Vài năm trở lại đây, theo thu nhập tăng dần của người tiêu dùng, thị trường hoa quả nhập ngoại trở nên sôi động hơn nhờ rất nhiều loại quả ngon, độc lạ với giá “khủng”, thu hút sự chú ý của các bà nội trợ Việt.
Đắt xắt ra miếng
Ngay khi vừa xuất hiện, loại đào Momo (Nhật Bản) đã gây xôn xao thị trường trái cây nhập khẩu Việt Nam, thu hút sự tò mò của nhiều chị em vì có giá lên đến gần 1 triệu đồng/cặp khoảng 500 gram.
Loại đào tiên Nhật này có kích thước trái to, có 2 loại vỏ là màu vàng và hồng, nhìn bên ngoài cũng không khác gì đào tiên Trung Quốc nhưng khi ăn thịt giòn ngọt có mùi thơm thanh mát. Theo chủ một cửa hàng trái cây nhập khẩu, ngoài những khoáng chất như canxi, phốt pho, sắt và nhiều loại vitamin, loại quả này cung cấp một lượng lớn protein "sạch" cho cơ thể và tốt cho hệ tiêu hóa.
Đào tiên Nhật giá tiền triệu đang gây sốt thị trường. |
Không chỉ có đào tiên Nhật có giá trên hàng triệu, thị trường hoa quả nhập ngoại cũng có nhiều loại quả “xa xỉ” như nho mẫu đơn Nhật Bản có giá gần 5 triệu đồng/kg.
“Vì đang là đầu mùa, nho sẽ có chất lượng cao nhất, cửa hàng tôi bây giờ cũng chỉ nhập khẩu nho loại 1 để bán nên giá là 2.450.000 đồng/chùm khoảng 500 gram”, chị Giang – nhân viên một cửa hàng trái cây nhập khẩu cho biết.
Đặc biệt, loại táo mật có xuất xứ từ xứ sở Mặt trời mọc có giá cả triệu đồng/kg được các bà nội trợ lựa chọn bởi sự đặc biệt với phần mật ngọt ở giữa lõi táo có lượng đường lên tới 14/16 độ, mùi thơm nồng nàn đặc trưng. Loại táo mật này còn được trồng hoàn toàn theo phương pháp organic.
Theo nhận xét của nhiều chị em thì táo giòn, ngọt và thơm, nhiều lúc ăn tưởng như có một lớp mật ong dày bên trong, thanh mát, lượng mật chiếm đến 70% lượng thịt của quả táo.
Ngoài ra, thị trường hoa quả nhập khẩu Việt Nam còn có nhiều loại quả độc lạ giá khá "chát" như vú sữa vàng Đài Loan (hay còn gọi là vú sữa Hoàng Kim) có giá 700.000 đồng/kg. Mỗi trái vú sữa tầm khoảng 500 gram, giá 350.000 đồng/quả; sầu riêng Musang King 1,3-1,5 triệu đồng/kg; dâu anh đào 3,2 triệu đồng/kg…
Tiền nào của đó?
Nhiều người vẫn cho rằng trái cây sạch nhập khẩu thì giá bao giờ cũng cao nên sẵn sàng bỏ ra tiền trăm, tiền triệu để mua về ăn. Tuy nhiên, trước ma trận các loại trái cây nhập ngoại với các mức giá khác nhau như hiện nay, nhiều người tiêu dùng phải lựa chọn theo cảm giác. Liệu tiền nhiều có đi kèm với chất lượng?
Tưởng mua được đào dẹt Tây Ban Nha giá rẻ, không ngờ mua thành đào Trung Quốc. |
Khoảng mấy năm trở lại đây, đào dẹt Tây Ban Nha được rao bán khá nhiều tại thị trường Việt Nam với giá dao động từ 500.000 - 600.000 đồng/kg/12 quả. Tính trung bình một quả đào trọng lượng 100gr, có giá vào khoảng 50.000 đồng... Loại đào này có ruột vàng, hạt nhỏ và có vị giòn ngọt rất đặc trưng, vì hình dáng dẹt nên còn được gọi là đào bánh rán.
Trên chợ mạng, đào bánh rán Tây Ban Nha được rao bán với giá 70.000 - 100.000 đồng/kg tuỳ loại, còn mua thùng 2,3-2,5kg giá chỉ 210.000 đồng/thùng. Giá rẻ nên nhiều chị em mua cả thùng về ăn dần.
