Kỳ thi vào lớp 10 năm 2025 - 2026 là kỳ tuyển sinh đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tại Hà Nội, cách tính điểm vào lớp 10 công lập năm nay có thay đổi, đó là sẽ không nhân hệ số hai đối với các môn Toán và Ngữ văn. Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng (NV) dự tuyển vào tối đa 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2 và NV3. Trong đó, NV1 và NV2 phải thuộc cùng một khu vực tuyển sinh theo quy định; NV3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Học sinh trúng tuyển NV1 không được xét tuyển NV2, NV3. Học sinh không trúng tuyển NV1 được xét tuyển NV2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 1,0 điểm. Học sinh không trúng tuyển NV1, NV2 được xét tuyển NV3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển NV1 của trường ít nhất 2,0 điểm. Khi hạ điểm chuẩn cho phép nhận học sinh có NV2, NV3 đủ điều kiện trúng tuyển.
Tại TP.HCM, năm nay, thành phố có khoảng 90.000 học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS, giảm hơn 25.000. Thí sinh được đăng ký 3 NV (NV1, NV2, NV3) vào trường THPT công lập. TP.HCM xét duyệt và công bố điểm chuẩn theo nguyên tắc điểm chuẩn NV2 không thấp hơn điểm chuẩn NV1 và điểm chuẩn NV3 không thấp hơn điểm chuẩn NV2.
Kỳ thi vào lớp 10 luôn là một bước ngoặt quan trọng đối với học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, cách tính điểm nguyện vọng (NV) giữa Hà Nội và TP.HCM lại có sự khác biệt lớn, dẫn đến cơ hội trúng tuyển của thí sinh cũng chênh lệch đáng kể.
![]() |
Ảnh minh họa |
Linh hoạt ở TP.HCM, "cửa hẹp" ở Hà Nội?
Trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh cho rằng, khi điểm chuẩn giữa các NV chênh lệch nhỏ, nếu trượt NV1, học sinh vẫn có cơ hội cao vào NV2, NV3 nhờ mức điểm gần nhau. Tính linh hoạt cao, giảm áp lực "trượt là mất hết".
Tại Hà Nội, dù cũng cho phép 3 NV, nhưng khoảng cách điểm chuẩn giữa các NV rất lớn (1 – 2 điểm). Trượt NV1 đồng nghĩa với việc NV2 gần như không khả thi, NV3 hầu như vô tác dụng. Học sinh buộc phải "ăn may" ở NV1, nếu không đỗ phải chuyển sang trường tư hoặc GDTX. Ở TP.HCM, điểm chuẩn NV2/NV3 sát NV1 nên thí sinh chỉ cần thiếu 0.25 điểm vẫn có cơ hội. Ở Hà Nội, nếu thiếu 0.5 điểm NV1, đồng nghĩa với việc thiếu 1.5 - 2.5 điểm để đỗ NV2/NV3.
Việc đa dạng nguyện vọng lẽ ra phải giúp học sinh có nhiều cơ hội dự phòng, nhưng với cách tính điểm này, nhiều người lo học sinh sẽ "được ăn cả, ngã về không". NV2/NV3 trở nên hình thức, gây lãng phí công sức đăng ký. NV1 trở thành "canh bạc may rủi".
Ví dụ: Nếu NV1 là 40 điểm, NV2 sẽ là 42 điểm, NV3 là 44 điểm. Với mức điểm này, thí sinh trượt NV1 (thiếu 0.5 - 1 điểm) gần như không thể với tới NV2/NV3. Hệ quả: NV2/NV3 chỉ dành cho học sinh đạt điểm cao hơn NV1 – điều vô lý vì nếu đã đủ điểm NV2, họ đương nhiên đỗ NV1.
Do sợ trượt NV1, phụ huynh thường đăng ký NV1 thấp hơn năng lực để chắc đỗ. Ví dụ: Học sinh có thể đạt 38 điểm, nhưng chỉ dám chọn trường NV1 có điểm chuẩn 36 điểm để tránh rủi ro. Hậu quả: Học sinh giỏi bị "dồn" xuống trường tốp giữa, trong khi trường top cao lại thiếu hụt thí sinh chất lượng.
