Sự hiện đại đe doạ các công trình lịch sử tại Hà Nội

Góc nhìn về bảo tồn di sản kiến trúc cổ Hà Nội trong một bài báo của CNN.

Khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội hé lộ một di sản kiến trúc Francophile đặc trưng của thành phố. Một dinh thự cổ từng thuộc Thống sứ Bắc Kỳ, một chế độ bảo hộ cũ của Pháp, giờ được dùng là nhà khách của chính phủ cho quan chức nước ngoài. Khách sạn Metropole gần đó, được xây dựng năm 1901, vẫn duy trì phần lớn nét lịch sử hấp dẫn mặc cho các trang thiết bị được hiện đại hóa.

Đó là một bức tranh Việt Nam xưa mà chính phủ cùng các chính sách bảo tồn di sản dường như rất trân trọng. Thậm chí các tòa nhà mới của chính phủ cũng được xây theo phong cách thuộc địa cũ, với mặt tiền màu vàng nghệ và những khung cửa sổ xanh lá cây.

Phủ Chủ tịch tại Ba Đình, Hà Nội (Ảnh: internet).
Phủ Chủ tịch tại Ba Đình, Hà Nội (Ảnh: internet).

Bằng chứng về sự bảo tồn có thể thấy ở khu phố cổ, phía Bắc của hồ, nơi từng là trung tâm thương mại của Hà Nội trong nhiều thế kỷ. Cánh cổng Ô Quan Chưởng 250 tuổi, là những gì còn lại của một bức tường thành cũ, vẫn sừng sững chào đón khách đến thăm. Và những ngôi đền có tuổi đời hàng thế kỷ, kết hợp phong cách Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo, vẫn nằm đó trong những con hẻm quanh co cạnh những biệt thự phong cách thuộc địa cũ (mặc dù một số có các kết cấu hiện đại được xây đè lên).

Không như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội vẫn giữ được nét quyến rũ cổ kính. Ông Michael R. DiGregorio, một nhà quy hoạch đô thị và giám đốc quốc gia của Quỹ Châu Á và từng sống ở Hà Nội 25 năm, cho biết có khoảng 600 căn biệt thự và nhà cổ mặt phố thuộc sở hữu của nhà nước được tuyên bố thuộc giới hạn “cấm” đối với các nhà phát triển dự án.

Khách sạn Metropole trên phố Ngô Quyền (Ảnh: internet).
Khách sạn Metropole trên phố Ngô Quyền (Ảnh: internet).

Theo bà Danielle Labbé, giáo sư quy hoạch đô thị tại Đại học Montreal và là tác giả cuốn sách “Land Politics and Livelihoods on the Margins of Hanoi, 1920-2010” (tạm dịch: Chính trị đất đai và sinh kế bên lề Hà Nội, 1920-2010), việc bảo tồn của thành phố được quản lý tốt hơn những nơi khác ở châu Á, như tại Bắc Kinh (Trung Quốc), phần lớn những con hẻm cũ của thủ đô nước này đã bị phá bỏ.

“Nhìn chung, chính quyền các quốc gia đã thực hiện các biện pháp để bảo vệ các di tích (thành quách, đền chùa) và các quần thể đô thị quan trọng (khu phố cổ và các căn nhà kiến trúc thuộc địa), tập trung vào những căn nhà cũ nhất hoặc được bảo tồn tốt nhất”, bà nói.

“Đất vàng”

Tuy nhiên, đâu đó ở Hà Nội, có hàng trăm căn biệt thự và nhà phố cổ nằm mục nát và không có người sử dụng. Và trong khi một vài tòa nhà này không bị phá dỡ, một số khác trở nên kém may mắn hơn.

“Sự quyến rũ ở Hà Nội đã bị dỡ bỏ”, ông DiGregorio cho biết khi hầu hết các tòa nhà cũ mà ông nhớ từ giữa những năm 1990 đã không còn. “Và câu hỏi nên là: tại sao mọi thứ cần bảo tồn?”.

Các ngôi nhà có kiến trúc kiểu thuộc địa xen cùng với thiết kế hiện đại (Ảnh: gettyimages)
Các ngôi nhà có kiến trúc kiểu thuộc địa xen cùng với thiết kế hiện đại (Ảnh: gettyimages)

Trong những năm 1990, các nhà phát triển dự án cá nhân bắt đầu thay thế bên quy hoạch của nhà nước khi những cải cách kinh tế lớn bắt đầu có hiệu lực trên khắp Việt Nam. Giữa cuối những năm 1980 và 2008, lượng biệt thự phong cách Pháp và châu Âu tại Hà Nội giảm đi hơn một nửa, xuống dưới 1.000 căn (theo nghiên cứu của tiến sĩ Đào Thị Như tại Đại học Panthéon-Sorbonne (Paris, Pháp). Cũng theo báo cáo này, chỉ 15% căn biệt thự của thành phố được xem là “nguyên vẹn”.

