Sinh viên Trung Quốc đổ xô ra nước ngoài học khi tình trạng thất nghiệp cao kỷ lục

Sinh viên Trung Quốc tiếp tục cuộc đua du học vì không hài lòng với hệ thống giáo dục trong nước. Đơn xin du học tăng vọt hơn 23% vào năm 2022 với các chương trình Thạc sĩ là lựa chọn chính.

Mong muốn mở mang tầm mắt 

Cô gái 22 tuổi, Jennie Zhan, tốt nghiệp ngành sinh học tại trường đại học tỉnh Phúc Kiến vào tháng 6, cần đạt điểm tối thiểu 7.0 IELTS để theo đuổi tham vọng sau đại học của mình. Cuối cùng, sau sáu lần thi với chi phí hơn 10.000 nhân dân tệ (1.387 USD), Zhan đã đạt được số điểm mong muốn để có thể tiếp tục theo đuổi giấc mơ du học của mình. 

Zhan đã nhận được lời đề nghị từ Đại học Georgetown ở Washington để tiếp tục đào tạo nghiên cứu sinh ngành sinh học - một lĩnh vực khoa học phát triển các phương pháp và công cụ phần mềm để hiểu dữ liệu sinh học. 

Khoảng 4,7 triệu sinh viên đã đăng ký tham gia kỳ thi quốc gia năm 2023 tuyển sinh sau đại học, với khoảng 20% sinh viên tốt nghiệp đại học chuyển tiếp lên đại học trong bối cảnh áp lực đảm bảo việc làm. Nhưng Zhan không thích các lớp học và hội nghị giáo dục chính trị và tư tưởng bắt buộc tại các trường đại học Trung Quốc.

Sinh viên đại học Trung Quốc tiếp tục đổ xô ra nước ngoài để học đại học vì không hài lòng với hệ thống giáo dục trong nước và mong muốn nâng cao khả năng cạnh tranh cá nhân. Điều này bất chấp sự hỗ trợ và đầu tư mạnh mẽ của Bắc Kinh trong việc thu hút nhân tài và phát triển nghiên cứu để cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.

Theo Bộ Giáo dục, kể từ khi cải cách và mở cửa vào năm 1978 đến cuối năm 2021, khoảng 8 triệu sinh viên Trung Quốc đã đi du học ở nước ngoài, với số đơn đăng ký tăng 23,4% vào năm 2022 so với năm trước đó. 

Sinh viên Trung Quốc đổ xô ra nước ngoài học khi tình trạng thất nghiệp cao kỷ lục - Ảnh 1.

Sinh viên đại học Trung Quốc tiếp tục đổ xô ra nước ngoài học đại học vì không hài lòng với hệ thống giáo dục trong nước và mong muốn nâng cao khả năng cạnh tranh cá nhân. Ảnh minh họa

Theo báo cáo công bố hồi tháng 3 của EIC Education, cơ quan du học hàng đầu tại Trung Quốc, các chương trình thạc sĩ vẫn là lựa chọn hàng đầu của sinh viên Trung Quốc du học với tỷ lệ 81,2%. Thống kê của Bộ Giáo dục cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng số lượng thí sinh đăng ký kỳ thi tuyển sinh sau đại học đã chậm lại từ 21% vào năm 2022 xuống chỉ còn 3,7% vào năm 2023.

Việc không thích thi cử, hệ thống giáo dục trong nước còn nhiều thiếu sót và lợi ích của bằng thạc sĩ đối với việc làm trong tương lai ngày càng giảm sút được cho là nguyên nhân gây ra hiện tượng này. 

Trong một báo cáo của nền tảng tuyển dụng hàng đầu Trung Quốc Zhaopin hồi tháng 2, 2/3 số người trở về chọn đi du học vì họ muốn trải nghiệm văn hóa và lối sống nước ngoài, đồng thời mở rộng tầm nhìn của mình. 1/3 cũng cho rằng quyết định của họ là do sự cạnh tranh khốc liệt trên sân nhà, cao hơn nhiều so với mức 21,7% vào năm 2021.

Lựa chọn linh hoạt 

"Hệ thống thi tuyển sinh sau đại học của Trung Quốc hạn chế sinh viên chỉ đăng ký một chương trình tại một trường đại học, điều này tạo ra sự không chắc chắn đáng kể", Blythe Lou, sinh viên đại học năm thứ ba cho biết.

"Tuy nhiên, việc đăng ký học sau đại học ở nước ngoài mà không cần thi đầu vào cho phép sinh viên có nhiều lựa chọn và linh hoạt. Ít nhất tôi sẽ có nhiều cơ hội để học lên cao hơn", Lou, sinh viên chuyên ngành tiếng Anh, đang chuẩn bị hồ sơ cho các nghiên cứu sau đại học tại Vương quốc Anh và Hồng Kông nói thêm.

Nhiều người cũng cho rằng, việc dành cả năm để chuẩn bị cho kỳ thi sau đại học, vốn có nguy cơ thất bại cao, không đáng so với quá trình chuẩn bị nhẹ nhàng hơn và cơ hội thành công cao hơn khi đăng ký du học.

Brenda Xu, người muốn đăng ký học chương trình thạc sĩ về truyền thông và tiếp thị tại Mỹ vào năm tới cho biết cô sẽ chú ý hơn đến nội dung chương trình giảng dạy khi lựa chọn trường đại học mong muốn.

