Nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường không khí, sáng 29/11, Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (IRECO) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo khoa học: “Trao đổi về thực trạng thực thi chính sách bảo vệ môi trường không khí tại Việt Nam và đề xuất giải pháp bổ sung, hoàn thiện chính sách”.
Hội thảo là hoạt động nằm trong khuôn khổ đề tài Tư vấn phản biện và Giám định xã hội năm 2024: “Thực trạng chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường không khí của Việt Nam”, thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan, ban, ngành, viện nghiên cứu trên cả nước.
Toàn cảnh Hội thảo |
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Đề tài “Thực trạng chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường không khí của Việt Nam” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng quản lý, chủ trì, thực hiện đề tài.
Chỉ triển khai trong 4 tháng với kinh phí 290 triệu đồng, đề tài đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: tổ chức 2 hội thảo khoa học, hoàn thành 9 chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu về ô nhiễm không khí và chính sách bảo vệ môi trường không khí. Đề tài cũng đã hoàn thành điều tra khảo sát tại 8 quận huyện và 8 phường xã tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thu thập số liệu quan trọng về thực trạng ô nhiễm. Đồng thời, đề tài đã điều tra khảo sát thực tế tại Bãi rác của TP. Hà Nội tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn và tham quan Nhà máy đốt rác thải phát điện của Công ty Thiên Ý tại xã Nam Sơn, điều tra khảo sát thực tế tại 02 làng nghề: Làng nghề đúc Lư đồng tại quận Gò Vấp và Làng nghề làm Hương Lê Minh Xuân tại huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh...
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, Chủ nhiệm đề tài phát biểu khai mạc Hội thảo |
Đặc biệt, đề tài đã biên soạn Văn bản kiến nghị đề xuất giải pháp về hệ thống tổ chức, cán bộ quản lý chất lượng không khí tại các cấp; Các biện pháp tăng cường kinh phí nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí; Các biện pháp nâng cao nhận thức và sự tham gia cộng đồng; Chính sách quản lý môi trường không khí ở Việt Nam gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường và một số cơ sở phát thải khí thải lớn.
Hiện nay, đề tài đang chuẩn bị các thủ tục để tiến hành đánh giá, nghiệm thu và dự kiến sẽ công bố kết quả nghiên cứu trên một tạp chí khoa học uy tín trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hải đã báo cáo đánh giá tổng quan về nguồn thải chính gây ô nhiễm không khí ở Việt Nam. Báo cáo nhấn mạnh tốc độ gia tăng ô nhiễm không khí tại Việt Nam có liên quan tới sự phát triển công nghiệp và đô thị hóa.
Báo cáo phân tích các nguồn gây ô nhiễm, bao gồm cả nguồn tự nhiên như cháy rừng, núi lửa và nguồn nhân tạo như hoạt động sinh hoạt, giao thông, công nghiệp và nông nghiệp. Các chất gây ô nhiễm chính được đề cập đến bao gồm CO, CO2, SO2, NOx, bụi mịn PM2.5 và các hợp chất hữu cơ khác. Báo cáo cũng nêu bật tác hại của các chất này đối với sức khỏe con người, hệ sinh thái và môi trường.
Đồng thời, báo cáo đưa ra các chỉ số đánh giá mức độ ô nhiễm không khí như PSI và AQI, và nhấn mạnh sự cần thiết phải có biện pháp bảo vệ môi trường không khí hiệu quả.
TS. Nguyễn Văn Hải báo cáo đánh giá tổng quan về nguồn thải chính gây ô nhiễm không khí ở Việt Nam và chia sẻ một số kiến nghị bổ sung hoàn thiện Hệ thống chính sách pháp luật bảo vệ môi trường không khí của Việt Nam. |
Chia sẻ về kết quả điều tra khảo sát về ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Văn Liêm cho biết: Nhóm nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát thực địa tại 8 quận/huyện ở mỗi thành phố, bao gồm cả khu vực nội thành và ngoại thành. Thông qua phiếu điều tra với 30 chỉ tiêu, nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ cán bộ, người dân và cộng đồng để hiểu rõ hơn về nhận thức và thực trạng tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường không khí. Kết quả cho thấy, mặc dù đã có những nỗ lực trong việc quản lý ô nhiễm không khí, nhưng vẫn còn tồn tại những bất cập trong nhận thức và thực thi pháp luật. Nghiên cứu cũng chỉ ra sự cần thiết phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường không khí để giải quyết vấn đề ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng tại hai thành phố lớn này.
Báo cáo phân tích thực trạng chính sách pháp luật bảo vệ môi trường không khí của Việt Nam, TS. Nguyễn Văn Liêm cho biết: hệ thống pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường không khí tuy đã có những thành tựu nhất định nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Cụ thể, báo cáo chỉ ra rằng các quy định về kiểm soát chất lượng không khí còn thiếu đồng bộ và chưa mang tính hệ thống. Bên cạnh đó, việc thiếu khái niệm rõ ràng về kiểm soát ô nhiễm và sức chịu tải của môi trường không khí cũng là một vấn đề đáng quan ngại.
TS. Nguyễn Văn Liêm chia sẻ về kết quả điều tra khảo sát về ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, và phân tích thực trạng chính sách pháp luật bảo vệ môi trường không khí của Việt Nam |
Để giải quyết những vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Liêm đề xuất một số kiến nghị, bao gồm việc xây dựng Luật Không khí sạch, bổ sung và hoàn thiện các quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí, cũng như tăng cường chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm. Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý ô nhiễm môi trường không khí.
