Thu thập dữ liệu 1.000 món ăn, xây dựng 'bảo tàng ẩm thực' Việt Nam

Đề án dự kiến thu thập 1.000 món ăn và phát triển thành tổng tập của dữ liệu ẩm thực Việt, hướng đến xây dựng bảo tàng ẩm thực Việt Nam theo định hướng thực tế ảo 3D.

Đề án thu hút sự tham gia từ hàng trăm nghệ nhân, đầu bếp, giáo sư, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực công nghệ thực phẩm, văn hóa, lịch sử và nhiều bộ ngành trên khắp cả nước.

Theo đó, trong giai đoạn 2022, đề án dự kiến thu thập dữ liệu 300 món tiêu biểu Việt Nam và xét chọn 100 món ẩm thực đặc sắc của địa phương, được công nhận bởi hội đồng chuyên môn của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam đồng thời tham khảo đánh giá của cộng đồng qua các kênh truyền thông báo chí và mạng xã hội. 

Kết thúc giai đoạn 2022 sẽ là sự kiện 'Liên hoan 100 đặc sắc Việt Nam' quy tụ các nghệ nhân của 63 tỉnh thành, dự kiến phối hợp tổ chức cùng với Sở Du lịch TP.HCM.

Sắp có thương hiệu quốc gia cho ẩm thực Việt Nam - Ảnh 1.

Ẩm thực Việt Nam kỳ vọng sẽ phát triển mạnh.

Giai đoạn 2023, đề án dự kiến thu thập 1.000 món ăn và phát triển thành tổng tập của dữ liệu ẩm thực Việt Nam, qua đó chọn ra các món tiêu biểu, đặc sắc có tính phổ biến cao của các vùng miền để xây dựng mô hình kinh tế khởi nghiệp cùng các chuyên gia của VCCA, tạo tiền đề cho thế hệ trẻ và các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước, đưa ẩm thực Việt Nam phát triển hơn trên bản đồ thế giới.

Cùng với đó, tận dụng giá trị của đề án để xây dựng thực đơn Việt Nam theo từng vùng miền hoặc các chủ đề mang tính văn hóa truyền thống, phục vụ cho công tác ngoại giao, trao đổi văn hóa và quảng bá du lịch vùng miền Việt Nam.

Giai đoạn 2024, đề án sẽ triển khai chuyển đổi số cơ sở dữ liệu thành bản đồ ẩm thực Việt Nam và thiết thực hơn là hướng đến xây dựng bảo tàng ẩm thực Việt Nam theo định hướng thực tế ảo 3D và bảo tàng ẩm thực thực tế phục vụ cho du khách tham quan của các tỉnh thành và các nhà đầu tư trong tương lai.

Tại sự kiện ra mắt đề án, cũng đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Liên minh Chuyển đổi số (DTS) và Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, kinh tế Việt Nam dựa vào nông lâm, ngư nghiệp nhưng hầu hết đều đang phát triển riêng lẻ, cần một nơi có thể "gom" các đầu mối về và giúp các bên hưởng lợi từ nhau và ẩm thực Việt Nam cũng nằm một phần trong đó. 

Đề án sẽ kết hợp với các doanh nghiệp để đạt 2 mục đích phát triển văn hóa ẩm thực truyền thống nhưng cũng gắn liền với kinh tế. Biến những đặc sản, di sản vùng miền thành tài sản. 

Đề án "Xây dựng và phát triển văn hoá ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 – 2024" có sự đồng hành của Công ty Cổ phần hàng tiêu dùng Masan và đồng tài trợ của hãng hàng không Vietravel Airline.

HÀ MY