Luôn xuất sắc
Nguyễn Thị Ánh Dương, Tiến sỹ trẻ tuổi (sinh năm 1983) được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản TP.HCM và Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng Quả Cầu Vàng 2017, có niềm đam mê vô hạn với khoa học, bắt đầu từ khi còn nhỏ, cô bé tóc đuôi gà đã ước mơ đến một ngày khoác trên mình chiếc áo bluose trắng, vì ước mơ đó, cô đã không ngừng nỗ lực trong suốt những năm tháng đi học trên ghế nhà trường. Kết quả cũng thật ấn tượng, từ lớp... mẫu giáo cho đến đại học, Ánh Dương luôn là người đứng đầu lớp. Tốt nghiệp cấp 3 loại Xuất sắc, vinh dự được nhận phần thưởng Học sinh giỏi Thủ đô Hà Nội. Bốn năm liên tục được học bổng của Trường ĐH KHTN dành cho sinh viên đạt kết quả cao trong học tập. Tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Tài nguyên Môi trường Khoa sinh học và được vinh danh tại Trường Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM.
TS Nguyễn Thị Ánh Dương giải thường Quả cầu vàng 2017 |
Không lâu sau khi rời ghế nhà trường, Ánh Dương lại xuất sắc giành được suất học bổng duy nhất dành cho chuyên ngành Tuyến trùng học của học bổng Erasmus Mudus do Liên minh châu Âu tài trợ 48.000 Euro cho 2 năm học tại 4 trường đại học khác nhau trong khối liên minh chung châu Âu. Sau 2 năm học tại Bỉ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, CHLB Đức, đề tài khóa luận “Nghiên cứu cấu trúc quần xã Tuyến trùng học (Bộ Dorylaimida) tại Vườn quốc gia Cúc Phương, Việt Nam” đạt loại xuất sắc lại khiến cô được vinh danh tại Trường Đại học Tổng hợp Ghent, Vương quốc Bỉ.
Và sau đó là học bổng toàn phần của chính phủ Đức (DAAD) trao cho sinh viên Việt Nam xuất sắc nghiên cứu đề tài hợp tác song phương Việt - Đức trong thời gian 3 năm 6 tháng tại CH Liên bang Đức (5 suất học bổng được trao/120 hồ sơ nộp). Giành giải thưởng sinh viên có công trình nghiên cứu xuất sắc được trình bày tại hội thảo Tuyến trùng học của liên minh châu Âu lần thứ 32 tổ chức tại Braga, Bồ Đào Nha. Giành giải thưởng sinh viên có công trình nghiên cứu xuất sắc được trình bày tại hội thảo quốc tế về: “Đa dạng sinh vật sống trong đất – tương lai của thế giới” tổ chức tại Nara, Nhật Bản.
Kết thúc 4 năm du học, Ánh Dương hoàn thành đề tài khóa luận Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Sinh học tại Bộ môn sinh thái học trên cạn, Khoa Toán – Tự nhiên, Viện Động vật học; Trường Đại học tổng hợp Cologne, Cộng hòa Liên bang Đức: “Nghiên cứu cấu trúc và sinh thái học của quần xã tuyến trùng tại khu vực miền bắc Việt Nam. Ảnh hưởng của các kiểu sử dụng đất đến cấu trúc quần xã tuyến trùng” với số điểm tuyệt đối (Oral: 0/5).
“Khắc tinh” của các loài sinh vật có hại
Là nghiên cứu viên Phòng Tuyến trùng học, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trong khoảng thời gian từ năm 2006-2008 TS Nguyễn Thị Ánh Dương đã tham gia đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu khả năng sử dụng nấm nội sinh không gây bệnh Fusarium oxysporum trong việc sản xuất cà chua sạch ở vùng ngoại thành Hà Nội” khi ngoài 20 tuổi. Đây là đề tài thuộc chương trình Khoa học cơ bản của Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì nhằm sử dụng những tác nhân sinh học, diệt tuyến trùng gây bệnh, dùng đấu tranh sinh học mà không sử dụng các hợp chất hóa học.
