Theo bác sĩ Nguyễn Đông, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa, từ đầu tháng 11 đến nay, số ca nhập viện điều trị bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng mạnh, dao động hơn 100 ca/ngày. Hiện BV Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa đang điều trị gần 20 ca bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao, trong đó có 1 ca bị xuất huyết não.
Tính đến 25/11, Sở Y tế Khánh Hòa đã ghi nhận hơn 9.100 ca mắc SXH, trong đó 2 ca đã tử vong (TP Nha Trang và huyện Diên Khánh), phát hiện 447 ổ dịch. Từ đầu tháng 9 đến nay, số ca sốt xuất huyết tăng cao với hơn 4.000 ca.
BV Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa đang bị quá tải vì các ca điều trị nội trú liên tục gia tăng, không chỉ bệnh SXH mà còn các bệnh khác.
Nhiều người dân chủ quan và e ngại dịch Covid-19 nên không đến cơ sở y tế khám và điều trị bệnh truyền nhiễm, chính vì vậy đa phần các ca mắc SXH nhập viện đều trong tình trạng trễ, người bệnh tự ý điều trị tại nhà. Trong khi đó, theo khuyến cáo, việc nhập viện trễ có thể gây ra nhiều biến chứng nặng, dẫn đến xuất huyết nội tạng, suy hô hấp, suy đa tạng, thậm chí có thể gây tử vong.
Tại Ninh Thuận đã ghi nhận hơn 200 ca SXH. TP Phan Rang - Tháp Chàm có 15/16 phường, xã xuất hiện ca SXH. Ngành y tế đã xử lý 6 ổ dịch và giám sát côn trùng tại 3 phường có nguy cơ mắc cao.
Theo đánh giá của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, nguyên nhân bệnh bùng phát là do thời tiết mưa nắng xen nhau, thuận lợi cho sự phát triển của lăng quăng, tâm lý người dân còn chủ quan, không chủ động phòng dịch.
BS Lê Tấn Phùng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, cho biết ngành y tế đã liên tục tuyên truyền, khuyến cáo nhưng việc phòng chống, dập dịch SXH trên địa bàn tỉnh chưa đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Sở Y tế còn khuyến cáo người dân không chủ quan với dịch bệnh, chủ động và thường xuyên diệt lăng quăng, muỗi, vệ sinh nhà cửa, ngủ mùng; tuyệt đối không tự ý dùng thuốc để điều trị SXH hay truyền dịch tại nhà, khi có dấu hiệu sốt nên đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Phùng nhấn mạnh: "Muốn dập dịch SXH phải dựa vào ý thức của dân, phải tích cực hưởng ứng diệt lăng quăng. Đây là bài toán rất khó vì liên quan đến tính chủ động của người dân, "ai cũng biết mà không ai làm". Vừa rồi, Bộ Y tế có chỉ thị về duy trì đội ngũ cộng tác viên chống SXH, đã gửi UBND tỉnh Khánh Hòa. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ có ý kiến tham mưu về kinh phí, hình thức tổ chức thực hiện để đội ngũ này đến tận nhà dân, các công trình để hỗ trợ diệt bọ gậy" .
Số ca mắc sốt xuất huyết có nguy cơ tiếp tục gia tăng
Giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11 là giai đoạn “nóng” của dịch sốt xuất huyết khi thời tiết vào mùa mưa.