Sân bay Nội Bài giãn chuyến để sửa chữa đường băng từ ngày 1/7

Từ ngày 1/7, mỗi sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất sẽ phải đóng một đường băng đang hoạt động để sửa chữa, nâng cấp.

Việc này nằm trong dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM), do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Đây là các dự án khẩn cấp đã được Chính phủ cho phép rút ngắn trình tự đầu tư.

Để phục vụ công tác sửa chữa, Cục Hàng không Việt Nam đưa ra phương án từ ngày 1/7/2020 cho đến hết năm 2020 sẽ đóng lần lượt từng đường băng tại các cảng hàng không này.

  Sẽ giãn các chuyến bay sang khung giờ thấp điểm.

Sẽ giãn các chuyến bay sang khung giờ thấp điểm.

Các đường băng sẽ được đóng từng phần dựa bào các giai đoạn thị công dự án và Cục Hàng không Việt Nam sẽ có phương án điều tiết slot (trượt bay) phù hợp, để đảm bảo thi công và không làm gián đoạn hoàn toàn hoạt động khai thác của sân bay.

Theo đó, tuần suất chuyến bay trong một giờ sẽ giảm do máy bay chỉ cất và hạ cánh trên cùng đường băng, thay vì trên 2 đường băng như trước.

Đại diện lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (NIA) chia sẻ với Báo Hà Nội Mới, nhiều chuyến bay trong khung giờ cao điểm (6h – 8h sáng, 12-14h chiều; 16 – 18h tối) sẽ được giãn vào các giờ thấp điểm. 

Thống kê từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho thấy, hiện tại sản lượng bay của cảng này đã phục hồi và tăng trưởng nhanh các chuyến bay nội địa với trung bình trên 450 lượt/ngày chuyến bay và hơn 60.000 khách qua cảng. Dự báo trong tháng 7 tới, con số này sẽ có thể tăng từ 5 - 10% tùy theo ngày trong tuần. 

  Một điểm sụt lún trên đường lăn sân bay Nội Bài được phát hiện giữa năm 2019.

Một điểm sụt lún trên đường lăn sân bay Nội Bài được phát hiện giữa năm 2019.

Với tổng mức đầu tư dự án là 2.030 tỷ đồng, được lấy từ ngân sách Nhà nước, dự án cải tạo đường băng sân bay Nội Bài gồm nâng cấp đường 11L/29R (1A) và 11R/29L (1B); xây mới 3 đường lăn thoát nhanh và nâng cấp các đường lăn hiện hữu. Cùng với đó là xây dựng các công trình quản lý bay, đèn tín hiệu, hệ thống thoát nước...

Còn tại  sân bay Tân Sơn Nhất , với tổng mức đầu tư 2.015 tỷ đồng, cũng được lấy từ ngân sách Nhà nước, các đơn vị thi công sẽ cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L; xây mới các đường lăn thoát nhanh, đường lăn song song và nâng cấp các đoạn đường lăn nối, công trình quản lý bay, đèn tín hiệu... 

Cục Hàng không Việt Nam cũng đã quyết định đóng đường băng 25R/07L, đường lăn E1, NS1, W4, W6 từ ngày 1/7 đến 31/12 để phục vụ sửa chữa. Trong thời gian đóng đường băng này, máy bay sẽ cất hạ cánh trên đường băng còn lại là 25L/07R.

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được giao phối hợp với các đơn vị triển khai các phương án đảm bảo an ninh, an toàn cũng như duy trì hoạt động khai thác tại sân bay trong thời gian thi công; lập phương án tổ chức thi công an toàn.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, sau khi hết dịch, nhu cầu đi lại tăng, việc đóng cửa đường cất hạ cánh sẽ càng thêm khó khăn, Do đó, việc khởi công 2 dự án này vào đầu tháng 7 là cần thiết vì tần suất khai thác các chuyến bay tại 2 cảng này hiện tại vẫn còn thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Từ năm 2017 đến nay, sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất phải khai thác vượt tần suất thiết kế, tiếp nhận nhiều loại máy bay thế hệ mới với tải trọng lớn nên hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn xuống cấp ngày càng nghiêm trọng, theo Vnexpress.

Theo tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế, 2 sân bay cần cải tạo, nâng cấp kết cấu mặt đường cất hạ cánh, đường lăn.

PV (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương