“Sắc màu bừng nở” qua những bức tranh màu nước đặc sắc

Đã lâu, Hà Nội, mới có một triển lãm chuyên đề tranh màu nước. Đó là “Sắc màu bừng nở”, quy tụ tác phẩm của 6 họa sĩ đang độ sung sức.

Trong sáng tác mỹ thuật, nhiều người hẳn sẽ ngỡ vẽ tranh màu nước khá dễ, bởi do chất liệu vẽ loại tranh này đơn giản hơn các chất liệu vẽ phức tạp khác - như sơn dầu, sơn mài…, đồng thời được thể hiện trên những khổ giấy nhỏ. Nhưng, ngược lại, để biểu đạt thành công thể loại tranh này, người họa sĩ phải biết làm chủ chất liệu và cách xử lý tạo hình giữa màu và nước thực khéo léo.

Các họa sĩ trong buổi khai mạc triển lãm “Sắc màu bừng nở”, từ trái sang: Nguyễn Phương, Lê Thanh Hà, Phương Thảo, Minh Đàm và Doãn Đức Tiến (vắng Đình Đức, vì bận việc ở Đà Lạt).
Các họa sĩ trong buổi khai mạc triển lãm “Sắc màu bừng nở”, từ trái sang: Nguyễn Phương, Lê Thanh Hà, Phương Thảo, Minh Đàm và Doãn Đức Tiến (vắng Đình Đức, vì bận việc ở Đà Lạt).

Hiện, trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam, đã có không ít tác giả yêu thích sáng tác bằng chất liệu màu nước và còn biểu đạt trên những khổ giấy lớn. Việc Nguyen Art Gallery mở triển lãm “Sắc màu bừng nở” tại tầng 4 của không gian văn hóa thuộc tòa nhà Lotte Hồ Tây nằm bên đường Lạc Long Quân (Hà Nội) đã khiến nhiều người yêu thích mỹ thuật thích thú bởi có dịp thưởng ngoạn nhiều tác phẩm thú vị của 6 họa sĩ bấy lâu say mê với thể loại tranh màu nước.

Trong số 6 họa sĩ, Minh Đàm (tên thật là Đàm Truyền Minh, sinh năm 1984 tại Hà Nội) là họa sĩ Ba Lan gốc Việt, hiện là giảng viên ở Đại học Kiến trúc Hà Nội. Theo gia đình sang Ba Lan từ năm 7 tuổi, Minh Đàm đã tốt nghiệp thạc sĩ Kiến trúc và Quy hoạch Đô thị tại Đại học Bách khoa Warszawa và đồng thời, phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực tranh màu nước.

Tác phẩm “Giờ tan tầm trên phố Hàng Bạc” của họa sĩ Minh Đàm.
Tác phẩm “Giờ tan tầm trên phố Hàng Bạc” của họa sĩ Minh Đàm.

Là người đồng sáng lập Hiệp hội Họa sĩ Màu nước Ba Lan, Minh Đàm đã giảng dạy và triển lãm tác phẩm của mình tại gần 30 quốc gia, qua đó trở thành một trong những họa sĩ màu nước có ảnh hưởng lớn tại Ba Lan. Các triển lãm cá nhân của anh tại Ba Lan và Việt Nam, đặc biệt là tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào năm 2022, đã khẳng định tài năng và sức sáng tạo mạnh mẽ của anh. Dễ thấy qua các bức tranh của anh hiện hữu phong cách sáng tác tinh tế và đậm dấu ấn hội họa châu Âu, dù bối cảnh là các góc phố thân quen và bình dị của Hà Nội.

Góp mặt trong “Sắc màu bừng nở” có họa sĩ Đình Đức (sinh năm 1978 tại Đà Lạt), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Gắn bó với phong cảnh và thiên nhiên, Đình Đức chọn cách tiếp cận đặc biệt khi khai thác những cảnh sắc bình dị ở vùng ven thành phố mà anh yêu thích, đặc biệt là phong cảnh nên thơ lãng mạn của Đà Lạt - nơi anh hiện sinh sống.

Tác phẩm “Ngôi nhà bên đồi” của họa sĩ Đình Đức.
Tác phẩm “Ngôi nhà bên đồi” của họa sĩ Đình Đức.

Với Đình Đức, mỗi bức tranh là một không gian để người xem tự khám phá, không chỉ qua hình ảnh mà còn qua sự hòa quyện mướt mát của các gam màu và mảng hình. Phong cách độc đáo này giúp tác phẩm của anh vừa giản dị, gần gũi, vừa mang chiều sâu nghệ thuật, khiến mỗi cảnh sắc trong tranh anh trở thành một câu chuyện có sức quyến rũ riêng.

Là một trong hai nữ họa sĩ bày tranh trong triển lãm này, Lê Thanh Hà (sinh năm 1981) bởi đam mê hội họa, nên sau khi tốt nghiệp Trường Mỏ - Địa chất và có nhiều năm làm việc tại Viện Dầu khí, đã có một quyết định táo bạo: Rẽ vào thế giới của sắc màu rực rỡ và phong phú - nơi chị thực sự được sống và sáng tạo theo cách riêng.

