Phụ huynh nói gì trước kiến nghị của TP.HCM cho học hinh nghỉ học hết tháng 3?

Các phụ huynh đã có phản ứng khác nhau sau khi TP.HCM kiến nghị cho học sinh nghỉ đến hết tháng 3.

Phòng dịch ở trường vẫn tốt hơn ở nhà

TP.HCM kiến nghị kéo dài thời gian nghỉ của học sinh, sinh viên đến hết tháng 3 và điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020. Cụ thể tiếp tục học kỳ 2 từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2020 và dời kỳ thi THPT quốc gia 2020 đến cuối tháng 7.

Trước thông tin trên nhiều phụ huynh đã có những phản ứng trái chiều. Bên cạnh đa số tán thành việc cho con nghỉ học vì an toàn sức khỏe là trên hết nhưng nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng.

Anh Nguyễn Đức Thanh (46 tuổi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) có con sắp thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10 chia sẻ: “Nếu tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 3, thì thành phố phải lùi lịch thi chuyển cấp vào 10, thời gian ôn luyện để thi tuyển sẽ rất ngắn, tôi lo không đủ thời gian để học sinh có thể ôn tập và thi đạt kết quả tốt”.

Còn anh Đặng Văn Liệu (quận Tân Phú, TP.HCM), người có con trai đang học lớp 12 trường THPT Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ: “Không cho học sinh đến trường không có nghĩa là phòng bệnh an toàn như con tôi ở nhà buồn chán vẫn tụ tập bạn bè đi chơi, ăn uống. Tôi nghỉ kiểm soát phòng dịch tại trường vẫn tốt hơn, học sinh vẫn có thể đi học để theo kịp bài vở, chứ ở nhà chẳng học hành gì toàn đi chơi, tụi nhỏ lớn rồi muốn giữa ở yên trong nhà cũng khó”.

Học hành, thi cử đúng tiến độ không trọng bằng tính mạng người dân trong màu dịch corona. 
Học hành, thi cử đúng tiến độ không trọng bằng tính mạng người dân trong màu dịch corona. 

Anh Tấn Ngọc (Phụ huynh bé Trần Thủy Trúc, học sinh lớp 5 trường TH Bình Thuận, quận Bình Tân, TP.HCM) thở dài: “Tôi biết cho trẻ nghỉ học là quyết định an toàn của ngành giáo dục trước đại dịch corona nhưng tại TP.HCM gần như đã kiểm soát; các bệnh nhân nhiễm bệnh cũng đã xuất viện, tại Việt Nam vẫn chưa có ca nhiễm nào mới thì tại sao lại tiếp tục cho học sinh nghỉ học. Nếu trẻ ở nhà, chúng vẫn tiếp xúc với hàng xóm, vui chơi cùng bạn bè trong khu vực, vậy việc nghỉ học đến khi hết dịch liệu có cần thiết”.

Tạo việc làm để giữ nhân viên chờ hết dịch

Để giữ nhân viên, chị Uyên Phương, chủ hệ thống 6 trường mầm non quốc tế, đã kết nối tất cả giáo viên, bảo mẫu với phụ huynh có nhu cầu, cử những người này đến từng nhà để giữ trẻ với mức lương 300.000 đồng/ngày. Các cô bếp thì chị tạo công ăn việc làm bằng cách nấu suất ăn cho các bé (sáng, trưa, chiều) để phụ huynh sẽ đỡ mất thời gian đi chợ, nấu ăn lắt nhắt riêng cho bé.

Vẫn cho con nghỉ học nếu còn dịch

Không giống với những phụ huynh trên, anh Nguyễn Đức Hiếu (phụ huynh hai bé học mầm non quận Bình Tân) thì cho rằng việc tạm nghỉ học, dời lịch thi cử là hợp lý trước tình dịch diễn biến phức tạp, số người chết vì dịch trên thế giới liên tục tăng. Việc học hành, thi cử đúng tiến độ không quan trọng bằng tính mạng người dân. “Cá nhân tôi sẽ cho con nghỉ học đến khi nào dịch ổn định, nếu ngành giáo dục cho đi học đầu tháng 3, tôi vẫn cho con nghỉ tiếp”, anh Hiếu cho biết. 

Đồng quan điểm với anh Hiếu, anh Trần Văn Linh (Tân Phú) cho biết, mặc dù Việt Nam kiểm soát tốt bệnh dịch, số ca nhiễm bệnh không tăng lên nhiều nhưng tôi vẫn lo lắng nếu cho con đi học trong thời điểm hiện tại. "Nói gì thì nói tụi nhỏ vẫn chưa biết cách bảo vệ tốt cho sức khỏe của mình. Trong khi các giáo viên thì còn nhiều cháu phải lo chứ đâu riêng gì con mình, không ai lo cho con mình tốt bằng mình. Thế nên tôi vẫn quyết định cho con mình nghỉ học đến khi hết dịch mới cho đi. Cùng lắm ở lại lớp sang năm đi học lại", anh Linh cho biết thêm.

Nghỉ quá lâu học sinh mong muốn quay lại trường. 
Nghỉ quá lâu học sinh mong muốn quay lại trường. 

Giáo viên dạy online, học sinh muốn đi học trở lại

Trước tình hình nghỉ học quá lâu, một số giáo viên sợ học sinh của mình không theo kịp bài vở nên tổ chức những buổi học nhóm online hoặc giao bài tập cho học sinh tự học tại nhà, kiến thức nào không hiểu có thể hỏi trực tiếp thầy cô qua mạng. Đó là cách mà thầy Phạm Tấn Hướng trường THPT Trần Quang Diệu (tỉnh Quảng Ngãi) áp dụng dạy học trò của mình.

Còn cô Hạnh Dung, giáo viên một trường Trung học phổ thông tại Đăk Lăk thì mỗi ngày đều ra đề Toán cho học sinh tự giải ở nhà, sau đó cô sẽ công bố đáp án trên nhóm lớp để học sinh tự theo dõi.

Còn em Đặng Thành Huy, học sinh trường THPT Tân Bình, thì rất muốn đi học trở lại. “Ở nhà hơn 3 tuần không được đi ra ngoài, chơi thể thao hay giao tiếp với bạn bè người mình như bị ì ra, chán không tả được. Chưa bao giờ lại khát khao đi học để được gặp thầy cô, bạn bè như thế này”, em chia sẻ.

Phụ huynh căng mình nghĩ cách giữ con

Tuy nhiên khó khăn nhất vẫn là những phụ huynh có con nhỏ, họ phải chật vật tìm cách gửi con khi trường học tiếp tục đóng cửa.

Chị Hương Giang (quận Phú Nhận) nhà có hai bé trai học lớp 4 và lớp 2 gia đình không thể gửi cho ông bà, thuê người giúp việc thì quá đắt với đồng lương công nhân viên chức của hai vợ chồng không đủ chi trả nên chị đành để hai bé tự chơi tại nhà. Sáng chị sẽ dậy sớm nấu cơm và thức ăn để sẵn đó cho hai bé, chị sẽ khóa cửa để hai bé tự chơi trong nhà. “Hoàn cảnh bắt buộc tôi chỉ còn mỗi cách này, tôi dặn bé lớn trông chừng bé nhỏ. Tôi mua đồ chơi và sách tô màu để các con chơi cho đỡ chán. Đi làm nhưng tôi vẫn canh cánh lo cho hai bé ở nhà. Tôi hay gọi điện về nhắc chừng các con và tranh thủ buổi trưa chạy về xem con thế nào. Nếu cứ tiếp tục nghỉ học thế này, chắc hai vợ chồng phải gắn camera ở nhà để trông chừng các con chứ đi làm mà thấp thỏm cho các con ở nhà quá”, chị Giang tâm sự.

Chị Thu Hồng (phụ huynh bé gái 3 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết: “Dù rất nhớ con nhưng hai vợ chồng cũng đành bấm bụng gửi con về cho quê ở Quảng Ngãi cho ông bà ngoại chăm sóc. Sau khi tình hình dịch ổn định, tôi sẽ đón bé vào thành phố đi học lại. Con về quê nhớ ba mẹ khóc suốt, tôi cũng đứt ruột nhưng phải chịu để qua mùa dịch”.

Không chỉ phụ huynh đau đầu nghĩ cách giữ trẻ, các hệ thống trường học mầm non quốc tế và tư nhân cũng căng mình chống chọi khi thời gian nghỉ của học sinh kéo dài. Đặc biệt là các trường mầm non tư thục, nhóm nhà trẻ gần như thiệt hại do nguồn thu 100% từ học phí.

VIÊN VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương