Tìm kiếm giải pháp hỗ trợ thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh

Thúc đẩy tài chính tiêu dùng là giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, góp phần hữu hiệu ngăn chặn tình trạng tín dụng đen.
Hội thảo
Hội thảo "Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen"

Hội thảo "Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen" do Hệ sinh thái Thông tin kinh tế VTVMoney, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số - Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức ngày 31/10 nhằm tìm giải pháp hỗ trợ thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, để cung cấp vốn cho các nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp.

Xúi giục nhau "bùng" nợ nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thua lỗ

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/7, dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2022, chiếm 21,31% dư nợ nền kinh tế.

Nếu so sánh với mức tăng 22% của cả năm 2022, thì con số 2,93% của 7 tháng đầu năm nay là quá khiêm tốn. Số liệu trên cho thấy thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển khi nhu cầu vay vốn tiêu dùng rất lớn.

Trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường tín dụng tiêu dùng đang gặp khủng hoảng khi liên tiếp đối mặt nhiều khó khăn do dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát khiến lãi suất tăng.

Đặc biệt, công nhân, người lao động, người thu nhập thấp vốn là phân khúc khách hàng chính của các công ty tài chính đã bị giảm thu nhập, giảm việc làm hoặc thất nghiệp... ảnh hưởng tới khả năng trả nợ sau khi vay vốn của khách hàng.

Chất lượng tài sản tại các công ty tài chính tiêu dùng sụt giảm, nợ xấu gia tăng cũng buộc các công ty này phải siết chặt điều kiện cho vay hơn, đẩy mức lãi suất cho vay tăng cao. Vì thế, những người có nhu cầu vay tiêu dùng chính đang càng khó tiếp cận các khoản vay chính thống, có thể phải tìm đến tín dụng đen để giải quyết các nhu cầu vốn sinh hoạt cấp thiết. 

Bên cạnh đó, tình trạng tín dụng đen "núp bóng" cho vay tiêu dùng, thậm chí mạo danh ngân hàng, công ty tài chính... khiến người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính được cấp phép chính thống, đâu là tín dụng đen. Cũng có hiện tượng một số khách hàng nhân lúc công ty tài chính bị kiểm tra để tẩy chay, chây ỳ trả nợ, thậm chí lan truyền xúi giục nhiều người khác cùng "bùng" nợ trên mạng xã hội, khiến thị trường vay tiêu dùng bị méo mó.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, đến 31/8, dư nợ cho vay phục vụ đời sống toàn hệ thống đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,35% so với 31/12/2022. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là gần 136.000 tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống).

Đáng nói, nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8-10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20%. Nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.

Đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen

Đề cập đến hoạt động tín dụng đen, thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng 6 Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, cho biết, nhiều hình thức cho vay tín dụng qua app với lãi suất lên đến hàng nghìn %. Có khoản vay tưởng chừng rất nhỏ nhưng khoản phí và lãi suất rất cao.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng 6 Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng 6 Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an

Theo Thiếu tá Sơn, các đối tượng đối phó bằng cách thay đổi phương thức thủ đoạn, cấu kết thành lập những công ty núp bóng nên người dân phải tiếp cận các app chính thống.

Việc khách hàng vay tín chấp bằng thông tin cá nhân là nguyên nhân chính dẫn đến lộ lọt thông tin. Khi dữ liệu thông tin cá nhân lộ ra, các đối tượng cho vay thông qua các công ty đòi nợ gọi điện quấy nhiễu bằng nhiều hình thức nhằm ép người vay phải trả nợ.

"Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động theo hình thức truyền thống, hoạt động công khai qua các tổ chức cho vay, núp bóng các cơ sở kinh doanh cầm đồ, các công ty luật thông qua mua bán lại các khoản nợ, thành lập các bộ phận liên tục gọi điện đe dọa", thiếu tá Sơn nói.

Đại diện Cục cảnh sát hình sự cho biết các đối tượng tín dụng đen sẽ gia tăng hoạt động ở nhiều địa bàn dịp cuối năm, kết hợp nhiều hình thức, len lỏi vào các thành phần người dân, thanh thiếu niên. Bộ Công an sẽ đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen, tuyên truyền phòng ngừa các hệ lụy trên các nền tảng mạng xã hội.

Ngoài ra, Cục Cảnh sát hình sự sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, xác thực thông tin người dùng, loại bỏ hình thức sim rác.

Các công ty tài chính cũng cần quan tâm hỗ trợ với người lao động, công nhân thu nhập thấp bằng các gói vay hấp dẫn, lãi suất thấp.

Hoàng Toàn

NHNN yêu cầu các ngân hàng kiểm soát cấp tín dụng cho các 'sân sau'

NHNN yêu cầu các ngân hàng kiểm soát cấp tín dụng cho các 'sân sau'

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có Công văn số 7688 gửi các tổ chức tín dụng về một số vấn đề liên quan đến hoạt động cấp tín dụng, công tác kiểm soát/kiểm toán nội bộ và hoạt động đại lý bảo hiểm.