Tiếp tục mở rộng vụ án, giám định chất lượng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Bộ Công an chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư.

Ngày 24/11, Bộ Công an đã có báo cáo gửi Thủ tướng về kết quả điều tra vụ án xảy ra tại Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và một số đơn vị. Đây là tuyến đường có tổng chiều dài 139,2 km với kinh phí được phê duyệt là hơn 34.500 tỷ đồng và chia làm 2 giai đoạn.

Theo điều tra, khi thực hiện dự án, công ty chủ đầu từ VEC và nhà thầu thi công, tư vấn giám sát cùng các đơn vị liên quan đã không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật dẫn đến công trình không đảm bảo chất lương, bị hư hỏng trong quá trình vận hành khai thác. Cụ thể là xuất hiện tình trạng ổ gà, hằn lùn, rạn nứt, mặt đường ghồ ghề... 

Nhiều ổ gà xuất hiện trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hồi tháng 9-2019.
Nhiều ổ gà xuất hiện trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hồi tháng 9-2019.

Trước đó, theo kết quả trưng cầu từ Bộ GTVT, 7 gói thầu giai đoạn 1 đều không đảm bảo chất lượng nền, móng, gây hư hỏng công trình, đặc biệt khi trời nắng nóng kéo dài hay mưa nắng đột ngột kết hợp với tác động của tải trọng.

Không chỉ vậy, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã có sơ hở trong quá trình thi công. Cụ thể là đã điều chỉnh một số hạng mục, đề nghị thay đổi khối lượng đơn giá mà không có sự tham gia của đơn vị thiết kế kỹ thuật nhằm mục đích thanh toán chi phí phát sinh. Việc làm này tiềm ẩn nguy cơ có sự thông đồng, móc ngoặc hoặc làm thiệt hại tài sản Nhà nước.

Theo Bộ Công an, trong khi giám sát công trình, VEC đã ký hợp đồng với nhiều đơn vị ở nước ngoài nhưng thực tế thi công chỉ có có ít kỹ sư nước ngoài, chủ yếu là kỹ sư Việt Nam với kinh nghiệm và năng lực yếu kém.

Cơ quan điều tra cũng cho rằng, chủ đầu tư đã chọn nhiều nhà thầu nước ngoài có kinh nghiệm thi công nhưng khi triển khai lại cho phép hàng loạt nhà thầu phụ được thi công những hạng mục chính và chia nhỏ gói thầu. 

Bộ Công an cho biết, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bắt đầu sử dụng từ tháng 9/2018 nhưng có 58 đường gom, đường mượn của dân để thi công và đường mở rộng chưa được VEC và nhà thầu hoàn trả cho địa phương, ảnh hưởng đến việc lưu thông, buôn bán, trao đổi hàng hóa của người địa phương.

Nguyên nhân được Bộ Công an nhận định đó là do chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị liên quan đã buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát, đưa ra các quy định chưa rõ ràng... Hậu quả là phải sửa chữa và dự kiến khắc phục 291 vị trí hư hỏng trên toàn tuyến.

Cơ quan điều tra đã khởi tố 19 bị can ở VEC, BQL dự án và các nhà thầu thi công về tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 224 Bộ luật Hình sự. Hiện Bộ Công an đang chỉ đạo cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng vụ án, cùng các đơn vị liên quan giám định chất lượng công trình xây dựng đối với gói thầu thuộc giai đoạn 2 của dự án tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (dài 72,4 km từ TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đến tỉnh Quảng Ngãi), xử lý triệt để sai phạm của những người liên quan.

Tuyến đường thuộc giai đoạn 2 này được khai thác sử dụng từ năm 2018 nhưng cũng có rất nhiều vị trí bị hư hỏng.

Thanh Mai

Bộ trưởng Bộ GTVT: 'Sẽ tiến hành thu phí lại tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương'

Bộ trưởng Bộ GTVT: "Sẽ tiến hành thu phí lại tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương"

Sáng 10/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.