Với mục tiêu kiếm tiền từ các mảnh bất động sản trung tâm, các nhà phát triển sẽ giành đất ở khu vực phố cổ của thành phố nếu có cơ hội. Với vị trí gần các khu thương mại và văn phòng chính phủ, những tòa nhà lâu đời thường nằm trên những mảnh bất động sản giá trị nhất của Hà Nội.

“Khu phố cổ và những căn kiến trúc thuộc địa đều nằm trên cái mà người Việt gọi là “đất vàng”. Sẽ có lợi nhuận đáng kể nếu một nhà đầu từ đặt được tay lên những khu vực này, biến những căn nhà cũ thành những tòa nhà lớn, nhiều tầng và lợi nhuận hơn”.

Di tích Ô Quan Chưởng tại Hà Nội (Ảnh: internet).
Di tích Ô Quan Chưởng tại Hà Nội (Ảnh: internet).

Kiến trúc sư Trần Thanh Vân mô tả tình hình hiện nay là “hỗn loạn”, với quy trình bảo tồn khu phố cổ khá lộn xộn. Các công trình kiến trúc lịch sử không được tháo dỡ hoàn toàn, mà thường được chỉnh sửa hay tân trang bởi các doanh nghiệp địa phương ít quan tâm đến di sản.

“Thành phố Hà Nội bảo tồn di sản kiến trúc rất tệ. Chính xác hơn, vì lợi nhuận, họ không ngừng xây những tòa nhà chọc trời để kinh doanh và (đã) dỡ bỏ gần hết các công trình kiến trúc cũ”, cô nói.

Sự góp phần của lịch sử

Bất chấp sự thất vọng của các nhà bảo tồn đô thị, Hà Nội đã phần nào chống lại xu hướng đang diễn ra trên khắp các thành phố ở châu Á. Tuy nhiên, một số thành công trong công tác bảo tồn của Hà Nội có thể là hệ quả không mong muốn của quá khứ.

 Với các căn biệt thự, nhà mặt phố và dinh thự lớn bị nhà nước thu giữ sau chiến thắng của cộng sản miền Bắc Việt Nam năm 1954, các khu đất cổ ở Hà Nội được nhà nước tập hợp và lấp đầy với những người định cư mới. Nhiều thập kỷ sau, những biệt thự cổ này trở nên bị phân chia giữa nhiều gia đình, gây khó khăn cho các chủ đầu tư nếu muốn mua hết toàn bộ. Theo bà Labbé, việc này tạo ra một tình trạng chậm chạp mà ở đó, các tòa nhà không thể bị phá hủy mà cũng không thể được cải tạo một cách hiệu quả.

“Theo một nghĩa nào đó, tình trạng này khiến nhiều nhà trong khu phố cổ rơi vào tình trạng “nguyên vẹn”, bà nói.

Một biệt thử cổ được sử dụng làm nhà hàng trên phố Hà Nội (Ảnh: internet).
Một biệt thử cổ được sử dụng làm nhà hàng trên phố Hà Nội (Ảnh: internet).

Chị Nguyên Thảo, một nhà tổ chức tour 30 tuổi cho biết căn nhà của bố mẹ chị, một biệt thự Pháp cổ, vẫn vẹn nguyên vì lý do này.

“Họ nói chúng tôi chỉ có thể cải tạo ngôi nhà mà không thể phá nó được, bởi nó sẽ ảnh hưởng tới hàng xóm”, cô cho biết.

Thảo cho biết bản thân cô không quan tâm nhiều đến việc bảo tồn đô thị trước khi làm trong lĩnh vực du lịch. Theo cô, nhiều người Việt Nam, đặc biệt giới trẻ, ít nghĩ về di sản kiến trúc.

“Người trẻ Việt Nam thích sống ở thành phố hiện đại, nơi họ có nhiều cơ hội để tận hưởng cuộc sống hơn”, cô nói và cho biết rằng sự hiện đại tại thành phố Hồ Chí Minh hấp dẫn hơn với bạn bè đồng trang lứa của cô.

Bên trong Nhà hát lớn tại Hà Nội (Ảnh: internet).
Bên trong Nhà hát lớn tại Hà Nội (Ảnh: internet).

Tuy nhiên, Thảo cho biết giờ đây cô thấy lịch sử kiến trúc Hà Nội mang lại cho thành phố một “hương vị riêng” đáng để bảo tồn. Nguyễn Quang Sơn, một sinh viên điện 20 tuổi, HDV một chuyến tham quan miễn phí cho khách nước ngoài thông qua một chương trình tại trường đại học cho biết:

“Trong quá khứ, người Hà Nội từng sống rất khác. Bây giờ văn hóa thay đổi, nên những công trình kiến trúc cổ là thứ mà chúng tôi vẫn phải nhớ về những ngày xưa”.

Minh Nguyễn (theo CNN)

'Chợ nhà giàu' phố cổ Hà Nội hoạt động trở lại

'Chợ nhà giàu' phố cổ Hà Nội hoạt động trở lại

Các gian hàng tại chợ Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) được lắp tấm chắn, có sẵn nước rửa tay khô khi hoạt động trở lại.