Để tăng tính công bằng, nhiều người cho rằng Hà Nội nên thu hẹp khoảng cách điểm chuẩn giữa các NV. Công bố rõ tiêu chí xét NV2/NV3 để phụ huynh và học sinh có chiến lược phù hợp.
"3 môn đều tính hệ số 1, nên có sự điều chỉnh"
Nói về những thắc mắc này, anh Bùi Ngọc Phúc, tác giả sách Cùng con bước qua các kỳ thi, Tư vấn kỳ thi vào 10 cho rằng: Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có số thí sinh thi vào 10 đông nhất, do vậy mọi biến động đều tác động rất lơn đến tâm lý của phụ huynh và học sinh. Khi so sánh phương thức tuyển sinh, cách tính điểm NV1 và NV2 của hai thành phố, nhiều phụ huynh ở Hà Nội cảm thấy lo lắng là điều dễ hiểu.
TP.HCM lấy tỷ lệ đỗ 80% lớp 10 công lập so với 62% của Hà Nội đã rất khác. Chưa kể tỷ lệ trượt 38% của Hà Nội là tính chung toàn thành phố và các quận huyện, còn ở những KVTS trung tâm, tỷ lệ trượt còn cao hơn.
Hà Nội là 1 trong số rất ít tỉnh thành quy định mức chênh lệch 1-2 điểm giữa các nguyện vọng cũng như quy định khu vực tuyển sinh. Quy định này khiến nhiều thí sinh dù có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường đăng ký NV2, NV3 nhưng vẫn trượt vì không đảm bảo khoảng cách 1 - 2 điểm. Cách tính như vậy có từ các kỳ thi trước khi Toán và Ngữ văn nhân đôi, điểm thi có "biên độ dao động", việc đặt khoảng cách rộng giúp phân loại thí sinh rõ ràng.
Tới đây, kỳ thi tới đây ba môn đều tính hệ số 1, mỗi môn chỉ ảnh hưởng 1/3 tổng điểm, điểm thi ít biến động hơn, thiết nghĩ cũng nên có sự điều chỉnh cho phù hợp.
"Tuy nhiên trong quy chế dự thi có một điểm mới, nếu thí sinh chỉ chọn 2 nguyện vọng, thí sinh có thể chọn trường ở hai khu vực tuyển sinh khác nhau nhằm tăng cơ hội đỗ vào lớp 10 công lập. Theo tôi, tất cả những cách tính trên chỉ giải quyết phần ngọn, bởi thực tế năm học 2025-2026 sẽ có 48.000 thí sinh không vào được công lập, thi vào 10 áp lực và cam go hơn thi đại học là vậy. Chừng nào không đủ trường công lập, chừng nào học phí của hệ ngoài công lập là gánh nặng tài chính của phụ huynh, kỳ thi vào 10 vẫn khốc liệt và cam go", anh Phúc nói.
Anh Bùi Ngọc Phúc cho rằng, tính hệ số 1 là hợp lý, chỉ có điều phụ huynh và con nên cân nhắc chọn NV1 và NV2 để tránh trường hợp điểm chuẩn hai trường sát nhau khiến con trượt luôn cả 2 NV, dù điểm thi không hề thấp.
Phụ huynh ở những KVTS có nhiều trường điểm chuẩn sát nhau, hãy chọn 2 nguyện vọng để mỗi nguyện vọng ở 1 khu vực tuyển sinh. Riêng NV3 theo quy chế, thường là những trường ở rất xa trung tâm, nếu thí sinh có đỗ, việc đi học hàng ngày là bài Toán nan giải.
Hành trình chinh phục Toán học của nữ sinh duy nhất trong Đội tuyển Olympic Toán quốc tế Việt Nam năm 2025
Với tâm thế thi để trải nghiệm, học hỏi kinh nghiệm, kết quả đạt được là sự ghi nhận những tháng ngày nỗ lực của Xuân.