Sá sùng - loài 'trùng đất' nhìn rùng mình nhưng lại là đặc sản tiến vua

Sá sùng còn gọi là sâm đất, địa sâm, giun biển, sá trùng, đồn đột… có hình thù khá “đáng sợ” gây tâm lý dè chừng cho thực khách, song, khi có cơ hội thưởng thức thì lại khiến không ít người mê đắm. Thực phẩm này xếp vào hạng hàng hóa cho giới thượng lưu, giá dao động từ 4,5 - 5 triệu đồng/kg.

Sá sùng được coi là một trong những đặc sản nức tiếng tại Việt Nam, chỉ xuất hiện ở các vùng biển như Vân Đồn và Móng Cái của Quảng Ninh, Nha Trang, Phú Quốc... Tuy nhiên, sá sùng Quảng Ninh được cho là có chất lượng ngon nhất.

Sá sùng - loài 'trùng đất' nhìn rùng mình nhưng lại là đặc sản tiến vua - Ảnh 1.

Sá sùng tươi có màu hồng nhợt của đất, giá dao động từ 250.000 - 300.000 đồng/kg tuỳ loại

Sá sùng tươi sở hữu thân hình dài, khoảng 5 - 10cm, mềm, màu hồng nhợt của đất, trên mình có những vân sọc li ti và ruột chứa toàn cát. Sá sùng tươi thường được chế biến thành các món ăn như: cháo, nước dùng của phở… mang đến hương vị ngọt thanh, đậm đà bản sắc, hương thơm quyến rũ đặc biệt.

Sá sùng - loài 'trùng đất' nhìn rùng mình nhưng lại là đặc sản tiến vua - Ảnh 2.

Sá sùng tươi thường được chế biến thành các món ăn như: cháo, nước dùng của phở…

Khi được làm sạch và phơi khô, sá sùng chuyển sang màu trắng đục. Loại này thường được mang đi xuất khẩu sang các nước, thuận tiện cho việc vận chuyển đến các tỉnh hoặc bán làm quà cho du khách ở xa, bởi thời gian để được lâu và cách bảo quản cũng dễ dàng.

Sá sùng - loài 'trùng đất' nhìn rùng mình nhưng lại là đặc sản tiến vua - Ảnh 3.

Khi làm sạch phơi khô, sá sùng có màu trắng đục

Khoảng tháng 3 đến tháng 8 hàng năm là thời điểm thích hợp để săn sá sùng. Người dân thường mang theo chiếc mai to (gần giống chiếc thuổng), có lưỡi dài và bằng. Rất nhanh và cực kỳ chính xác, họ thục mạnh lưỡi mai xuống cát, dùng lực vít cán mai để bẩy cát lên, lộ ra con sá sùng bằng ngón tay, ngắn hơn giun đất, mềm như nhộng khoai, cuộn tròn dưới nắng.

Sá sùng - loài 'trùng đất' nhìn rùng mình nhưng lại là đặc sản tiến vua - Ảnh 4.

Muốn cào cuốc được sâm đất (sá sùng), đầu tiên phải biết chọn thời điểm con triều đã ròng rặt, bãi triều đã lộ mới dễ tìm ra các hang hay "mắt" của con sâm đất mà cuốc.

Khó nhất với người săn sá sùng là mắt phải tinh (để nhìn đúng tổ), tay phải nhanh, chân phải khỏe (để đạp mai cắm thật sâu, chặn con mồi không lẩn vào trong cát).

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, sá sùng rất giàu chất dinh dưỡng với lượng đạm khá cao, chứa nhiều acid amin quý và các khoáng chất: thịt sá sùng có chứa 17 nguyên tố khoáng, 18 loại acid amin, trong đó có 8 loại không thể thay thế rất cần thiết cho cơ thể con người.

 Theo tài liệu của Trung Quốc, sá sùng khô có chứa 10,3% acid amin tự do, trong đó có những acid amin có vị ngọt như glycine (3,2%), alanine (2,5%), glutamine (0,25%), succinic (0,35%)... tạo nên hương vị thơm ngọt đặc biệt của loài giun biển này. Ngoài ra, sá sùng còn là một trong những loại sinh vật biển giàu taurine (3,2%) và khoáng chất (1,2%)... sá sùng đãđược xếp vào hàng những loại thực phẩm và thuốc có tác dụng bổ dưỡng được mệnh danh là "địa sâm" (sâm đất).

Theo dân gian, sá sùng/sâm đất có công dụng bổ thận, ích tinh, chữa yếu sinh lý, liệt dương. Thời xưa, sá sùng được dùng để cống cho vua, quan và chỉ những người giàu có mới có điều kiện thưởng thức. Bởi thế có lúc, giá của 1 kg sá sùng khô đắt ngang 1 chỉ vàng.

Sá sùng - loài 'trùng đất' nhìn rùng mình nhưng lại là đặc sản tiến vua - Ảnh 5.

Sá sùng khô có giá đắt ngang chỉ vàng, đem chiên giòn hoặc thả vài con vào nồi lẩu, canh rất ngọt

Sá sùng - loài 'trùng đất' nhìn rùng mình nhưng lại là đặc sản tiến vua - Ảnh 6.

Theo Đông y, sá sùng có thể sử dụng như một vị thuốc cường dương, tăng sinh lực. Chính vì thế, chúng có giá trị kinh tế khá cao và bị đánh bắt quá mức nên số lượng ngày càng khan hiếm. Để chế biến làm thuốc, người ta sẽ ngâm sá sùng vào nước muối, sau đó luộc chín rồi đem phơi khô

Sá sùng được dùng làm thuốc trong những trường hợp sau:

- Chữa chứng mồ hôi trộm do âm hư, sốt về chiều, bệnh lao phổi: sá sùng (khô) 5g, thanh cao 5g và địa cốt bì 3g, sắc uống.

- Chữa hen suyễn ho nhiều đờm: sá sùng khô 5g, cát cánh 5g, tuyền phúc hoa 3g sắc uống mỗi ngày 1 thang.

- Chữa răng lợi sưng đau: sá sùng tươi hoặc khô lượng vừa đủ, sắc uống mỗi ngày 2 lần.

- Thuốc bổ thận ích tinh chữa yếu sinh lý, liệt dương: sá sùng phơi hoặc sấy khô rồi nướng giòn, tán bột mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g với nước ấm hoặc rượu.

- Món ăn, bài thuốc bồi bổ ngũ tạng, tăng cường khí lực: Lá dâm dương hoắc 50g, rửa sạch, cho vào đáy nồi, đổ ngập nước; sá sùng tươi 200g, lá hẹ 50g, hấp chín; chấm với nước mắm chua cay hoặc với muối tiêu chanh.

Mẹo chọn sá sùng ngon - có thể bạn chưa biết

Sá sùng tươi: nên chọn con to, thân dày, mùi vị đặc trưng của biển và mùi tanh của sá sùng (không phải mùi tanh hôi do khâu bảo quản). Sá sùng tươi rất ngọt, thường nấu canh với bầu, bí hoặc xào rau, củ như su hào, cải ngọt...

Sá sùng khô: nên lựa con dày mình, kích thước đều nhau, không tanh và có màu trắng ngà. Tuyệt đối không chọn những con đã ngả màu hoặc bị mốc trắng. Sá sùng khô chiên vàng chấm tương ớt ăn giòn tan. Sá sùng nướng chấm muối tiêu chanh, hoặc tẩm muối ớt nướng ăn thơm bùi như mực khô xé nhỏ.

 (Nguồn: Tổng hợp)

THANH TRÚC