Chú lính chì và những vòng xe lăn đến trường
Sau bao ngày chống chọi với bệnh tật, với nghịch cảnh tàn nhẫn, Nguyễn Minh Châu, cậu sinh viên có biệt danh "Chú lính chì dũng cảm" đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi đôi mươi. Sinh năm 2004, từ lúc chào đời, Minh Châu đã bị liệt toàn thân, không hề có bất cứ mốc vận động nào như: lẫy, bò, ngồi, đi, đứng như bao đứa trẻ khác. Năm 2 tuổi, bác sỹ chẩn đoán em mắc bệnh Suy cơ tuỷ, một bệnh hiếm về thần kinh cơ, chỉ sống được không quá 2 năm. Không nản chí, không tin vào định mệnh nghiệt ngã, cả gia đình cùng Minh Châu kiên cường chiến đấu. Em trải qua những cửa ải khó khăn suốt quãng đời thơ ấu: từ chậm nói, khó nuốt, cho đến liệt vận động, lép lồng ngực, cong vẹo cột sống... Để chống lại "án tử vô hình" mà bác sỹ đã cảnh báo, gia đình Minh Châu chọn cách đồng hành với em như một người bệnh bại não, vì đây là chứng liệt thần kinh không bị giới hạn tuổi thọ. Mãi cho đến 15 năm sau, khi sắp vào đại học, Minh Châu mới có được kết quả chính xác về căn bệnh của mình: em mắc bệnh Loạn dưỡng cơ bẩm sinh, căn bệnh về thần kinh cơ thuộc dạng hiếm tương tự bệnh Suy cơ tuỷ mà em được bác sỹ chẩn đoán khi 2 tuổi. Căn bệnh hiếm này cũng vừa được y học thế giới tìm ra phương pháp chữa với liều thuốc có giá 3,2 triệu USD cho mỗi ca bệnh. Liều thuốc "triệu đô" này mới chỉ được áp dụng cho bệnh nhân là công dân Mỹ.
Căn bệnh quái ác đã khiến mọi sinh hoạt, vận động của Minh Châu suốt 20 năm qua luôn gắn liền với vòng tay của bố mẹ cùng chiếc xe lăn.
“Lần đầu tiên gặp em ấy, khi được bố mẹ đưa đến trường, (bố mẹ Minh Châu cũng là đồng nghiệp của chúng tôi – những nhà báo hoạt động ở địa bàn Đà Nẵng và Miền Trung – T.N), tôi đã rất xốn xang. Hỏi và biết câu chuyện tôi rất xúc động. Biết bao nhiêu năm qua, hy sinh của bố mẹ Minh Châu, cố gắng dành mọi điều tốt đẹp nhất cho em ấy, là vô bờ bến. Tôi quyết định đặc cách tuyển sinh, Minh Châu sẽ là sinh viên khoa Công nghệ thông tin. Trường cũng sẽ tặng học bổng toàn phần cho em suốt 4 năm học. Ngay vào thời điểm ấy (2022), tôi đã nghĩ đến những việc sẽ làm và phải làm. Tất cả như một bù đắp sao cho công bằng với em ấy, bố mẹ em ấy”, TS.Nguyễn Thị Anh Đào – Hiệu Trưởng trường Đại học Đông Á chia sẻ.
Chú lính chì – Sinh viên Nguyễn Minh Châu giới thiệu bức thư viết về “Người hùng” của mình: Hoa hậu hoàn vũ H’Hen Niê. |
Theo gửi gắm của Cô Hiệu trưởng, ThS. Lương Đình Huệ - Trưởng phòng Quản lý cơ sở vật chất và Đầu tư (trường Đại học Đông Á), đã trực tiếp khảo sát và làm một lối đi đặc biệt cho Minh Châu từ sân trường lên tận phòng học. Các cô chú, các anh chị là nhân viên bảo vệ, nhân viên văn phòng được lưu ý khi Minh Châu cần hỗ trợ, chẳng hạn vào – ra thang máy, thì luôn sẵn sàng đáp ứng. Phần còn lại, đã có “bạn bè cùng lớp lo”.
Ngày này, qua ngày khác, tình yêu thương đã bồi đắp cho Minh Châu nhiều niềm tin và cảm xúc. “Bạn ấy bảo rằng, bạn ấy thích đi học lắm. Vì đến trường, bạn ấy nhận được được nhiều yêu thương như lúc ở nhà …” – một sinh viên cũng lớp nhớ lại. Với lối đi này, Châu đến lớp cùng học, cùng chơi với các bạn. Không có gì là ngỡ ngàng, e ngại, mặc cảm. Buổi đầu vào lớp, Châu được cả lớp chào đón như một người bạn mới bình thường, thậm chí còn được quan tâm, chia sẻ nhiều hơn, được yêu thương nhiều hơn tất cả …
“Có hôm, bằng lối đi của mình, Châu ra sân trường, thỏa thích khám phá. Với một sinh viên khuyết tật, thế giới chung quanh em, có quá nhiều điều để em ngắm nhìn, tìm hiểu, … Tôi lặng thầm theo dõi, quan sát … Tự nhủ rằng, nếu em cần điều gì nữa, tôi và tập thể Trường cũng luôn sẵn lòng, bù đắp đủ đầy cho em. Tạo hóa có khi đã quá bất công với Châu, và những người “trọn vẹn” như chúng ta, có trách nhiệm bồi đắp phần thua thiệt ấy”, Cô Hiệu trưởng kể lại.
Thương con, dốc hết mọi tiền của có được, thậm chí là vay mượn để điều trị cho con, chỉ mong con có thể đi hết hành trình của giảng đường; nay thấy nhà trường dành cho em sự quan tâm chăm sóc đặc biệt, tình yêu thương bố mẹ của Minh Châu cũng dâng trào theo. Gia đình dọn đến ở một nơi gần trường, tiện cho việc học của chú lính chì
Người hùng truyền cảm hứng cho chú lính chì là ai?
Mùa khai giảng năm học 2022-2023, Trường Đại học Đông Á lan truyền bức thư của một sinh viên khuyết tật, viết về Hoa hậu Hoàn vũ (2017) H’Hen Niê – Vẻ đẹp Việt mới đây được vinh danh là “Niềm tự hào của Đông Nam Á” trênFanpage chính thức của ASEAN. Trước đó, Người đẹp Tây Nguyên này cũng đã nhận 2 danh hiệu lớn: "Công dân trẻ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh - 2021", "Nghệ sĩ vì cộng đồng – 2023".
Thời điểm viết bức thư tham dự Cuộc thi Viết thư quốc tế (Liên minh Bưu chính Thế giới-UPU), phát động (lần thứ 48 năm 2019) có chủ đề "Hãy viết một bức thư về người hùng của em" (Write a letter about your hero), Nguyễn Minh Châu đang là học sinh Trung học. Những nỗ lực đầy ắp tình nhân ái của H’Hen Niê, đã trở thành ngọn nguồn cảm hứng, là chất liệu để Minh Châu viết bức thư giầu sức lan tỏa, tràn đầy năng lượng tích cực, gây xúc động mạnh trong giới trẻ.
(Từ trái sang): TS.Nguyễn Thị Anh Đào – Hiệu Trưởng trường Đại học Đông Á; Chú lính chì dũng cảm trên chiếc xe lăn Nguyễn Minh Châu và Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê. |
Khi bước vào giảng đường đại học với tư cách tân sinh viên, chú lính chì Minh Châu đã có cuộc hội ngộ bất ngờ với " người hùng" của mình -Hoa hậu H’Hen Niê ngay tại ngôi trường em theo học.
Hành trình của câu chuyện về Minh Châu và Hoa hậu H’Hen Niê đã truyền cảm hứng vượt ra ngoài khuôn khổ của ngôi trường đại học, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ. Ban Giám hiệu Đại học Đông Á đã quyết định trao danh hiệu Đại sứ Hoa Anh Đào đến Hoa hậu H’Hen Niê, trân trọng ghi nhận hành trình vượt mọi cản ngại, vượt lên nghịch cảnh của cô và truyền dẫn cảm hứng đến sinh viên, đến toàn trường. Và suất học bổng toàn phần đầu tiên của năm học mới, được trao cho chú lính chì dũng cảm Minh Châu trên chiếc xe lăn.
Gửi lại thân xác cho khoa học y sinh
Từ cách đây 3 năm, khi có những xét nghiệm chính xác về căn bệnh hiếm của mình, Minh Châu cùng gia đình đã lên kế hoạch thực hiện dự án tìm kiếm những thông tin hỗ trợ cho cộng đồng những người mắc bệnh Loạn dưỡng cơ và Suy cơ tuỷ ở Việt Nam, đồng thời xúc tiến để cộng đồng bệnh hiếm này trở thành thành viên của Cộng đồng Loạn dưỡng cơ Thế giới (Trụ sở tại Mỹ). Đây sẽ là cơ hội để những người mắc bệnh hiếm về cơ ở Việt Nam có cơ hội tiếp cận liều thuốc "triệu đô" quý hiếm. Cùng với dự án này, cả gia đình thống nhất sẽ cùng nhau đăng ký hiến xác cho khoa học. Đáng tiếc, vào thời điểm đó Minh Châu chưa đủ điều kiện đăng ký vì chưa tròn 18 tuổi, dự định của cả nhà đành gác lại.