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hải cũng chia sẻ một số kiến nghị bổ sung hoàn thiện Hệ thống chính sách pháp luật bảo vệ môi trường không khí của Việt Nam. Ô nhiễm bụi được xác định là vấn đề nghiêm trọng nhất, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Báo cáo cũng phân tích hệ thống chính sách quản lý môi trường không khí hiện nay, bao gồm các ưu điểm và hạn chế.
Từ đó, báo cáo đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, bao gồm: rà soát, bổ sung các chính sách, kế hoạch về quản lý ô nhiễm không khí; sửa đổi quy định về thời hạn Giấy phép môi trường; bổ sung, hoàn thiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường không khí; nâng mức xử phạt hành chính và hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; xây dựng chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng sạch và công nghệ thân thiện với môi trường.
Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường giám sát, cảnh báo, giảm thiểu và xử lý ô nhiễm không khí, đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể như tăng mật độ cây xanh, kiểm soát chặt chẽ việc vệ sinh phương tiện giao thông, đẩy mạnh tuyên truyền về chất lượng môi trường không khí và thu hút sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường không khí.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ các chuyên gia, nhà khoa học.
GS.TS Đặng Kim Chi tham gia phát biểu, thảo luận tại Hội thảo |
GS.TS Đặng Kim Chi đã đặt ra một số câu hỏi quan trọng về kết quả điều tra khảo sát chất lượng không khí tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cũng như việc thực thi chính sách bảo vệ môi trường không khí tại các địa phương này. Bà nhấn mạnh sự cần thiết phải cập nhật số liệu và các biện pháp, giải pháp, chính sách mới nhất để đánh giá tính khả thi và hiệu quả.
GS.TS Đặng Kim Chi cũng đề xuất quan điểm giảm thiểu ô nhiễm không khí tại nguồn phát sinh, đồng thời khuyến khích ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến để xử lý khí thải.
TS. Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu tại Hội thảo |
TS. Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) bày tỏ sự đồng tình với những quan điểm của GS. Đặng Kim Chi. Ông nhận định, mặc dù Việt Nam đã có luật, nghị định, thông tư về bảo vệ môi trường không khí, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn nghiêm trọng, cho thấy sự cần thiết phải có chính sách bảo vệ môi trường rõ ràng và hiệu quả.
Theo kinh nghiệm của nhiều nước, TS. Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức cộng đồng và công khai thông tin môi trường. Ông cũng chỉ ra rằng hệ thống pháp luật hiện hành còn thiếu hướng dẫn cụ thể, dẫn đến nhiều bất cập trong thực tiễn.
Đề cập đến vấn đề kiểm soát nguồn thải, TS. Tùng cho rằng cần khắc phục tình trạng quá tập trung vào tiền kiểm mà chưa chú trọng hậu kiểm, đồng thời cần tăng cường giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.
TS Đỗ Thanh Bái, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và an toàn hóa chất |
TS Đỗ Thanh Bái đánh giá cao những kết quả nghiên cứu mà đề tài đạt được, đặc biệt là trong điều kiện ngân sách hạn chế. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra rằng chính sách về bảo vệ môi trường không khí hiện nay còn nhiều bất cập.
Theo TS Đỗ Thanh Bái, cần xác định rõ vấn đề ưu tiên hàng đầu trong quản lý chất lượng không khí tại Hà Nội và TP. HCM. Ông cho rằng cần tập trung vào nguồn phát thải từ giao thông, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong ô nhiễm không khí đô thị.
Các ý kiến góp ý khác tập trung vào việc lượng hóa và quản lý các nguồn gây ô nhiễm giữa các ngành, các cấp; nâng cao năng lực của hệ thống quan trắc để giám sát chất lượng không khí hiệu quả; nâng cao nhận thức của cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp; sự cần thiết của kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tuần hoàn và việc bám sát thực tiễn trong thực thi chính sách bảo vệ môi trường không khí...
PGS.TS Trần Thúy Hạnh, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phát biểu tại Hội thảo |
PGS.TS Nguyễn Đức Lượng, Đại học Xây dựng Hà Nội đề xuất cần kiểm kê, số hóa, lượng hóa nhằm quản lý các nguồn gây ô nhiễm hiệu quả |
PGS.TS Nguyễn Ngọc Tuệ, Đại học Bách Khoa nhấn mạnh cần nâng cao nhận thức cộng đồng về ô nhiễm không khí |
GS.TS Trịnh Thị Mỹ Dung, Viện Khoa học phát triển nông nghiệp nông thôn phát kiến nghị đề tài cần bám sát từ khóa "thực thi chính sách". Việc tổ chức thực hiện như thế nào, điều kiện thực thi chính sách (con người, trình độ quản lý...) ra sao? |
Hội thảo đã thành công tốt đẹp với nhiều ý kiến đóng góp quý báu, làm rõ thêm thực trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam, những bất cập trong chính sách hiện hành và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, hướng tới một bầu không khí trong lành cho người dân Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm |
Chuyên gia đa ngành thảo luận: Thực trạng chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường không khí của Việt Nam
Hội thảo là một diễn đàn khoa học quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí tại Việt Nam.