Trong số các tác nhân gây bệnh cho phụ nữ, virus HPV là thứ phổ biến bậc nhất.Theo bác sĩ Trần Đức Cung (Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt): "HPV là virus gây u nhú ở người, đây là 1 bệnh lý lây truyền qua đường tình dục thường gặp nhất. Có nghiên cứu cho rằng có đến 70% phụ nữ sẽ nhiễm ít nhất 1 type HPV trong đời.
Có khoảng 100 type HPV gây bệnh ở người, và có khoảng trên 40 type sẽ gây bệnh ở đường sinh dục. 90% số ca sùi mào gà là do HPV type 6 và 11. Ngoài ra, có 2 type nguy cơ cao nhất gây đến 70% số ca ung thư cổ tử cung là type 16 với 18. Đáng mừng là, cả 4 type 6, 11, 16, 18 đều có thể tiêm phòng bằng vaccine được".
Việc phát hiện sớm bản thân mắc HPV có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng sức khỏe tổng thể và tránh tổn thương ở cổ tử cung...
Một vài chủng HPV sẽ gây ra tình trạng mụn cóc trên cơ thể. Những nốt mụn cóc này tuy vô hại nhưng có thể gây ra cảm giác khó chịu và đau đớn. Nếu nhiễm HPV, trên cơ thể thường bị nổi mụn cóc ở 5 bộ phận dưới đây.
5 vị trí nổi mụn cóc cảnh báo bạn đã nhiễm HPV
1. Bàn tay
Virus HPV có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết trầy xước ở tay, rồi sẽ phát triển và hình thành mụn cóc. Mụn cóc vùng này thường gây đau đớn, khó chịu do nằm trên bề mặt dễ bị tì đè và dễ nhầm lẫn với những vết chai trên bàn tay, bàn chân.
2. Bàn chân
Mụn cóc do HPV cũng thường xuất hiện ở lòng bàn chân. Ngã, đứt tay hoặc vô tình làm trầy xước da dẫn đến vết thương hở, tạo điều kiện cho vi rút HPV xâm nhập, lây lan. Chúng có thể trở nên khá lớn và gây đau khi bạn đứng hoặc đi lại. Các loại HPV 1, 2, 4, 27 và 57 thường gây ra mụn cóc ở lòng bàn chân.
3. Vùng kín
Khi vùng kín có cảm giác ngứa, râm ran và sờ vào thấy nhiều mụn thịt lồi ra thì loại mụn này rất có thể là sùi mào gà do virus HPV gây nên. Chúng chủ yếu mọc ở những bộ phận ẩm ướt như vùng kín, vùng quanh hậu môn.
4. Trên mặt
Khi bị HPV, các nốt mụn cóc trên mặt sẽ mọc thưa thớt, nhô cao hơn so với bề mặt da. Theo thời gian, các nốt mụn này sẽ mọc cao lên như mào gà, lan rộng ra các vị trí của khoang miệng, thậm chí lan ra cả bên ngoài, quanh viền môi. Trong các nốt mụn cóc sẽ chứa dịch trong, chỉ cần một tác động nhỏ có thể làm chúng vỡ ra, làm tăng nguy cơ phát tán bệnh.
5. Mí mắt, quanh miệng
Mụn cóc có cấu trúc dạng sợi do HPV thường mọc ở xung quanh mí mắt, quanh miệng và cổ.
Làm sao để ngăn ngừa mụn cóc?
- Vệ sinh bàn tay sạch sẽ.
- Che chắn vết thương khi đứt tay hoặc trầy xước.
- Mang giày hoặc dép trong phòng tắm công cộng hoặc hồ bơi.
- Không chạm vào mụn cóc của người khác.
- Không cạy hay cắn móng tay vì mụn cóc dễ hình thành xung quanh móng.
- Tiêm vắc xin HPV.
Sau khi bị nhiễm virus HPV, ngoài mụn cóc sẽ xuất hiện 2 triệu chứng sau
1. Khí hư có màu lạ
Phụ nữ khi nhiễm HPV sẽ có dấu hiệu khí hư màu nâu, có lẫn máu, khí hư tanh nồng,… Khi đó cần lập tức đi khám bác sĩ để được chẩn đoán bệnh.
2. Tăng lưu lượng kinh nguyệt
Kinh nguyệt là một trong những dấu hiệu quan trọng để phụ nữ biết được bản thân có khỏe mạnh hay không. Nhìn chung, lượng kinh nguyệt bình thường của phụ nữ dao động từ 20-120ml, thời gian hành kinh ổn định. Nếu phụ nữ nhận thấy lượng kinh nguyệt tăng lên, hoặc chu kỳ kéo dài bất thường, cần phải cảnh giác với các vấn đề về tử cung, đặc biệt là ung thư cổ tử cung.
Những nữ giới có khối u phụ khoa ẩn nấp trong người thường gặp 5 rắc rối, đừng chủ quan
Sự chủ quan với những thay đổi ở vùng kín có thể khiến chị em “hối không kịp” khi phát hiện các khối u phụ khoa.