RCEP sẽ là áp lực cho Mỹ nếu muốn trừng phạt Việt Nam thao túng tiền tệ?

Mỹ có thể sẽ chỉ áp thuế một số ngành khi xác định Việt Nam thao túng tiền tệ trong bối cảnh RCEP ra đời có lợi cho Trung Quốc.

Hôm 16/12, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ. Theo cơ quan này, trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã can thiệp rất nhiều vào thị trường tiền tệ để ngăn chặn việc điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả.

Phản hồi về việc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, việc điều hành tỷ giá những năm qua - trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Hệ luỵ giữ ổn định tài chính và ngân khố

Chia sẻ về việc này tại một hội thảo mới được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng đây là một tin xấu vào dịp cuối năm, sau một loạt các điểm sáng về kinh tế được ghi nhận trong thời gian vừa qua.

Theo số liệu của Uỷ ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC), thặng dự thương mại hàng hoá của Việt Nam với nước này trong 10 tháng đầu năm 2020 lên đến 56,6 tỷ USD. Còn phía Tổng cục Thống kê Việt Nam đưa ra là 50,9 tỷ USD. Về điểm này, ông Xuân Thành lưu ý, trong các nước có thặng dự thương mại với Mỹ lớn, hầu như chỉ có Việt Nam là không có hiệp định thương mại tự do với Mỹ.

Phía Mỹ cho rằng, Việt Nam luôn giữ tỷ giá hối đoái với tờ bạc xanh ở mức ổn định trong nhiều năm qua. Xét riêng từ tháng 10/2019 đến 10/2020, tỷ giá VND/USD đều được giữ ổn định trong khoảng 23.100 đồng. Chỉ riêng giai đoạn cao điểm căng thẳng Mỹ - Trung và giãn cách xã hội vì COVID-19, đồng Việt Nam mới sụt giá.

Ngoài ra, còn 2 yếu tố khác gồm cán cân thanh toán vãng lai và dự trữ ngoại hối. Trong đó, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cán cân vãng lai của Việt Nam trong năm 2019 đã gần 12,5 tỷ USD, riêng 6 tháng đầu năm nay đã là 2,8 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng tăng mạnh, từ mức 55,9 tỷ USD vào cuối năm 2018 đã lên đến con số 92 tỷ USD vào tháng 8/2020.

Ông Thành nhận xét: “Đây là hệ luỵ cho việc giữ ổn định tài chính và ổn định ngân khố của Việt Nam”. Vị này cũng nêu quan điểm rằng, phía Việt Nam cũng nên cân nhắc lại việc có nên giữ ổn định tỷ giá hay không trong một nền kinh tế thị trường.

Mỹ sẽ áp thuế một số ngành?

Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ không phải là điều tiêu cực, quan trọng là ở cách Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt ra sao với Việt Nam. Theo ông, ở mức độ nhẹ nhất, Mỹ chỉ ra trừng phạt lên một vài mặt hàng như lốp xe, nội thất, gỗ,…

Chia sẻ với chúng tôi về lo ngại tỷ giá VND/USD sẽ có biến động, ông Xuân Thành cho rằng: “Nếu như Mỹ có áp thuế, đây là kịch bản tiêu cực. Trong ngắn hạn, đồng tiền Việt Nam sẽ mất giá. Nhưng khi VND mất giá, do phản ứng tự nhiên của thị trường, thì Mỹ lại không hài lòng. Vốn dĩ họ ra kết luận này vì phía ta giữ ổn định tỷ giá cơ mà! Nên sau khoảng 1-2 tháng, tôi cho rằng, tỷ giá đồng Việt Nam lại quay trở lại mức bình thường”.

Tỷ giá Việt Nam sẽ biến động nhưng rồi lại trở về mức bình thường. Ảnh: Báo Tin Tức
Tỷ giá Việt Nam sẽ biến động nhưng rồi lại trở về mức bình thường. Ảnh: Báo Tin Tức

Ông thừa nhận, việc bị Mỹ áp vào thao túng tiền tệ sẽ khiến phía Việt Nam phải điều chỉnh tỷ giá lên xuống. Nhưng về lo ngại tỷ giá mất ổn định sẽ kém hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, ông Thành cho rằng đó là quan niệm sai. “Việc tỷ giá ổn định không phải là thứ thu hút dòng vốn FDI. Có chăng kém hấp dẫn là ở các ngành hàng xuất sang Mỹ nhiều sẽ bị áp thuế, các nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành này sẽ phải chịu ảnh hưởng”, ông cho biết.

Trong bối cảnh nước Mỹ chuẩn bị chuyển giao quyền lực, ông Xuân Thành kỳ vọng, chính sách và quan điểm kinh tế của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Vị này được giới quan sát cho rằng ít quan tâm tới thâm hụt thương mại song phương.

Tổng thống đắc cử Joe Biden được cho là không bị ám ảnh về thâm hụt thương mại song phương như ông Donald Trump. Ảnh: Reuters
Tổng thống đắc cử Joe Biden được cho là không bị ám ảnh về thâm hụt thương mại song phương như ông Donald Trump. Ảnh: Reuters

Có ý kiến cho rằng, Việt Nam có thể cân bằng phần nào nếu thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do với Mỹ. Nhưng ông Xuân Thành cho rằng, có một hiệp định như trên sẽ không đơn giản. “Ngay cả Nhật Bản cũng đã rất khó khăn trong việc này. Dù là Đảng Cộng hoà hay Đảng Dân chủ, thì di sản của ông Trump để lại một cách sâu sắc là bảo hộ thương mại”, ông Thành lưu ý.

Điều mà thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng hy vọng trong thời gian tới là sự ra đời của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Theo ông, đây sẽ là áp lực cho chính quyền Mỹ nếu muốn trừng phạt Việt Nam trong lúc Trung Quốc đang lôi kéo các nước trong khu vực về với thị trường nước này.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương