ Đỏ, Vườn Đào... đều gắn bó với những mô hình đội kinh tế trước đây giờ vẫn còn nguyên tên trong lòng dân thị trấn. Nó tồn tại như sự gắn bó thiết thân với từng cá nhân, trước khi sẽ hoặc được đổi tên thành những đơn vị hành chính mang các con số hay cái tên định danh cụ thể.

Từ năm 2001 đến năm 2004, đoạn đường dài 254km nối thành phố Hòa Bình với Sơn La được khánh thành. Khi ấy, đoạn đường Hà Nội lên Mộc Châu với những con đèo xưa nổi danh nguy hiểm như dốc Cun, dốc Má, dốc Quy Hậu, rồi đèo Thung Khe, Thung Nhuối nằm hai bên của thung lũng Mai Châu hiền hòa lãng mạn đã bớt đi nhiều hung hiểm.

Những công dân mới...

Gọi họ là mới, chỉ là mới theo quá trình phát triển và nhận thức. Chứ thực ra với Tráng A Chu thì vùng đất Hua Tạt gắn bó với dòng tộc, gia đình cậu từ thủa còn... cởi truồng tắm nắng. Học đại học về, thanh niên người mông Tráng A Chu không theo cha mẹ, anh em xách cặp đi làm cán bộ. Chu lang thang đi học làm du lịch, với khát vọng làm quê hương mình sáng rực lên. Vượt qua những khó khăn, trở ngại do thiếu kinh nghiệm, thiếu chuyên môn, thứ còn lại và thứ cốt tủy để A Chu đeo bám và trưởng thành là khát vọng khẳng định người Mông không kém, không bảo thủ, không lạc hậu và… không nghèo.

Từ gian nhà sàn đi vay tiền về dựng, A Chu nay đã mở mang ra thêm nhiều bungalow đẹp ưng mắt người xuôi và làm mê mẩn khách nước ngoài. Giá bán mỗi căn không dưới 2 triệu/ đêm. Hắn, có lẽ cũng là thanh niên người Mông quảng giao nhất vùng Châu Mộc.

Nhớ về Châu Mộc

Hua Tạt đang dần trở thành khu nghỉ dưỡng lý tưởng, bởi có A Chu Homestay, và cạnh đó là The Nordic. Đây là một quần thể rộng trên 22ha gồm những căn nhà nghỉ dưỡng theo phong cách châu Âu và khu tham quan, vui chơi nằm trên rừng thông Hua Tạt bốn mùa vi vút gió. Chủ đầu tư của khu nghỉ này là Công ty Cổ phần Du lịch Pha Luông, do Đỗ Minh Trung đứng đầu. Công ty của Trung toàn trai trẻ tuổi từ 30-40, đam mê du lịch và mong muốn làm giàu trên thảo nguyên Mộc Châu. 6 năm trước, Trung đã cùng anh em lập công ty với khát vọng sẽ lớn mạnh như đỉnh Pha Luông hùng vĩ, họ đi lên từ nhà nghỉ Pha Luông, rồi công viên ánh sáng, làm cầu kính ở Việt Nam, làm chợ đêm ở Mộc Châu và khu tham quan, nghỉ dưỡng The Nordic dưới Vân Hồ, huyện mới tách ra từ Mộc Châu cách đây vài năm.

Du lịch Mộc Châu đang vươn xa, người Việt Nam ai cũng biết, và không lâu nữa, người nước ngoài chắc sẽ thường xuyên lui tới, từ sự nỗ lực chắt chiu, gom nhặt quá khứ, xây dựng tương lai của những chàng trai này.

Nông nghiệp Mộc Châu cũng theo đà tiến của nông nghiệp Sơn La, đang mỗi ngày tìm bước vươn mình ra thế giới. Rau, hoa quả, chè sữa vốn quen thuộc giờ trở thành mũi nhọn. Những doanh nghiệp, HTX nông nghiệp ngày càng nhiều, như một sự khẳng định uy tín, thương hiệu của nông sản Mộc Châu: HTX nông nghiệp Quyết Thanh, HTX nông nghiệp và dịch vụ 19/5, HTX măng Tân Xuân 269, HTX đặc sản Tây Bắc… nhiều lắm những cá nhân đang ngày ngày cần mẫn góp sức mình xây dựng nông trường cùng với các doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, Công ty chè Mộc Châu…

Tay Phó giám đốc HTX đặc sản Tây Bắc Ngô Thành Đạo vừa nói chuyện vừa tranh thủ lướt web để tìm khách hàng. Hắn vốn làm du lịch, giỏi công nghệ thông tin và truyền thông, là một trong những người tiên phong lập website, truyền thông du lịch Mộc Châu từ những năm 2007. Với tham vọng đưa Mộc Châu ra thế giới + mang thế giới về Mộc Châu bằng website, bây giờ là công nghệ thực tế ảo 360 độ, với trải nghiệm “Ngồi ở nhà mà thấy cả Mộc Châu”. Và, bây giờ hắn lấn sân sang truyền thông nông nghiệp, vẫn khát vọng cũ nhưng giờ không chỉ mang du lịch, mà còn mang nông sản Mộc Châu đi khắp nơi. Hắn gọi mình là nông dân không tấc đất, hắn mong muốn làm giàu cho bản thân và người nông dân trên chính quê hương mình. Hãy nghe tuyên ngôn của HTX hắn: Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Bắc, đẹp, hoang sơ nhưng đầy khó khăn, chúng tôi khao khát biến những lợi thế về sản vật của quê hương mình thành thứ có thể thay đổi được cuộc sống của bản thân và những người dân nơi đây.

Ngô Thành Đạo không trực tiếp cầm dao, cầm cuốc, hắn chỉ cầm độc chiếc điện thoại, lập website giới thiệu đặc sản Mộc Châu, quay các vlog Hành trình đặc sản Mộc Châu, đến tận các trang trại nghe người nông dân tâm sự, chia sẻ để từ đó tìm ra nét độc đáo, khác biệt trong từng sản phẩm và truyền thông điệp đến người tiêu dùng.

Những công dân mới của Mộc Châu ấy, đang là những người trực tiếp thực hiện lời Bác Hồ ân cần viết trong trang sử nông trường năm 1959: Luôn luôn cố gắng/ khắc phục khó khăn/ tiến lên thật hăng/ làm tròn nhiệm vụ.

Lời kết

Những ngày cuối đông 2021, đi thong dong qua hai thị trấn đang nằm nép mình vào nhau chìm trong làn sương mờ, lặng yên lơ đãng và hoang hoải. Những chiếc lá cây già còn vướng lại nằm khiêm tốn cạnh những mầm non đang nhú. Đâu đó đã thấy sự tí tách cựa mình vươn thở của cỏ cây trong mỗi buổi sớm mai, dưới những giọt sương trong vắt long lanh đón những tia nắng bình minh ban sớm ở mỗi ngọn đồi. Mộc Châu vẫn là một Châu Mộc nên thơ song cũng đã sẵn sàng vươn mình để xứng đáng trở thành thủ phủ của Tây Bắc như những thế hệ trước đây mong đợi.

Mai Tâm Hiếu

Mù Cang Chải là điểm đến hàng đầu thế giới trong năm 2020

Mù Cang Chải là điểm đến hàng đầu thế giới trong năm 2020

Mới đây, địa danh Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái được CNBC của Mỹ nhắc đến là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới trong năm 2020.