Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không thể để học sinh học trực tuyến quá lâu

Gặp mặt cán bộ ngành giáo dục sáng 14/11, Thủ tưởng Phạm Minh Chính nhấn mạnh không thể để học sinh học trực tuyến quá lâu

Sáng 14-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 tại tại trụ sở Chính phủ.

Tham dự buổi gặp mặt có ông Nguyễn Kim Sơn- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và 60 cán bộ, nhà giáo tiêu biểu.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ niềm vui mừng khi được gặp mặt, được nghe, được chia sẻ các thầy cô đã có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

"Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân của một người đã từng là phụ huynh học sinh, từng là một người học trò và từng là người giảng dạy, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa, chúc mừng các thầy giáo, cô giáo nhân dịp kỷ niệm Ngày 20-11 - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa, chúc mừng các thầy giáo, cô giáo nhân dịp kỷ niệm Ngày 20-11 - Ảnh: VGP

Nhân dịp này, Thủ tướng nhấn mạnh một số vấn đề Chính phủ cần giải quyết sớm để tạo điều kiện cho ngành giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

- Thứ nhất, về vấn đề học trực tuyến. Chính phủ nhất quán quan điểm không thể để các cháu học trực tuyến quá lâu, giao Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế phối hợp với các địa phương có phương án, giải pháp khắc phục việc này theo lộ trình từng bước thận trọng, chắc chắn nhưng phải hết sức khẩn trương, đảm bảo an toàn chống dịch.

Nghiên cứu thí điểm kết hợp học trực tiếp với học trực tuyến căn cứ vào tình hình dịch bệnh từng khu vực và mức độ bao phủ vắc xin. Ví dụ, chúng ta tổ chức các cháu đã được tiêm đầu cấp, cuối cấp, sinh viên học trực tiếp hoặc kết hợp học trực tiếp với trực tuyến, trước hết thí điểm ở những nơi an toàn, mở rộng dần.

- Thứ hai, đối với giáo viên. Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và ngoài công lập. Trên thực tế, các chính sách hỗ trợ đã được thực hiện nhưng chúng ta cần rà soát lại, đề xuất các phương án phù hợp và giải quyết các vấn đề phát sinh.

- Thứ ba, đối với các cháu học sinh. Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan quan tâm hơn nữa đến các cháu. Thực tế nhiều nơi đã thực hiện giảm học phí cho các cháu nhưng vẫn có một số nơi chưa làm.

Về việc này, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát lại, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương hỗ trợ các cháu và gia đình, nhất là ở những tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề do dịch. "Mục tiêu của chúng ta là không để cháu nào phải bỏ học do đại dịch, do hoàn cảnh, không để ai bị bỏ lại phía sau trong thực hiện quyền được học tập".

Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh chương trình cho vay ưu đãi đối với học sinh sinh viên. Đồng thời, đối với các cháu mồ côi do COVID-19, các bộ, ngành liên quan cần rà soát đề xuất chính sách quan tâm đến các cháu một cách căn cơ, bài bản và dài hơi. Các bộ, ngành rà soát và điều chỉnh chính sách đối với trẻ em mồ côi, trẻ em trong các trung tâm bảo trợ xã hội.

 - Thứ tư, về điều kiện trang thiết bị cho dạy học trực tuyến. Với tình hình diễn biến dịch hiện nay, chúng ta phải xây dựng nhiều phương án ứng phó với dịch bệnh trong việc dạy và học.

Để thuận lợi cho các học sinh học trực tuyến, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa..., Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nâng cấp hạ tầng viễn thông và hỗ trợ sóng miễn phí, trang thiết bị học cho các cháu, triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em" hiệu quả hơn để học sinh không thể vì thiếu điều kiện mà không được học trực tuyến. Đây cũng là điều được nhiều đại biểu Quốc hội trăn trở trong kỳ họp vừa qua.

Trong 2 năm trở lại đây, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Giáo dục và đào tạo là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch này, nhưng đây cũng là cú hích để chúng ta thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo trong mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn ngành giáo dục, nâng cao khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới và là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới trong giáo dục.

Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ luôn trăn trở về những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến người dân, đến xã hội, trong đó có ngành giáo dục để chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ. Trong đó tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách, chế độ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non ngoài công lập, giáo viên vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, cải thiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới sách giáo khoa, đổi mới thi cử, ...   Hàng triệu thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và ngoài công lập bị ảnh hưởng thu nhập, đời sống khó khăn do dịch bệnh.

"Thậm chí, tôi biết nhiều thầy cô còn phải làm thêm các công việc khác để lo cuộc sống. Hàng chục triệu trẻ em không được học trực tiếp dài ngày, ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng học và đảo lộn cuộc sống hàng triệu gia đình. Hàng nghìn em đã trở thành mồ côi do mất cha mất mẹ trong dịch bệnh...".

Năm học 2020 - 2021 ghi dấu mốc quan trọng với việc xây dựng cơ chế chính sách tháo gỡ những nút thắt, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu nghị quyết 29 của Trung ương. Qua đó, tạo sự chuyển biến về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, đồng thời huy động nguồn lực xã hội và thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thầy Hoàng Quang Đạt (hiệu trưởng Trường cao đẳng Lào Cai) đã kiến nghị với Thủ tướng, với Bộ Lao động - thương binh và xã hội quan tâm giải quyết:

1. Quy hoạch mạng lưới các trường nghề phù hợp với quy hoạch quốc gia, đáp ứng được nhu cầu nhân lực trong quy hoạch quốc gia.

2. Xây dựng chiến lược đào tạo nghề quốc gia và các dự án thành phần, có cơ chế, có lộ trình chi tiết, có đích đến là người lao động Việt Nam giỏi nghề, có năng lực làm việc tốt trong và ngoài nước.

3. Xây dựng cơ chế cụ thể, chi tiết và thuận lợi để doanh nghiệp có thể tham gia mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực: (1) Thành lập cơ sở GDNN; (2) Tham gia đào tạo nghề cùng các trường nghề; (3) Tuyển dụng lao động.

4.Ban hành nghị định về đặt hàng đào tạo với những ngành nghề trọng điểm quốc gia, trước mắt có cơ chế miễn giảm học phí cho HSSV học nghề trọng điểm với những đối tượng khó khăn.

Theo tuoitre.vn

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ phát biểu làm rõ thêm những vấn đề đại biểu quan tâm và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.