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Văn Long, một đầu mối chuyên bỏ sỉ đào bánh rán ở Lào Cai - tiết lộ, thực chất đây là giống đào Tây Ban Nha được trồng ở Trung Quốc. Giá tùy thuộc vào mùa vụ và nguồn hàng. Có hôm, giá anh bỏ sỉ là 60.000 đồng/kg loại đóng thùng xốp trọng lượng 2,5kg, còn đào dẹt đóng sọt giá 40.000 đồng/kg. Vì là giống đào Tây Ban Nha trồng ở Trung Quốc nên mọi người đăng bán thường gọi là đào Tây Ban Nha.
Thực tế, tại thị trường Việt Nam, đào Trung Quốc được bày bán tràn ngập. Trên nhiều con đường, khu chợ bày bán loại đào giống hệt đào Nhật Bản quả to 2-3 quả/kg vỏ hồng thơm ngọt, được quảng cáo là đào Sapa, với giá 55.000-90.000 đồng/kg.
Thương lái khẳng định đây là giống đào của Lào Cai. Để tăng độ tin tưởng cho khách, người này cam kết nếu phát hiện phun thuốc sẽ hoàn tiền 100%.
Nho mẫu đơn Nhật được các chị em rất ưa chuộng. |
Tuy nhiên, trái ngược với những lời quảng cáo trên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai khẳng định, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Lào Cai chưa trồng được loại đào này. Lào Cai cũng đã thử nghiệm trồng nhưng với diện tích rất ít ỏi, quả cũng không to, đẹp mã như hàng của Trung Quốc.
Ông Tuấn cũng đưa ra nhận định, không phải cứ hoa quả Trung Quốc là không đảm bảo. Ông đã từng sang đó tham quan vườn, học hỏi kỹ thuật canh tác của họ thì thấy họ rất hiện đại, đầu tư, chất lượng hoa quả cũng rất tốt. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp trái cây khi về Việt Nam lại bị chính thương lái của mình bỏ chất kích thích để bảo quản được lâu.
Một chủ cửa hàng trái cây nhập khẩu cho biết, cửa hàng của chị hiện bán gần 30 loại, được nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia, Tây Ban Nha,… giá thấp nhất là 250.000 đồng/kg và cao nhất là 3 triệu đồng/kg.
Tâm lý người tiêu dùng Việt cứ giá thành cao được mặc định là trái cây xịn. Bà Hoàng Liên, đại diện nhà nhập khẩu AllFresh, chỉ ra nghịch lý rằng, trái cây nhập ngoại càng đắt càng được ưa thích hơn, nhất là các khách hàng người Việt. Cùng một loại nho, cùng xuất xứ, nhưng nếu giá bán thấp hơn thị trường có thể sẽ bị nghi ngờ là hàng kém chất lượng, hàng giả.
Vú sữa Hoàng Kim màu vàng bắt mắt, giá cao nhưng vẫn hút khách. |
Tuy nhiên, giá cả mắc hay rẻ cũng chưa chắc quyết định được chất lượng hoa quả. Quan trọng là người mua có cảm giác tin tưởng ở cửa hàng nào sẽ mua ở cửa hàng đó. Giá đắt chưa chắc đã an toàn, sợ nhất là mua phải hàng đội lốt nhập khẩu giá rẻ chủ yếu nhập từ Trung Quốc có ngâm tẩm hóa chất.
Người mua hàng cần phải tỉnh táo, tìm hiểu kỹ xuất xứ, nguồn gốc của mặt hàng. Ngoài ra, nên chọn các cơ sở uy tín, có chứng nhận của các cơ quan chức năng. Trái cây nhập khẩu chính ngạch cần đầy đủ giấy tờ như giấy chứng nhận chất lượng, tờ khai hải quan khi xuất, nhập khẩu. Người tiêu dùng có quyền yêu cầu chủ cửa hàng xuất trình các giấy tờ trên để đảm bảo nguồn gốc sản phẩm trước khi chọn mua.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội khẳng định, rất nhiều loại quả nhập ngoại đang bị loạn giá, thậm chí giá chênh nhau cả trăm ngàn đồng. Để biết các cửa hàng bán trái cây nhập khẩu có chênh giá bán với nhau hay không cần phải đưa giấy tờ, hóa đơn nhập khẩu ra so sánh.
Một số cửa hàng còn lợi dụng tâm lý thích hàng ngoại, độc, lạ của người tiêu dùng để đẩy giá lên cao nhằm kiếm lời. Vì vậy, để tránh bị hớ khi mua trái cây nhập khẩu, người tiêu dùng nên so sánh giá cả, chất lượng trước khi trả tiền.
Thêm vụ phát hiện kim nhọn trong trái cây
Úc từng xảy ra vụ việc phát hiện kim khâu liên quan đến dâu tây, chuối, táo, lê và nay lại đến nho.