Ở Trung Quốc, Xu nhận thấy rằng một số nội dung nhất định sẽ bị bỏ qua nếu nó không được đưa vào các kỳ thi, từ chối tiếp thu kiến thức của học sinh, trong khi ở nước ngoài, các cuộc thảo luận trong lớp và đọc sách sau giờ học phổ biến hơn và có sự chấp nhận cao hơn đối với các quan điểm khác nhau.

"Nếu có những chính sách mang lại cho sinh viên nhiều cơ hội hơn để hiểu đầy đủ về chuyên ngành họ thích, bao gồm việc chọn ngành mà họ quan tâm để học trong một năm hoặc giảm bớt độ khó của các kỳ thi liên ngành, điều đó sẽ mang lại cho tôi yên tâm hơn về giáo dục sau đại học ở Trung Quốc", Xu thẳng thắn chia sẻ.

Sinh viên Trung Quốc đổ xô ra nước ngoài học khi tình trạng thất nghiệp cao kỷ lục - Ảnh 3.

Một sinh viên ỏ tỉnh Giang Tô, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh sau đại học. Ảnh: Natureedu

Chen Jianwei, nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Giáo dục và Kinh tế thuộc Đại học Kinh doanh và Kinh tế quốc tế, cho biết chất lượng giáo dục sau đại học ở Trung Quốc vẫn có khoảng cách nhất định so với các trường đại học cấp cao ở các nước phương Tây, như các trường đại học hàng đầu thế giới ở Mỹ và châu Âu. 

Nếu xét đến dân số Trung Quốc, dòng vốn đầu tư từng chảy vào nước này là rất lớn nhưng do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và các hạn chế đối với sinh viên cũng như khả năng chọn công việc sau đại học đã làm thế hệ sinh viên đua nhau đi du học nước ngoài. Để khuyến khích sinh viên theo đuổi các nghiên cứu sau đại học ở Trung Quốc, yêu cầu hàng đầu là tăng cường cung cấp tài nguyên giáo dục đại học chất lượng cao.

Chen lưu ý rằng quy mô hợp tác nước ngoài trong các trường đại học Trung Quốc có thể được mở rộng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu giáo dục quốc tế của sinh viên.

Kỳ thi tuyển sinh sau đại học đầy cạnh tranh gay gắt buộc sinh viên Trung Quốc phải tìm ra những cách mới để có thể tiếp tục việc học như đi du học, điều này có thể giúp họ dễ dàng đạt được trình độ học vấn tốt hơn.

Mục tiêu cuối cùng là mang lại cho sinh viên cơ hội tốt hơn khi tham gia vào thị trường việc làm, nơi mà bằng cấp dường như ngày càng ít giá trị và suy thoái kinh tế đang khiến những người trẻ càng khó tìm được một công việc ưng ý.

Học thì được, nhưng liệu có dễ tìm việc làm?

Trong năm nay, Trung Quốc sẽ đón số lượng sinh viên tốt nghiệp đạt kỷ lục với 11,58 triệu sinh viên, nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16-24 cũng đạt mức cao 21,3% trong tháng 6. Bắc Kinh đã tạm dừng công bố số liệu này từ tháng 7, với lý do cần phải "cải thiện và tối ưu hóa hơn nữa số liệu thống kê khảo sát lực lượng lao động".

"Ngày nay, ngưỡng việc làm ngày càng cao hơn, gần như mọi sinh viên tốt nghiệp đại học xung quanh tôi sẽ chọn theo đuổi các nghiên cứu sau đại học", Lou nói. Cô dự định làm việc ở nước ngoài trong một hoặc hai năm sau khi hoàn thành chương trình học sau đại học để tăng khả năng cạnh tranh trong môi trường việc làm ở Trung Quốc.

Sinh viên Trung Quốc đổ xô ra nước ngoài học khi tình trạng thất nghiệp cao kỷ lục - Ảnh 4.

Nếu có nhiều vị trí công việc hơn và mức lương cao hơn ở thị trường trong nước, điều đó có thể làm giảm bớt cuộc chạy đua du học này và giữ chân nhiều người hơn ở trong nước. Ảnh: SCMP

Theo EIC Education, Mỹ và khoa học máy tính vẫn là điểm đến và chuyên ngành phổ biến nhất đối với sinh viên Trung Quốc theo đuổi việc học ở nước ngoài. Tuy vậy triển vọng thị trường việc làm ở nước ngoài có thể không hứa hẹn như mong đợi.

Zhong Chiyu, 32 tuổi, tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại Đại học Vũ Hán, từng làm kỹ sư phần mềm ở Los Angeles trong khoảng 8 năm, cho biết các công ty công nghệ đã sa thải hàng loạt nhân viên với dự đoán xu hướng làm việc trực tuyến sẽ trở nên phổ biến. 

Học phí cao cũng là trở ngại lớn đối với sinh viên Trung Quốc, đặc biệt khi nền kinh tế trong nước đang chậm lại và nhiều hộ gia đình Trung Quốc đang tìm cách tiết kiệm tiền.

Tại Mỹ, học phí và lệ phí tại các trường đại học tư thục quốc gia đã tăng 134% trong 20 năm. Theo thống kê của US News, học phí và lệ phí ngoài tiểu bang tại các trường đại học công lập quốc gia tăng 141% trong cùng thời kỳ, trong khi học phí và lệ phí trong tiểu bang tăng nhiều nhất, tăng 175%.

(Nguồn: SCMP)

TÚC