Tác phẩm “Sang thu” của nữ họa sĩ Lê Thanh Hà
Tác phẩm “Sang thu” của nữ họa sĩ Lê Thanh Hà

Yêu thích vẻ đẹp của những loài hoa, nên Thanh Hà mê mải diễn tả cảm xúc của mình qua những khuôn tranh êm dịu với các gam màu tươi sáng, đầy sức sống. Trong các bức tranh đó, mỗi chi tiết đều được chị phác họa một cách tỉ mỉ, công phu; mỗi màu sắc không chỉ là phương tiện biểu đạt mà còn là cách kể chuyện về những niềm vui từ cuộc sống.

Với họa sĩ Nguyễn Phương (sinh năm 1978 tại Hà Nội), dù yêu thích vẽ từ nhỏ, nhưng anh chỉ chính thức theo đuổi nghệ thuật một cách nghiêm túc từ năm 2018. Trước đó, Nguyễn Phương đã học ngành Kiến trúc Dân dụng tại Đại học Xây dựng và ngành Nội thất tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, nhưng việc tiếp xúc với tranh màu nước đã mang đến một bước chuyển mình trong sự nghiệp sáng tác của anh.

Tác phẩm “Bến cạn” của họa sĩ Nguyễn Phương
Tác phẩm “Bến cạn” của họa sĩ Nguyễn Phương

Được học hỏi từ những người đi trước, Nguyễn Phương đã tìm thấy sự kết nối mạnh mẽ với chất liệu màu nước, và từ đó, anh tập trung vào sáng tác với phong cảnh là chủ đề chính. Những bức tranh của anh luôn mang đậm hơi thở thiên nhiên, tinh tế trong việc xử lý ánh sáng và màu sắc, khắc họa vẻ đẹp của cảnh vật qua những đường nét nhẹ nhàng, nhưng không kém phần mạnh mẽ.

Con đường đến với hội họa của nữ họa sĩ Phương Thảo (sinh năm 1996 tại Nghệ An) cũng có đôi nét tương tự các đồng nghiệp góp mặt trong “Sắc màu bừng nở”. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội và làm trong ngành kiến trúc một thời gian, chị nhận thấy niềm đam mê thực sự của mình là hội họa, đặc biệt là tranh màu nước. Qua nghiên cứu và khám phá, Phương Thảo đã tìm thấy sự kết nối đặc biệt với màu nước - chất liệu mang đến sự tự do, nhưng cũng đầy thử thách.

Tác phẩm “Nắng” của nữ họa sĩ Phương Thảo
Tác phẩm “Nắng” của nữ họa sĩ Phương Thảo

Từ năm 2020, chị đã hoàn toàn tập trung vào nghệ thuật, dạy vẽ và sáng tác. Cùng sở thích như Thanh Hà, Phương Thảo cũng mê say đặc tả các loài hoa, thể hiện sự mềm mại, nhẹ nhàng với những gam màu dịu dàng, phản ánh vẻ đẹp tinh tế và sự sâu lắng trong cuộc sống. Tranh của chị thường lấy cảm hứng từ nắng, gió và thiên nhiên - những yếu tố mang đến sự bình yên và cảm xúc chân thật.

Cũng từng tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội, họa sĩ Doãn Đức Tiến (sinh năm 1993 tại Hà Nội) ban đầu vẽ tranh như một sở thích cá nhân, và dần nhận ra niềm đam mê sâu sắc với nghệ thuật. Với sự yêu thích đặc biệt dành cho chất liệu màu nước, Đức Tiến quyết định theo đuổi con đường nghệ thuật chính thức đó.

Tác phẩm “Phố sau mưa” của họa sĩ Doãn Đức Tiến.
Tác phẩm “Phố sau mưa” của họa sĩ Doãn Đức Tiến.

Qua những thử nghiệm ban đầu, Đức Tiến đã tìm thấy sự tự do sáng tạo trong vẽ màu nước, đồng thời tận dụng độ loang và chuyển động của màu sắc để tạo ra những bức tranh sống động, đầy cảm xúc. Những tác phẩm của anh không chỉ thể hiện kỹ thuật vững vàng, mà còn bộc lộ sự tinh tế và chiều sâu trong cách nhìn nhận thế giới xung quanh với cảm xúc gửi gắm qua từng lớp màu, đầy thử thách và hấp dẫn người xem.

Triển lãm tranh chuyên đề màu nước “Sắc màu bừng nở” sẽ kéo dài tới ngày 15/12/2024.

Lê Quang Vinh

“Phong cảnh làng quê” của họa sĩ Lê Quốc Lộc đạt mức “gõ búa” cao nhất: 480.000 USD

“Phong cảnh làng quê” của họa sĩ Lê Quốc Lộc đạt mức “gõ búa” cao nhất: 480.000 USD

Kết thúc phiên đấu giá của Le Auction House (Việt Nam), tác phẩm “Phong cảnh làng quê” của họa sĩ Lê Quốc Lộc đã đạt mức giá cao nhất: 480.000 USD