Cụ thể, 13.050 đơn vị sản phẩm nhãn hiệu Obagi bị Đội QLTT số 2 phối hợp Phòng Nghiệp vụ 2 - Cục Nghiệp vụ QLTT - Tổng cục QLTT và Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phát hiện, khi tiến hành kiểm tra Điểm chứa hàng và kinh doanh của ông H.Đ.Q. Phong, tại phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM ngày 27/8/2022.
Còn số thuốc tây (119.650 đơn vị sản phẩm là thuốc phòng bệnh cho người) không rõ nguồn gốc bị Đội QLTT số 2 phối hợp Cục Ngoại tuyến - Bộ Công an và Phòng Cảnh sát Kinh Tế - Công an TP.HCM phát hiện ngày 24/9/2022, khi kiểm tra điểm chứa hàng của Ông B.V. Phong, tại Phường 15, Quận 10, TP.HCM. Chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Sau thời gian hoàn tất điều tra, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 - Cục QLTT TP.HCM phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tiến hành tiêu hủy hai lô hàng hóa, tổng trị giá trên 18 tỷ đồng là mỹ phẩm nhập lậu và thuốc phòng bệnh cho người các loại, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Lô hàng được tiêu hủy bằng hình thức cán hủy bằng xe có tải trọng lớn và ép thành khối bằng hệ thống ép rác container đối với hàng hóa là mỹ phẩm nhập lậu và đốt lò đối với lô hàng hóa là thuốc tây chữa bệnh không rõ nguồn gốc. Việc tiêu hủy được thực hiện tại Công ty TNHH MTV Môi trường Cửu Long, dưới sự chứng kiến của đối tượng vi phạm và đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Đội 7 phòng Cảnh sát Kinh tế TP.HCM và đội QLTT số 2, Cục Quản lý thị trường TP.HCM.
Ngoài việc bắt buộc tiêu hủy, ông H.Đ.Q Phong còn bị Ủy ban nhân dân TP.HCM xử phạt vi phạm hành chính 98,25 triệu đồng. Tương tự, ông B.V. Phong cũng bị xử phạt 97,5 triệu đồng.
Tổng Cục QLTT nhận định, cuối năm tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa tại TP.HCM diễn biến phức tạp, lực lượng QLTT đẩy mạnh công tác kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, bảo đảm chất lượng hàng hóa cho người dân.