Nhiều lời lẽ nặng nề nhằm vào bà Thảo
Theo tập đoàn này, ngày 30/6/2019, Công ty Trung Nguyên nhận được Đơn khiếu nại của bà Lê Hoàng Diệp Thảo về việc khiếu nại Công văn số 56/TA-KT ngày 28/6/2019 của TAND tỉnh Bình Dương về việc trả lời đơn kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, Công an tỉnh Bình Dương về hành vi Công ty Trung Nguyên làm giả tài liệu, con dấu.
Đồng thời, Trung Nguyên Legend tố bà Thảo “vu cáo và bịa đặt thông tin sai sự thật” về việc Công ty Trung Nguyên giả mạo hồ sơ, tài liệu.
Phía Trung Nguyên cho rằng bà Thảo chính là người cung cấp hồ sơ, tài liệu có dấu vết cắt ghép theo Kết luận giám định số 14/C09-P05 và Công văn số 14A/C09-P5 ngày 30/10/2019 của Viện Khoa học hình sự (KHHS), Bộ Công an.
Cuộc chiến pháp lý tại tập đoàn Trung Nguyên chưa có dấu hiệu dừng lại. |
Căn cứ nội dung Kết luận giám định số 14/C09-P5 và Công văn số 14A/C09-P5 của Viện KHHS, tài liệu có dấu vết cắt ghép (ký hiệu A3-2) là tài liệu do Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương cung cấp cho Tòa án.
Phía Trung Nguyên của ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng tài liệu này do chính bà Lê Hoàng Diệp Thảo cung cấp cho Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương vì:
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của CTCP Hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC) được lưu giữ tại Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương qua 08 lần đăng ký thay đổi, ghi nhận tại các lần đăng ký thay đổi lần thứ 4, lần thứ 5, lần thứ 6 và lần thứ 7 (từ năm 2012-2013) tại các bút lục hồ sơ vụ án đều do bà Thảo – người đại diện theo pháp luật trước đây của Trung Nguyên IC ủy quyền/giới thiệu cho ông Nguyễn Văn Toản nộp hồ sơ đăng ký.
Theo biên bản làm việc của Tòa án, đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương xác định: “Bản sao biên bản họp ĐHCĐ của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên là do CTCP Hòa tan Trung Nguyên (mà bà Lê Hoàng Diệp Thảo là người đại diện theo pháp luật) nộp cho phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh Bình Dương, cán bộ Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh Bình Dương đã nhận hồ sơ của CTCP Hòa tan Trung Nguyên theo đúng hiện trạng và giữ nguyên tình trạng của tài liệu đó.
Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh Bình Dương hoàn toàn không có sửa chữa, điều chỉnh trong tài liệu do CTCP Hòa tan Trung Nguyên đã nộp”.
Hơn nữa, kể từ khi Trung Nguyên IC đăng ký thay đổi lần thứ 8, ngày 21/4/2016, để thay đổi từ bà Thảo sang ông Vũ, bà Thảo luôn có thái độ “bất hợp tác, không đồng ý bàn giao” hồ sơ, giấy tờ pháp lý và con dấu cho ông Vũ.
Từ nội dung trên, Công ty Trung Nguyên khẳng định tài liệu có dấu vết cắt ghép là do bà Lê Hoàng Diệp Thảo nộp cho Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương.
“Một điều đặc biệt vô lý là tài liệu có dấu vết cắt ghép (ký hiệu A3-2) do chính bà Lê Hoàng Diệp Thảo nộp cho Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương, thì chính bà Lê Hoàng Diệp Thảo lại yêu cầu cơ quan chức năng giám định chính tài liệu của mình, động cơ xấu này của bà Lê Hoàng Diệp Thảo là nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, chiếm giữ trái phép chi nhánh Công ty cổ phần Hòa Tan Trung Nguyên tại Bắc Giang (nhà máy Bắc Giang) để hưởng lợi càng lâu càng tốt.
Điều này thực sự đã làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp của Trung Nguyên,” phía Tập đoàn Trung Nguyên phản pháo.
Tại Trung Nguyên IC, bà Thảo là cổ đông nắm 5% cổ phần, Trung Nguyên Legend nắm giữ 85% và ông Vũ nắm giữ 10%. Theo quy định tại khoản 2 Điều 147 Luật Doanh nghiệp, với tỷ lệ dưới 10%, bà Thảo không có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ Nghị quyết HĐQT và Nghị quyết ĐHCĐ.
Trung Nguyên khẳng định bà Thảo mới là người cung cấp hồ sơ cho Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương. |
Bà Thảo giả mạo chữ ký ông Vũ?
Đáng chú ý, phía ông Vũ còn dùng những lời lẽ nặng nề khi tố bà Thảo đã từng có những hành vi mang tính chất vu cáo, giả mạo tài liệu ở việc “chuyển nhượng bất hợp pháp và chiếm đoạt công ty Trung Nguyên Singapore.”
“Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã giả mạo chữ ký của Nhà sáng lập – Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ để chuyển nhượng bất hợp pháp toàn bộ tài sản (7,5 triệu cổ phần) của Công ty Trung Nguyên Singapore PTE.LTD sang cho cá nhân mình làm chủ sở hữu với giá 01 đô la Singapore….. , do đó Tòa án Singapore đã có thông báo về việc đưa ra xét xử vào ngày 24 và 30/7/2019”.
Ngoài ra, phía ông Vũ cũng tố bà Thảo “bịa đặt thông tin sai sự thật” về người sáng lập Tập đoàn, “mạo danh” là người đồng sáng lập tập đoàn; bịa đặt thông tin sai sự thật về các nhân viên, cấp quản lý của tập đoàn là “nhóm thao túng và chiếm đoạt Trung Nguyên”.
Kể cả việc bà Thảo tuyên bố ông Vũ “mất năng lực hành vi dân sự” cũng được phía Trung Nguyên cho rằng bà Thảo đang có âm mưu “chiếm bằng được tập đoàn Trung Nguyên”.
Phía ông Vũ cũng thẳng thừng tuyên bố kể từ sau bản án sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST ngày 27/3/2019 của TAND TP.HCM trong vụ li hôn, bà Thảo và ông Vũ đã không còn là vợ chồng sau gần 20 năm chung sống.
Nói về việc TAND TP.HCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngày 28/3/2019 đối với ông Vũ và CTCP Đầu tư Trung Nguyên bằng một vụ kiện khác do bà Thảo khởi kiện, phía Trung Nguyên cho rằng quyết định này đã làm tê liệt các hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn tại thị trường trong nước và quốc tế.
Như vậy, bà Thảo đã khởi kiện tại 19 vụ kiện khác nhau trong quá trình tranh chấp tại Trung Nguyên, buộc Tòa áp dụng 12 Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Như vậy, với phản ứng mới nhất từ phía Trung Nguyên Legend, căng thẳng trong tranh chấp pháp lý tại tập đoàn này đã được đẩy lên một nấc thang mới và sẽ còn nhiều điều cần mổ xẻ.
Bài viết không tồn tại hoặc đã xóa