TS.BS Ngô Thị Hải Vân: Chống dịch xa nhà nhưng “chưa bao giờ buồn”, con gái hãnh diện khi được tham gia lấy mẫu Covid cộng đồng

TS, BS Ngô Thị Hải Vân, hiện là Trưởng khoa Sức khỏe nghề nghiệp và Kiểm soát bệnh không lây, tại Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.

Với 27 năm cống hiến trong ngành, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, tiến sĩ, bác sĩ Ngô Thị Hải Vân đã được vinh danh trở thành một trong 51 nữ trí thức ngành Y tại Lễ tôn vinh trí thức tiêu biểu ngành Y giai đoạn 2019-2022.

TS, BS Ngô Thị Hải Vân, hiện là Trưởng khoa Sức khỏe nghề nghiệp và Kiểm soát bệnh không lây, tại Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Tháng 8-9/2021, khi tình hình dịch bệnh căng thẳng, BS Hải Vân cùng 10 đồng nghiệp khác được phân công công việc vào Tây Ninh hỗ trợ chống dịch.

BS Hải Vân chia sẻ: “Trước khi nhận quyết định đến Tây Ninh công tác, chúng tôi đã rất lo lắng. Tuy nhiên, đây không phải nỗi lo bản thân đang đến gần với nguy hiểm, mà lo ngại vì chúng tôi đang mang một trọng trách lớn lao. Thời điểm đó, số ca mắc và tử vong ở Tây Ninh tăng cao mỗi ngày, địa phương đặt rất nhiều hy vọng vào sự hỗ trợ của đoàn công tác Bộ Y tế, trong đó có chúng tôi. Bản thân tôi đã bước vào vùng dịch với sự quyết tâm cùng đồng đội và một chút trăn trở liệu mình có thể giúp đỡ, hỗ trợ địa phương được bao nhiêu phần”.

“Chạy sô” mỗi ngày với khối lượng công việc lớn

Lần đầu đối mặt với những sự việc mang tính đột ngột và khẩn cấp như Covid-19, các cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh vẫn gặp khó khăn trong việc ứng phó, truy vết. Khi đặt chân đến đây, đội ngũ y tế đã phải hướng dẫn, trao đổi với địa phương từ những bước đầu tiên trong công tác phòng chống dịch.

BS Hải Vân cùng mọi người đã truyền đạt, phân tích các chiến lược cho tỉnh Tây Ninh trên nhiều khía cạnh: tiết kiệm nguồn vốn và sử dụng hóa chất, vật tư; hay phương pháp dự trù thuốc men dựa vào tình hình dịch bệnh mỗi ngày, mở rộng các khu cách ly; hướng theo dõi và kiểm soát các khu điều trị….

Trong hai tháng đó, BS Hải Vân cùng các đồng đội phải luân chuyển phân chia nhau thành nhóm nhỏ, quay cuồng giữa các khu sàng lọc, phòng xét nghiệm rồi đến khu điều trị, sau đó lại tiếp tục tập huấn truy vết cho lực lượng công an.

BS Hải Vân (bên trái) cùng đồng đội chống dịch tại Tây Ninh.
BS Hải Vân (bên trái) cùng đồng đội chống dịch tại Tây Ninh.

Cuối ngày, các bác sĩ “được phép ngồi”, nhưng là ngồi họp bàn trực tiếp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh. Dựa vào tình hình dịch bệnh, tổ chống dịch sẽ bàn luận để đưa ra các văn bản hướng dẫn cụ thể, giúp địa phương có thể chủ động hoàn toàn trong trường hợp vỡ trận. Những buổi họp này cũng là để các bác sĩ vạch rõ những nhiệm vụ ngắn hạn trước mắt, để sẵn sàng tiếp tục chạy đua vào ngày hôm sau.

Những cống hiến tận tâm đó đều đã được UBND tỉnh Tây Ninh và Bộ Y tế đặc biệt ghi nhận. Được biết, BS Hải Vân đã được Bộ Y tế trao tặng bằng khen về tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và Công đoàn Y tế Việt Nam vinh danh nữ chiến sĩ áo trắng tiêu biểu trong phòng chống dịch covid-19.

Cố gắng gặt hái niềm tin từ người dân

BS Hải Vân chia sẻ, giai đoạn đầu mới vào Tây Ninh, tổ công tác cũng có chút lúng túng trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp chống dịch. Được biết, nhiều công nhân tại các nhà máy dù trước đó đã viết đơn tình nguyện “3 tại chỗ”, vẫn phá và vượt rào để bỏ trốn, buộc nhiều khu vực phải dừng hoạt động, phong tỏa hoàn toàn.

Do vậy, đội ngũ bác sĩ Hải Vân không chỉ trực tiếp hỗ trợ trong lĩnh vực y tế, mà còn phải luôn dành thời gian bên cạnh động viên, giải quyết các vấn đề của người dân. Đối diện trước những trường hợp người dân chống đối, tổ công tác vẫn luôn kiên nhẫn, chưa bao giờ có cảm giác “bất lực”.

Đội ngũ bác sĩ Vân chỉ có một trăn trở duy nhất, đó là làm thế nào để người dân, địa phương biết được họ đang đặt niềm tin đúng chỗ, để cả hai bên đều có thể dễ dàng phối hợp với nhau chống dịch. Đã có những lúc, chính tổ đội công tác bị người dân xa lánh vì lo ngại là nguồn lây nhiễm. Dẫu vậy, các thành viên trong đoàn vẫn luôn sẵn sàng hy sinh, an tâm tư tưởng, xác định rõ nhiệm vụ được giao mà không ngần ngại khó khăn gì.