Từ kinh nghiệm khi nghiên cứu đề tài này cộng với trí tuệ và tình yêu khoa học, Ánh Dương đã được cấp trên tin tưởng giao làm thư ký đề tài Nafosted: “Nghiên cứu cơ chế ảnh hưởng của nấm nội sinh không gây bệnh Fusarium oxysporum trong đấu tranh sinh học với tuyến trùng sần rễ Meloidogyne incognita trên cây cà chua”. Đề tài kéo dài trong 3 năm từ năm 2010-2013, theo đó các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá tác hại và giải pháp quản lý tổng hợp một số loài tuyến trùng ký sinh trên cây cà chua. Nghiên cứu tiềm năng sử dụng một số vi sinh vật có ích như nấm Fusarium oxysporum nội sinh rễ trong quản lý tổng hợp kháng tuyến trùng hại cây cà chua.
Tuyến trùng đóng vai trò mắc xích trong chuỗi thức ăn của hệ sinh thái, sự thiếu vắng của chúng sẽ gây ra hậu quả rất lớn cho hệ sinh thái trên hành tinh. |
Cũng trong khoảng thời gian ấy, Ánh Dương còn là thành viên của đề tài đã nghiệm thu nằm trong chương trình khoa học trọng điểm cấp Nhà nước: “Điều tra hệ sinh thái rừng Khộp và hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh ở Tây Nguyên và đề xuất giải pháp bảo tồn”. Đề tài đã xây dựng mẫu hồ sơ thu thập số liệu cho 15 nhóm chuyên môn, thu thập và xử lý được 4.640 mẫu của 15 nhóm chuyên môn, nghiệm thu 465 hồ sơ loài sinh vật của 15 nhóm chuyên môn, đóng góp vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam.
Từ năm 2013-2017, TS. Nguyễn Thị Ánh Dương còn là chủ nhiệm 4 chương trình và là thành viên 2 chương trình, dự án nghiên cứu hợp tác trong và ngoài nước đã nghiệm thu, là tác giả chính của 4 bài báo khoa học đăng trên tạp chí thuộc danh mục SCI, 2 bài báo khoa học đăng trên tạp chí thuộc danh mục SCIE và 2 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế. Cô cũng là thành viên của các hiệp hội chuyên ngành quốc tế như: Hội Tuyến trùng học châu Âu (ESN), Hội Tuyến trùng học Mỹ (SON); Hội Tuyến trùng học Á - Phi (AASN); Hội động vật đáy quốc tế (ISOMB).
Khát vọng tuổi trẻ
Xuất sắc trong học tập rồi đến công việc, nhưng nữ tiến sĩ trẻ vẫn có thể dành rất nhiều thời gian cho hoạt động ngoại khóa. Ánh Dương chia sẻ, cô muốn mọi người nhìn thế hệ trẻ hiện nay với một con mắt khách quan và toàn diện hơn. Thanh niên một khi đã xác định được lý tưởng của mình thì sẽ theo đuổi nó bằng tất cả sự đam mê tuổi trẻ, nhưng không có nghĩa là vùi đầu vào sách vở mà hoàn toàn quên mất cuộc sống thực. Thường xuyên phải đi thực địa tới các vùng cao, vùng sâu vùng xa của Tổ quốc như vùng Đông Bắc Bộ tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang….
Bất cứ nơi đâu chuẩn bị đến, Ánh Dương đều chủ động liên hệ với người dân địa phương, xem ở đó họ cần gì để mình có thể quyên góp, ví dụ như sách báo, tranh truyện, quần áo cho các em nhỏ. Cô tham gia rất nhiều các hoạt động thiện nguyện, có ích cho cộng đồng như quyên góp tiền cho tổ chức “Cơm có thịt”, vận động ủng hộ các bạn lưu học sinh ủng hộ đồng bào lũ lụt, quyên góp sách báo, đồ chơi cho các trẻ em vùng cao, dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo...
Sống bằng sự say mê và tình yêu. Ánh Dương chứng minh một điều rằng: Tình yêu không chỉ giúp thế hệ trẻ có những hiểu biết sâu rộng, làm nền tảng để bước vào tương lai, thể hiện một phong cách sống cao đẹp mà còn giúp đất nước ngày càng phát triển, hòa nhập với thế giới một cách bình đẳng, tự tin.
Thực trạng và một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển cán bộ khoa học nữ ở Việt Nam hiện nay
Vừa đảm nhiệm vai trò nghiên cứu, vừa phải chăm sóc gia đình là những rào cản hạn chế sự phát triển của các nhà khoa học nữ