Thủ tướng cho biết, đây là hội nghị có quy mô lớn, có sự tham gia của 15 Ủy viên Bộ chính trị, hàng chục Bí thư Trung ương Đảng, 60 Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ và chủ tịch các địa phương... Trong 1,5 ngày làm việc đã có 36 kiến nghị trực tiếp và 366 kiến nghị bằng văn bản. Thủ tướng đã giao cho Văn phòng chính phủ tập hợp toàn bộ kiến nghị để trả lời toàn bộ.
Đánh giá tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội
Trước hết về các vấn đề chung, Thủ tướng cho rằng tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều bước phát triển trong bối cảnh quốc tế và khu vực còn nhiều thách thức. "Chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ như thế. Đó là kết quả phấn đấu, nỗ lực của cả hệ thống chính trị”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. |
Theo Thủ tướng, nhiều địa phương và cơ sở cần phải có nhiều khát vọng phát triển hơn nữa, đây sẽ là động lực giúp chúng ta làm được nhiều việc hơn.
Cụ thể, Thủ tướng dẫn chứng thành quả xuất nhập khẩu trong năm qua đã đạt trên 500 tỷ USD tuy nhiên còn nhiều bất cập trong khâu dịch vụ logistic, đây là điểm cần khắc phục ngay. Về vấn đề của điện lực, Bộ Công thương phải có chủ trương, chính sách đảm bảo cung cấp nguồn điện cho người dân. “Tìm ra vấn đề rồi thì phải khắc phục chứ không phải cứ biết rồi, để đó và nói mãi. Vai trò của bộ trưởng là phải khắc phục bất cập”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chúng ta có khát vọng đổi mới và sáng tạo nhưng vẫn chưa khắc phục được các tồn tại, yếu kém, chưa có hành động thực tiễn. Một số vấn đề còn được Thủ tướng nhắc đến như chậm giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa DNNN chậm trễ, ô nhiễm không khí, rác thải và nhiều vấn đề bức xúc của xã hội như ma túy, văn hóa xứng xử…
Đặc biệt, Thủ tướng đề cập đến việc “không đánh đổi môi trường, văn hóa, văn minh của xã hội lấy kinh tế”. Việc phát triển một môi trường văn hóa có định hướng rõ ràng, văn minh cũng quan trọng như việc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Đạo đức xuống cấp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội vì vậy cần phải chuyển hướng mạnh mẽ hơn nữa, không thể chỉ quá quan tâm đến một phương diện là kinh tế.
Thủ tướng cho biết: “Kinh tế xã hội phát triển thì phải gắn với truyền thống tốt đẹp. Hành vi ứng xử của công dân phải nhân văn. Phát triển kinh tế phải làm sao hình thành nên những doanh nhân có tinh thần dân tộc, biết tôn trọng cội nguồn và tuân thủ pháp luật. Kinh doanh nhưng phải có khát vọng phát triển đất nước, gắn với vấn đề xã hội chứ không chỉ lo cho bản thân mình”.
Thủ tướng lưu ý đến vấn đề quan trọng nhất là ba trong một “kinh tế - xã hội - môi trường”, đồng thời nhắc đến 4 bài học, 5 kinh nghiệm mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã đề cập.
Đầu tiên phải kế thừa và phát huy thành tựu có ý nghĩa, không được phép dừng lại khi đã thỏa mãn trong thời điểm nhất thời.
Bên cạnh đó là tăng cường đoàn kết, thống nhất của toàn dân, toàn quân, nhiều bộ phận hiện nay vẫn chưa có quyết tâm và trách nhiệm nên không thể tạo ra đột phá mới được.
Đồng thời phải tranh thủ sự đồng tình của cả hệ thống. “Phải lắng nghe, không thể sống trên dư luận và bỏ qua dư luận được đâu”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Nhiệm vụ đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới để phát triển đều kinh tế tư nhân và nhà nước, làm sao đầu tư được cho xã hội cao hơn, tốt hơn. Nếu đầu tư gặp vấn đề, phải huy động các nguồn lực khác nhau. Đặc biệt “không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được”, vì đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Phải quan sát toàn diện, nhìn sang các nước khác để để đánh giá bản thân mình, không được chủ quan.
Các chỉ đạo trong năm mới
Thủ tướng nhấn mạnh đến nhiều vấn đề chỉ đạo cho năm mới. Cụ thể là:
Không ngừng đổi mới, tư duy để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân, chỉ rõ những điểm sửa đổi của pháp luật, những điều khoản kìm hãm phát triển. Tận dụng tối đa các nguồn lực, tạo sự phát triển trong tất các các lĩnh vực.
“Nguồn lực của đất nước còn rất lớn. Chúng ta phát triển thế là tốt nhưng còn dưới tiềm năng. Muốn làm tốt phải tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển. Đừng nghĩ cái gì không làm được thì quản lý làm kìm hãm sự phát triển của đất nước”, Thủ tướng yêu cầu.
Bên cạnh đó, phải nâng cao ứng dụng KHCN và chất lượng nguồn lực, không thể tái cơ cấu nông nghiệp theo bài học truyền thống được.
Hội nghị Chính phủ với các địa phương. |
Về vấn đề kỷ luật, Thủ tướng yêu cầu nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo và có chế tài xử phạt nếu vi phạm. Một số bộ phận địa phương không chấp hành nghiêm chỉnh, văn bản đi qua quá nhiều khâu nhưng vẫn không xử lý được, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam.
Về vấn đề giá trị văn hóa, cần phải nêu cao tinh thần ý chí nghị lực tự cường, xây dựng đất nước. Bất kỳ cán bộ nào cũng cần phải có khát vọng.
Về vấn đề giao thông, Thủ tướng yêu cầu đơn vị này phải xử lý các nút thắt về công trình giao thông trọng điểm, thực hiện không thu phí như đã hứa.
Về vấn đề thực phẩm, chỉ còn 1 tháng là đến Tết vì vậy yêu cầu các cấp, các ngành không để thiếu hàng Tết, kể cả thịt lợn, không được tăng giá làm ảnh hưởng đến lạm phát quý 1 năm 2020.
Về vấn đề chúc Tết lãnh đạo tại các địa phương, Thủ tướng yêu cầu không được tranh thủ dịp Tết để biếu xén cấp trên cũng không đua nhau ra nhà lãnh đạo để chúc Tết, đây không phải là việc đáng nêu gương.
Chính phủ phê bình Bộ Nông nghiệp, yêu cầu báo cáo tình hình thịt lợn tăng giá
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ra chỉ đạo về việc điều hành giá, về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá cuối năm 2019.