Nhớ nhà nhưng không buồn

BS Hải Vân cũng cho biết, giai đoạn đó, các thành viên trong đoàn vừa lo lắng, dốc sức cho các hoạt động chống dịch, vừa phải kìm nén trong lòng nỗi nhớ nhà.

Tổ công tác của BS Vân gặp gỡ Sở Y tế tỉnh Tây Ninh sau một năm.
Tổ công tác của BS Vân gặp gỡ Sở Y tế tỉnh Tây Ninh sau một năm.

Khi làm việc tại vùng dịch, mọi người luôn mặc đồ bảo hộ PPE, hạn chế giao tiếp, những lúc rảnh rỗi hiếm hoi lại cách ly mỗi người một phòng. Do vậy, bên cạnh những cuộc gọi về người thân, tổ công tác còn thường xuyên “nhậu” online.

Đó là khoảng thời gian giải tỏa căng thẳng, tiếp thêm năng lượng cho các y bác sĩ. BS Hải Vân cho hay, dù trong giai đoạn khốc liệt nhất khi các ca dương tính và tử vong tăng cao đỉnh điểm, gây ra áp lực rất lớn đối với đội ngũ y tế, cũng không một ai cảm thấy mệt mỏi.

“Chúng tôi đều là những người đã có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực y tế dự phòng. Vì vậy, mọi người rất biết cách tự bảo vệ cho bản thân. Trước đây, các bác sĩ đã thường xuyên đối đầu với nhiều dịch bệnh khác như dịch bạch hầu, dịch sốt xuất huyết. Do đó, trong giai đoạn chiến đấu với Covid-19, chúng tôi không quá hoang mang, kể cả các trường hợp cấp bách cũng chưa bao giờ xảy ra bất cứ mâu thuẫn, tranh cãi nào”, BS Vân chia sẻ.

“Nói chưa bao giờ buồn thì chắc mọi người không tin, nhưng thực tế là vậy. Điều duy nhất chúng tôi mong muốn là bản thân sẽ không bị nhiễm bệnh, bởi lẽ như vậy sẽ không thể tiếp tục hỗ trợ người dân. Chúng tôi nhắc nhở nhau mỗi ngày, phải cố gắng để tự bảo vệ mình, cũng chính là bảo vệ cộng đồng. Một điều tuyệt vời là cả tổ công tác không ai bị Covid cả, thật may mắn”.

Ngoài ra, BS Hải Vân cũng cho biết, trong suốt hai tháng hỗ trợ chống dịch tại Tây Ninh, tổ công tác đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ và trân trọng từ địa phương.

Cả nhà cùng chiến đấu

Chồng và con gái của BS Hải Vân cũng có rất nhiều đóng góp trong phòng chống dịch. Chồng BS Vân là bộ đội, đã trực tiếp lái xe, hỗ trợ các đoàn công tác chống dịch nơi anh đóng quân. Con gái Nguyễn Hoàng Khánh Linh, sinh viên Y6  trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, cũng được Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk trao tặng giấy khen, ghi nhận những nỗ lực tham gia phòng chống dịch cho tỉnh.

Khánh Linh, con gái của TS, BS Hải Vân tham gia phòng chống dịch.
Khánh Linh, con gái của TS, BS Hải Vân tham gia phòng chống dịch.

“Về thực địa, Khánh Linh còn vất vả hơn cả tôi”, BS Vân cho biết. Trong khi mẹ được phân công công tác tại Tây Ninh, cô sinh viên trẻ tham gia trực tiếp trong nhóm lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng ở Đắk Lắk. Trong trường hợp người lớn tuổi, Khánh Linh cũng phải đi đến từng nhà để lấy mẫu.

Công việc mệt mỏi, thường xuyên kết thúc sau nửa đêm, nhưng Khánh Linh luôn cảm thấy sung sướng và hãnh diện. “Con bé đã từng phấn khởi khoe với tôi, khi tất cả mọi người không được phép ra ngoài theo Chỉ thị 16, chiếc thẻ sinh viên tham gia chống dịch trên ngực đã giúp Linh được phép đi lại bên ngoài”, BS Vân chia sẻ.

Trong thời gian chống dịch, Khánh Linh còn cứu sống được một người khỏi chết đuối và nhận giấy khen của địa phương.

Bên cạnh đó, TS, BS Hải Vân cũng có rất nhiều đóng góp cho ngành Y tế dự phòng như: chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho người lao động; hỗ trợ hoạt động dự phòng, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm cho tuyến y tế cơ sở tại khu vực Tây Nguyên….

TS Hải Vân tham gia tích cực trong hoạt động nghiên cứu khoa học: chủ nhiệm đề tài nhánh cấp nhà nước, cấp tỉnh, cấp cơ sở và nhiều công trình khoa học cũng đã được đăng tải trên các tạp chí có uy tín trong nước. Đồng thơi, TS Hải Vân cũng là giảng viên thỉnh giảng tại trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, trường Đại học Tây Nguyên.

Hương Giang

Đã khởi tố 60 bị can vụ đòi nợ thuê 1.000 tỷ đồng ở Tiền Giang

Đã khởi tố 60 bị can vụ đòi nợ thuê 1.000 tỷ đồng ở Tiền Giang

Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 60 bị can điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản liên quan đến Công ty Luật TNHH Pháp Việt.