Tổng thống Biden sẽ làm gì trong tuần lễ thứ 2 của nhiệm kỳ?

Tổng thống Joe Biden sẽ dành tuần thứ hai trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ để ký một loạt sắc lệnh hành pháp mới.

Tổng thống Biden sắp vượt người tiền nhiệm Donald Trump về số sắc lệnh hành pháp ban hành trong những tuần đầu tiên lên nắm quyền. Chỉ trong 3 ngày đầu tại vị, ông Joe Biden đã ký 30 sắc lệnh và hành động hành pháp, nhiều hơn tổng số sắc lệnh 18 cựu tổng thống đã ban hành và chỉ ít hơn 3 sắc lệnh ông Trump từng ban hành trong 100 ngày đầu nhiệm sở, theo VOV.

Theo Sputnik, Tổng thống Biden dự kiến sẽ tiếp tục ký thêm một loạt sắc lệnh hành pháp trong tuần thứ hai cầm quyền.

a1dbd6181e5bf705ae4a(1).jpg
Hơn 2/3 người Mỹ tán thành cách chống dịch Covid-19 của ông Biden. Ảnh: UPI

Một bản ghi nhớ do The Hill tiếp cận được cho thấy, các sắc lệnh sắp được ban hành trong tuần này của Tổng thống Biden dự kiến sẽ tập trung vào các vấn đề như nhập cư, y tế, khí hậu và một số vấn đề khác.

Thứ Hai (25/1)

Ngày 25/1, Tổng thống Biden sẽ ký một lệnh hành pháp chỉ đạo các cơ quan củng cố các yêu cầu để mua hàng hóa và dịch vụ từ các doanh nghiệp Mỹ.

Vào năm 2017, ông Trump đã ký sắc lệnh “Buy American, Hire American” (Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ). Sắc lệnh khiến một số đối tác thương mại của Mỹ lên tiếng phản ứng, đặc biệt là Canada, đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ.

Thứ Ba (26/1)

Vào ngày 26/1, ông Biden dự kiến sẽ ký loạt sắc lệnh hành pháp liên quan đến nhập cư, đảo ngược lệnh cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội, lệnh chống phân biệt đối xử đối với các thành viên của cộng đồng người Mỹ gốc Á và đảo Thái Bình Dương, chỉ đạo các cơ quan tăng cường quan tâm tới các bộ lạc người Mỹ bản địa, chỉ thị Bộ Tư pháp Mỹ từng bước xóa bỏ nhà tù tư nhân và sắc lệnh thành lập ủy ban cảnh sát và có khả năng thành lập một ủy ban trị an.

Thứ Tư (27/1)

Ông Biden dự kiến công bố kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo về khí hậu do Mỹ tổ chức vào Ngày Trái đất (22/4). Theo Sputnik, Tổng thống Biden sẽ ký một sắc lệnh hành pháp bắt đầu một loạt các hành động quy định nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong nước và nâng biến đổi khí hậu thành một ưu tiên an ninh quốc gia.

Đây được coi là một nỗ lực nữa nhằm đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump - người đã rút Mỹ khỏi Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu. Ngay trong ngày đầu tiên cầm quyền, ông Biden đã ký sắc lệnh hành pháp về việc Mỹ tái gia nhập Hiệp ước này.

z2296760803597_0a6008360d05a228ee2ffdba9b2eadca.jpg
Cựu tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP

Thứ Năm (28/1)

Ngày 28/1, ông Biden dự kiến ra quyết định hủy bỏ “chính sách thành phố Mexico”, chính sách cấm sử dụng tài trợ của Mỹ cho các tổ chức nước ngoài cung cấp hoặc quảng bá phá thai.

Ông Biden cũng dự kiến ​​sẽ ký sắc lệnh hành pháp nhằm tăng cường chương trình Medicaid (bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho người có thu nhập thấp) và bắt đầu giai đoạn ghi danh mở thực hiện Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (ACA), còn gọi là Obamacare.

Năm 2016, ông Trump đe dọa sẽ “bãi bỏ và thay thế” đạo luật này và đã dành nhiều thời gian trong nhiệm kỳ để làm suy yếu nó. Nỗ lực của đảng Cộng hòa nhằm bãi bỏ đạo luật đã thất bại sau khi một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống lại việc loại bỏ đạo luật này vào năm 2017.

Thứ Sáu (29/1)

Tổng thống Biden dự kiến sẽ ký một số sắc lệnh hành pháp liên quan đến nhập cư trong ngày 29/1. Ông Biden có khả năng sẽ ký một sắc lệnh nhằm hủy bỏ các chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump về tị nạn và cân nhắc biện pháp ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp từ Trung Mỹ. Ngoài ra, ông Biden dự kiến sẽ thành lập lực lượng đặc nhiệm để đoàn tụ các gia đình nhập cư bị ly tán theo các chính sách của chính quyền tiền nhiệm.

Tổng thống Biden đã khiến một số thành viên Cộng hòa "xa lánh" khi ký sắc lệnh đảo ngược một số chính sách gây tranh cãi nhất của Trump, như dừng xây tường biên giới với Mexico, thu hồi giấy phép đường ống dẫn dầu Keystone với Canada, tái tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và hủy bỏ lệnh cấm nhập cảnh từ các quốc gia theo đạo Hồi, theo VnExpress.

Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton hôm 22/1 đệ đơn kiện chống lại lệnh ngừng trục xuất người nhập cư trong 100 ngày được chính quyền Tổng thống Biden ban hành.

Tổng thống Biden cũng luôn tỏ ra thận trọng với các câu hỏi về luận tội ông Trump, khi nói rằng ông sẽ để các lãnh đạo Thượng viện tự quyết định thời gian và cơ chế cho quá trình này.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng thẳng thắn từ chối các câu hỏi liên quan tới quan điểm của Biden về việc luận tội Trump hay việc cựu tổng thống có nên bị cấm giữ các chức vụ liên bang trong tương lai. "Chúng tôi sẽ để quốc hội quyết định các bước luận tội", Psaki nói.

Thông qua hầu hết hành động khác của Biden những ngày qua, Tổng thống Mỹ đang cho thấy nỗ lực đưa Mỹ thoát khỏi thời kỳ Trump, cả về chính sách và tư tưởng. Biden nói với các nhân viên mới rằng nếu nghe thấy bất kỳ ai thiếu tôn trọng hay nói xấu đồng nghiệp, ông sẽ sa thải họ ngay lập tức. Biden cũng cố gắng tránh chỉ trích cựu tổng thống, như việc mô tả bức thư Trump để lại cho ông là "rộng lượng".

(Tổng hợp)

AN LY