TP.HCM: Phát hiện 8 cơ sở kinh doanh thuốc giả, xử phạt hơn 7 tỷ đồng

TP.HCM siết chặt quản lý thuốc, thiết bị y tế; phát hiện 8 cơ sở kinh doanh thuốc giả, xử phạt hơn 7 tỷ đồng trong năm 2024.

Tính từ đầu năm đến nay, Sở Y tế TP.HCM đã kiểm tra 174 cơ sở bán buôn, 344 cơ sở bán lẻ thuốc và 40 cơ sở kinh doanh dược liệu. Qua đó, cơ quan chức năng đã ban hành 151 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử lý tổng cộng 147 cơ sở với tổng số tiền phạt lên đến hơn 7 tỷ đồng.

Các lỗi vi phạm phổ biến bao gồm: kinh doanh thuốc không đúng phạm vi được cấp phép, mua bán thuốc từ các cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh dược, lưu hành thuốc không rõ nguồn gốc, không xuất trình được hóa đơn chứng từ, không theo dõi hoạt động mua bán thuốc đúng quy định, đặc biệt là với các loại thuốc thuộc nhóm kiểm soát đặc biệt. Riêng với dược liệu và vị thuốc cổ truyền, nhiều cơ sở không đảm bảo được chất lượng và khả năng truy xuất nguồn gốc.

TP.HCM phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thuốc giả.
TP.HCM phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thuốc giả.

Trong quá trình thanh kiểm tra, Sở Y tế TP.HCM đã phát hiện 8 cơ sở có hành vi kinh doanh thuốc giả. Đáng chú ý, một cơ sở khác cũng bị phát hiện qua phản ánh từ người dân. Sau khi xác minh, Thanh tra Sở Y tế đã lập hồ sơ chuyển vụ việc cho Công an TP.HCM để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Cùng thời điểm, Phòng Y tế các quận, huyện và TP Thủ Đức đã kiểm tra 6.750 cơ sở bán lẻ thuốc. Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm TP.HCM cũng lấy mẫu 413 loại thuốc từ 149 cơ sở để kiểm tra chất lượng. Kết quả cho thấy có tới 15 mẫu không đạt tiêu chuẩn.

Trước tình hình buôn bán thuốc, thực phẩm chức năng, sữa và thiết bị y tế giả diễn biến ngày càng phức tạp, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và UBND TP.

Trong tháng 5/2025, Sở đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện đợt cao điểm kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dược trên toàn địa bàn. Đối tượng kiểm tra trọng điểm là các cơ sở kinh doanh thuốc y học cổ truyền, dược liệu, thực phẩm chức năng và những điểm tập trung nhiều nhà thuốc.

Đồng thời, Sở cũng yêu cầu các bệnh viện, nhà thuốc, phòng khám, Trung tâm Kiểm nghiệm và các phòng y tế địa phương siết chặt hoạt động giám sát chất lượng thuốc đang lưu hành trên thị trường.

Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh, trong cuộc chiến chống hàng gian, hàng giả, sự tham gia của người dân đóng vai trò then chốt. Cơ quan y tế khuyến cáo người dân nên mua thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở được cấp phép, tránh mua hàng trôi nổi, đặc biệt là hàng quảng cáo trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, khi phát hiện các hành vi nghi vấn liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc giả, người dân cần kịp thời báo cho cơ quan chức năng để phối hợp xử lý, ngăn chặn nguy cơ gây hại cho sức khỏe cộng đồng.

PV

Cô gái cao gần 1m6, nặng chỉ 42 kg nhưng vẫn nghĩ mình 'quá béo', điên cuồng dùng thuốc giảm cân để rồi hối hận không kịp

Cô gái cao gần 1m6, nặng chỉ 42 kg nhưng vẫn nghĩ mình "quá béo", điên cuồng dùng thuốc giảm cân để rồi hối hận không kịp

Hiện nay, có ngày càng nhiều phương pháp giảm cân được lan truyền. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận sẽ rất dễ ảnh hưởng tới sức khoẻ.

Đọc nhiều nhất