Đầu năm 2024, cả gia đình bàn nhau chọn ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 năm nay là ngày Teams 4 người sẽ cùng nhau thực hiện tâm nguyện này. Thật không ngờ, Minh Châu chuyển bệnh và qua đời vì suy hô hấp, di chứng của bệnh Loạn dưỡng cơ quái ác. Ngày tang lễ Minh Châu, cả gia đình em đã cùng nhau đăng ký hiến xác cho khoa học. Vậy là đúng như tâm nguyện, Teams 4 người của gia đình Minh Châu vẫn luôn được đồng hành cùng nhau trong mọi hành trình cuộc sống. Thi hài sinh viên Nguyễn Minh Châu được Trường đại học Phan Châu Trinh đón nhận. Từ nay, em trở thành "Người bạn đồng hành nghiên cứu y học", Người thầy thầm lặng" của sinh viên. Lễ tiễn em trở thành Lễ Sinh Nhật em trong hành trình sống mới. Gia đình và nhà trường đã cùng thắp nến kỷ niệm sinh nhật mới của em- “Chú lính chì” dũng cảm trên chiếc xe lăn đến học đường, đến giảng đường, đã có đến 12 năm liên tục đạt học lực khá giỏi, còn xuất sắc giành được điểm tiếng Anh 5.5 IELTS.
TS. Nguyễn Thị Anh Đào, HiệuTrường Đại học Đông Á – đã công bố bằng Kỹ sư danh dự, Giấy khen và Thư tiễn biệt Minh Châu.
Bằng kỹ sư danh dự dành cho sinh viên Nguyễn Minh Châu. |
Đại diện trường Đại học Phan Châu Trinh (giữa) đón nhận đơn tự nguyện hiến thi hài. |
Đây là bằng kỹ sư danh dự đầu tiên được Trường Đại học Đông Á trao cho sinh viên. " Nhà trường ghi nhận Kết quả học tập học kỳ đầu, kế hoạch xây dựng con đường thành công trong 4 năm đại học trở thành Kỹ sư thiết kế đồ họa, nghiên cứu nguyên lý thị giác, điện ảnh và tạo ra sản phẩm phần mềm văn hóa và lịch sử Việt Nam, và cao cả hơn là quyết định hiến xác cho y học để tạ ơn cuộc đời khi em thấy mình không còn khỏe nữa” - Lãnh đạo Trường Đại học Đông Á chia sẻ.
Trong thư tiễn sinh viên Minh Châu, Hiệu Trưởng Trường Đại học Đông Á viết: “Ông Trời không kịp cho Minh Châu một sức khoẻ như bạn bè cùng trang lứa, nhưng đã bù cho em có một nghị lực phi thường... Đang mải mê nỗ lực học tập cùng nghị lực, theo đuổi ước mơ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin, chuyên ngành thiết kế đồ, Minh Châu quyết định hiến xác cho y học, khi thấy mình không còn khoẻ, bỏ lại ước mơ dang dở”.
“Nguyễn Minh Châu trở thành một hình mẫu đặc biệt về văn hóa trách nhiệm của người Đại học Đông Á. Chúng tôi sẽ xin phép gia đình em, trước khi dựng tượng Minh Châu trong sân vườn nhà trường. Minh Châu như vẫn đến trường, vẫn muốn lan tỏa câu chuyện truyền cảm hứng về nghị lực, về khát vọng cống hiến.Chúng tôi thầm nghĩ tấm gương của em sẽ làm thay đổi, sẽ khích lệ những nỗ lực kiên trì phấn đấu và dâng tặng cuộc đời những giá trị đẹp của nhiều thế hệ sinh viên trường chúng tôi nói riêng, nhiều học sinh, sinh viên nói chung. Một sinh viên chuyên ngành thiết kế đồ họa, trước lúc xuôi tay theo số phận, quyết định hiến xác cho y học. Một nghĩa cử phi thường, một tấm gương mà hậu thế học hỏi được bao điều. Hãy cho đi những gì có thể, để cuộc sống mãi mãi tốt đẹp hơn. Minh Châu đã làm một việc mà không phải ai cũng dám nghĩ, dám làm” – T.S Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu Trưởng Trường Đại học Đông Á xúc động khẳng định.
Bài viết có sử dụng một số thông tin trong bài viết trên Báo Văn nghệ Trẻ. Trân trọng cảm ơn tác giả và Báo Văn nghệ Trẻ!
Cô gái xương thủy tinh và nghị lực sống phi thường, mở lớp học miễn phí cho học trò nghèo
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tâm ngồi xe lăn tận tình chỉ dạy cho học sinh đủ mọi lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 8.