Tiến sĩ Võ Trí Thành: Có nhiều yếu tố để kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5-6% trong năm 2022

Là một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh đã có những chia sẻ về vấn đề liên quan.

Bước sang năm 2022, tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường, tốc độ tăng của kinh tế thế giới vẫn còn là một dấu chấm hỏi, tuy nhiên Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh cho rằng, kinh tế Việt Nam có nhiều yếu tố để tăng trưởng.


Cùng với toàn thế giới, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, trải qua 2 năm, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu như mọi lĩnh vực đều có mức tăng trưởng thấp. Ước tính GDP Việt Nam trong năm 2021 chỉ tăng 2,58% so với năm 2020 và đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Tốc độ tăng trưởng của TP.HCM cũng suy giảm mạnh. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, tốc độ tăng trưởng GRDP của TP.HCM có tăng trưởng âm và đây năm thứ 2 liên tiếp, thành phố đầu tàu về kinh tế của cả nước có mức tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng toàn quốc.

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tuy có tăng nhẹ so với năm 2020 nhưng tỷ lệ giải ngân lại thấp. Cụ thể, FDI của Việt Nam đạt khoảng 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong khi giải ngân chỉ là 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm trước đó. Riêng TP.HCM, trong năm 2021 thu hút được 3,74 tỷ USD, giảm đến 14,2% so với năm 2020.

Trong lĩnh vực tiêu dùng, chỉ số CPI chỉ đạt khoảng 1,89% so với năm 2020, thấp nhất kể từ năm 2016. CPI tại TP.HCM chỉ tăng 2,36%, thấp nhất kể từ năm 2017.

Bước sang năm 2022, tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường, tốc độ tăng của kinh tế thế giới vẫn còn là một dấu chấm hỏi. Là một thành tố trong nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam chắc chắc sẽ phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn.

Là một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế - tài chính, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh đã có những chia sẻ đầu năm về vấn đề phát triển kinh tế Việt Nam năm 2022.

Nhận xét về vấn đề này, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam đã trải qua hai cuộc khủng hoảng hay gọi một cách khác là cuộc khủng hoảng kép. Đó là khủng hoảng về y tế, sức khỏe, tính mạng con người và điều đó đã kéo theo một cuộc khủng hoảng thứ hai, đó là khủng hoảng kinh tế - xã hội.

Năm 2020 – 2021, nền kinh tế thế giới chịu nhiều tổn thất nhiều nhưng nếu nhìn lại 15 năm trở lại đây thì chưa khi nào kinh tế thế giới lại có sự phát triển nhanh như vậy, với tốc độ phát triển là 5,9%. Dẫu gặp nhiều khó khăn nhưng đây cũng là biểu đồ phục hồi rất mạnh.

Riêng Việt Nam, năm 2020, có tốc độ tăng trưởng 2,9% được coi là một trong những “ngôi sao sáng” của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, năm 2021 thì “ngôi sao” đó bị rơi xuống, tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 2,58%, trong khi đó tốc độ tăng trưởng của thế giới là 5,9%.

Trong số các địa phương tại Việt Nam, TP.HCM là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, tốc độ tăng trưởng gần như rơi thẳng đứng, giảm đến 25%. Trong đó, riêng lĩnh vực công nghiệp đã giảm đến 50%.

Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn TP.HCM (GRDP) ước đạt xấp xỉ 1,299 triệu tỉ đồng, giảm 6,78% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, theo Cục Thống kê TP.HCM, tất cả các thành phần cấu thành GRDP của TP.HCM đều giảm, bao gồm khu vực nông lâm thủy sản giảm 13,68%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 12,96%, khu vực thương mại dịch vụ giảm 5,5%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,43%, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 14,3%...

Trong đó, IPP ghi nhận ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 14,7%, sản xuất và phân phối điện giảm 4,9%, cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 3,8%.

Thống kê cho thấy khu vực thương mại dịch vụ chiếm 63,4% GRDP của TP.HCM nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ đạt 822.592 tỉ đồng, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đổi lại, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước lại vượt 5,2% dự toán, tăng 3% so với cùng kỳ, tương ứng 383.703 tỉ đồng. Trong đó, thu nội địa 253.281 tỉ đồng, vượt 2% dự toán, giảm 0,9%. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 116.400 tỉ đồng, vượt 7,8% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ.

Năm 2020, ngành du lịch thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng vào năm 2021, theo báo cáo mới nhất, du lịch của thế giới tăng 31%, sự phục hồi này là khá mạnh mẽ.

Trong khi đó chúng ta lại bị lỡ nhịp bởi ảnh hưởng của đại dịch. Chương trình hồi phục phát triển kinh tế của Việt Nam có từ tháng 9/2020. Nhưng tiếc rằng chúng ta không quyết liệt, để nó kéo dài khoảng hơn 1 năm sau, chúng ta mới bắt đầu bằng chương trình phục hồi và cung cấp các gói hỗ trợ.

Từ tháng 8/2021, chúng ta có tốc độ tiêm vaccine cũng như độ bao phủ cao nhất thế giới. Tuy nhiên, khoảng thời gian trước đó thì chúng ta lại quá chậm, nó có nhiều lý do. Nếu cuối năm 2020 đầu năm 2021, chúng ta cơ bản chống dịch thành công thì kinh tế bắt đầu hồi phục.

Năm 2022, sẽ có một số yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc phục hồi kinh tế của Việt Nam, đó là tình hình COVID-19; sự phục hồi của kinh tế thế giới; cách thức hỗ trợ của chính phủ,…

Về tình hình dịch bệnh, không ai có thể đoán biết được tình hình sẽ diễn biến như thế nào nhưng có lẽ tình hình đang ngày càng tốt lên, chưa kể tốc độ tiêm vaccine ngày càng cao. Khả năng đáp ứng các loại vaccine mới, thuốc điều trị mới để ứng phó với các biến thể COVID-19 mới ngày càng nhanh và nhiều.

Hơn nữa, người dân cũng đã dần thích nghi và không còn sợ COVID-19, họ bắt đầu sống bình tĩnh hơn, chứ không còn hoảng loạn như lúc trước. Thế giới dần chấp nhận với việc sống chung an toàn với COVID-19.

Việt Nam cũng đã thống nhất sống chung an toàn với dịch, và rõ ràng là chúng ta đã nhìn thấy được sự ổn định và tăng trưởng của kinh tế dần phục hồi trở lại.

Điều này chưa tính đến dự báo của một số người rằng, đại dịch có thể kết thúc vào giữa tháng 6 hoặc tháng 7 năm 2023 và chúng ta cũng đang cố gắng khống chế dịch trong năm 2023.

Ngày 11/1, với 424/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo dự thảo Nghị quyết, tổng giá trị các chính sách trong chương trình là gần 350.000 tỷ đồng. Trong đó, các giải pháp tài khóa sẽ có tổng quy mô khoảng 291.000 tỷ đồng.

Gói hỗ trợ lần này dựa nhiều vào chích sách tài khóa hơn là tiền tệ. Tổng nguồn cung tiền tệ - tức là nguồn tiền thực tế đang lưu thông trên thị trường - trong 2021 chỉ chiếm khoảng 13-14% ngân sách, và số tiền hỗ trợ gần 4.000 tỷ đồng nằm trong số đó.

Như vậy, nếu vay số tiền hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước, nơi in tiền, thì áp lực lạm phát sẽ rất lớn. Nếu vay thông qua trái phiếu hoặc vay tiền của người dân – nơi nắm giữ những đồng tiền đang lưu thông - thì áp lực lạm phát nhỏ hơn rất nhiều.

Như vậy, về mặt kỹ thuật có rất nhiều cách để giảm áp lực lạm phát. Tuy nhiên, nhìn về kinh tế vĩ mô thì nên chấp nhận lạm phát 5 năm chứ không phải là 2 năm, chúng ta phải chấp nhận lạm phát cao hơn một chút, ngân sách cao hơn, nợ công cao hơn nhưng bù lại là kinh tế chúng ta phát triển tốt đẹp hơn.

Làm sao để cho nó phát triển đúng hướng và nhanh thì Quốc hội đang thảo luận, chẳng hạn như cơ chế nào để đẩy nhanh đấu thầu, chỉ định thầu, GDP, đầu tư công và kể cả những công trình trọng điểm, chỗ nào thì tỉnh làm chủ và chỗ nào thì Bộ Giao thông vận tải làm chủ, vấn đề xử lý đầu vào như thế nào. Hi vọng chương trình hỗ trợ này sẽ làm cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 5-6% trong năm 2022.

Từ những nhận định trên của Tiến sĩ Võ Thành Trí và nhiều chuyên gia kinh tế của các tổ chức quốc tế có thể thấy rằng, cùng với kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ đối mặt rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, việc Việt Nam bằng những nội lực, quyết sách của Chính phủ và sự liên kết quốc tế sâu rộng thì việc chúng ta phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 5% trong năm 2022 là điều hoàn toàn khả thi.

Nền kinh tế thế giới được dự báo giảm mặc dù tốc độ tăng trưởng mạnh. Các nước tại Bắc Mỹ, Đông Bắc Á có tốc độ phục hồi khá tốt.
Một tín hiệu rất tốt trong đại dịch này mà chúng ta cần phải nhìn nhận, đó là từ phát điểm của sản xuất kinh doanh doanh nghiệp trong đại dịch đã thúc đẩy đà phục hồi phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều điểm trừ trên đà phục hồi này... và điểm trừ đầu tiên là trong lĩnh vực du lịch. Chẳng hạn như, trong khi du lịch giới phát triển 31% thì Việt Nam vẫn tiếp tục rơi tự do. Việt Nam muốn quay lại với tăng trưởng thì nhanh nhất cũng phải đầu 2024.

Điểm trừ thứ hai là về lĩnh vực Logistics, hàng hóa đầu vào, xăng dầu, nói chung đó là các ngành nguyên liệu… Ngành logistics đã giảm 20% trong năm 2021 và dự báo trong năm 2022 cũng không khả quan hơn.

Điểm trừ thứ 3 là vấn đề rủi ro tài chính. Vì dụ như vụ Evergrande của Trung Quốc, đó là một cảnh báo cho các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều nước bắt đầu cảnh báo những tăng trưởng quá nóng về chứng khoán, bất động sản.

Rủi ro thứ 4 là nợ doanh nghiệp đang tăng rất nhanh, nhất là đối với những gói hỗ trợ khổng lồ của rất nhiều nước. Đây là một trong những rủi ro được quan tâm nhất.

- Nội dung: NGUYỄN MINH

- Thiết kế: THẾ PHAN

NGUYỄN MINH - THẾ PHAN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương