Cách duy nhất để giải quyết xung đột
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, Israel có quyền tự vệ nhưng nước này đã đáp trả một cuộc tấn công tàn bạo chưa từng có tiền lệ bằng những phương pháp tàn bạo của chính mình. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng, chỉ có hình thức cùng tồn tại hòa bình với một nhà nước Palestine như đề xuất của Liên Hợp Quốc mới có thể giải quyết được xung đột về mặt dài hạn.
"Israel phải hứng chịu một cuộc tấn công ở mức độ tàn bạo chưa từng có tiền lệ, và nước này có quyền tự vệ để đảm bảo sự tồn tại hòa bình của mình", ông Putin phát biểu trước hội nghị các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) tại Kyrgyzstan.
Tổng thống Putin phát biểu trước hội nghị các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) tại Kyrgyzstan. Ảnh: TASS |
Chia sẻ với báo giới, ông Putin cho biết, Nga hiểu được "trình tự logic của những sự kiện" ở Trung Đông, khi mà Israel phong tỏa và không kích Dải Gaza để đáp trả cuộc tấn công hồi cuối tuần qua từ phía Hamas khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: "Israel đang đáp trả trên một quy mô lớn và bằng những hình thức khá tàn bạo".
Ông Putin cho rằng một cuộc tấn công trên bộ sẽ dẫn tới "hậu quả nghiêm trọng cho tất cả các bên".
"Và quan trọng nhất là thương vong ở dân thường sẽ ở mức không thể chấp nhận nổi. Hiện giờ việc chính là phải chấm dứt ngay tình trạng đổ máu", Tổng thống Nga nói.
Trong bối cảnh này, Tổng thống Nga một lần nữa bày tỏ lo ngại của Moscow về tình trạng bạo lực leo thang ở Trung Đông và nhấn mạnh con số hàng nghìn dân thường thương vong từ cả hai phía.
"Theo quan điểm của tôi, tình hình này không thể chấp nhận nổi", ông Putin nói, "Hơn 2 triệu người sống ở đó. Không phải ai cũng ủng hộ Hamas. Nhưng tất cả đều chịu ảnh hưởng, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em".
Ông Putin đã lên tiếng kêu gọi giải quyết khủng hoảng bằng phương án đàm phán và khẳng định Nga có thể giúp đỡ bởi Nga duy trì quan hệ với cả hai phía: "Nga có thể làm việc này bởi chúng tô có quan hệ tốt với Israel trong suốt hơn 15 năm qua. Và [Nga có] quan hệ truyền thống với Palestine".
"Cách duy nhất để làm việc này là dựa trên thỏa thuận giữa các bên", ông Putin nói.
Moscow đã đưa ra một dự thảo nghị quyết, đề xuất Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi thiết lập ngừng bắn ngay lập tức ở Trung Đông, Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya cho biết. Theo tài liệu này, Moscow cho rằng chỉ có thể đảm bảo một giải pháp dài hạn cho xung đột thông qua những phương án hòa bình.
Di tản 1,1 triệu người trong 24 giờ?
Phát ngôn được ông Putin đưa ra sau khi Israel yêu cầu 1,1 triệu dân sống ở phía Bắc Gaza di tản về phía Nam trong vòng 24 giờ đồng hồ. Yêu cầu này đã vấp phải sự phản đối của Liên Hợp Quốc và nhiều tổ chức nhân đạo.
"Sau một vài ngày không kích, Lực lượng Phòng vệ Israel đã yêu cầu người Palestine ở Gaza và khu vực lân cận di chuyển về phía Nam của vùng lãnh thổ này", Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói.
"Di chuyển hơn 1 triệu người qua khu vực chiến sự đông đúc tới một nơi không có thực phẩm, nước uống, nhà ở trong khi toàn bộ vùng lãnh thổ đều bị phong tỏa là cực kỳ nguy hiểm - và trong một số trường hợp còn là bất khả thi".
Người dân Gaza di tản về phía Nam. Ảnh: Reuters |
Hiện nay, giới chức Jordan và Ai Cập đang gây sức ép lên chính phủ Israel để mở ra các hành lang viện trợ an toàn vào Dải Gaza thông qua lối Rafah nối Gaza với Ai Cập, một quan chức Jordan tiết lộ với CNN. Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nói với CNN rằng Mỹ đang gây áp lực cho Ai Cập và Israel để công dân Mỹ và người nước ngoài mắc kẹt ở Gaza có thể di tản.
Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng tấn công nhằm vào dân thường vô tội và cản trở các nhu yếu phẩm là những hành động bị luật pháp quốc tế ngăn cấm.
Tuy nhiên, Israel vẫn giữ vững lập trường.
Người phát ngôn IDF, Trung tá Jonathan Conricus, nói với CNN rằng: "Chúng tôi đang ở trong cuộc chiến với Hamas và chúng tôi sẽ không cho phép bất cứ thứ gì lọt vào Dải Gaza, để rồi hỗ trợ năng lực chiến đấu cho Hamas. Nếu việc này phải trả giá bằng sự bất tiện của người dân thì cũng đành chịu".
Tình hình tại Trung Đông đã leo thang chóng mặt sau cuộc tấn công của các phiến quân Hamas từ Dải Gaza nhằm vào Israrel hôm 7/10. Hamas tuyên bố, cuộc tấn công là nhằm đáp trả cho hành động của Israel đối với nhà thờ Al-Aqsa. Israel sau đó đã tuyên bố phong tỏa Dải Gaza và bắt đầu các cuộc tấn công nhằm vào khu vực này. Giao tranh cũng đang diễn ra ở Bờ Tây.
‘Chiến trường 360 độ’: Viễn cảnh nghiệt ngã khi Israel tấn công Gaza bằng đường bộ
Chuyên gia Alexander Grinberg nhận định: "Các cuộc tấn công trước hết sẽ nhắm vào các trung tâm chỉ huy và chiến binh của Hamas, với hỏa lực từ khắp mọi nơi."