Tưởng nhớ liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý - nữ nhà văn, nhà báo nhiệt huyết, can trường

Sáng 8/3, Tạp chí Văn hiến Việt Nam và Ban liên lạc đồng đội khu 5 đã tổ chức tưởng niệm 55 năm ngày nhà văn Dương Thị Xuân Quý hy sinh

Sáng 8/3, tại Hà Nội, Tạp chí Văn hiến Việt Nam và Ban liên lạc đồng đội khu 5 đã tổ chức Họp mặt tưởng niệm 55 năm ngày nhà báo, nhà văn, liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý hy sinh (8/3/1969 – 8/3/2024).

Toàn cảnh chương trình Họp mặt tưởng niệm 55 năm ngày nhà báo, nhà văn, liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý hy sinh (8/3/1969 – 8/3/2024). Ảnh: Hoàng Toàn
Toàn cảnh chương trình Họp mặt tưởng niệm 55 năm ngày nhà báo, nhà văn, liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý hy sinh (8/3/1969 – 8/3/2024). Ảnh: Hoàng Toàn

Chương trình diễn ra dưới sự điều dẫn của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, cùng sự tham gia của các đại biểu: nhà thơ Bùi Minh Quốc – chồng liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý; Nhà văn, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà báo Nguyễn Thế Khoa - Tổng Biên tập tạp chí Văn hiến Việt Nam và nhiều văn nghệ sĩ là bạn hữu yêu mến nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý.

Dương Thị Xuân Quý – một đời nhiệt huyết và quả cảm

Dương Thị Xuân Quý (1941-1969) là nhà văn, nhà báo nữ, liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Bà sinh ngày 19/4/1941 tại Hàng Bông, Hà Nội, quê gốc thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Lớn lên trong một dòng tộc trí thức văn chương yêu nước nổi tiếng, từ năm 7 tuổi, Dương Thị Xuân Quý đã sớm bộc lộ năng khiếu và lòng say mê văn chương. Sau khi tốt nghiệp trung học, trong thời gian theo học trường trung cấp mỏ tại Quảng Ninh, bà được giới thiệu theo học một khóa báo chí do Ban Tuyên huấn trung ương mở. Sau khi tốt nghiệp khóa học, bà được đưa về là phóng viên báo Phụ Nữ Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1968.

Cô gái Dương Thị Xuân Quý mới 20 tuổi ngày ấy, thường xuyên đạp chiếc xe đạp lọc cọc đến nhiều vùng nông thôn, từ ngoại thành Hà Nội tới Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Hưng... để sống và viết. Khi giặc Mỹ ném bom miền Bắc những năm 1965, bà cũng có mặt tại các vùng trọng điểm tuyến lửa Nghệ An, Hà Tĩnh... để ghi lại câu chuyện về những người nông dân bình thường đang cật lực phấn đấu vượt qua đói nghèo lạc hậu, vươn lên làm chủ số phận mình và sẵn sàng bảo vệ quê hương đất nước.

Nữ nhà văn, nhà báo, liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý
Nữ nhà văn, nhà báo, liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý

Tháng 12/1966, sau khi kết hôn với nhà thơ Bùi Minh Quốc, Dương Thị Xuân Quý hạ sinh cô con gái đầu lòng và duy nhất của họ: Bùi Dương Hương Ly. Tuy nhiên, 5 tháng sau, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã rời nhà tham gia kháng chiến. Tháng 4/1968, bà Dương Thị Xuân Quý cũng gửi con lại nhờ mẹ trông nom và quyết lên đường vào chiến trường miền Nam.

Nhà báo Dương Thị Xuân Quý cùng đồng đội của mình trên chiến trường.
Nhà báo Dương Thị Xuân Quý cùng đồng đội của mình trên chiến trường.

Vào đêm 8/3/1969, trong một trận càn ác liệt tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là Duy Thành), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, Dương Thị Xuân Quý đã ra đi mãi mãi, khi ấy bà chỉ mới 28 tuổi.

Trong 6 năm làm nghề báo, nghề văn cả ở miền Bắc và trên chiến trường, bà đã để lại 18 bút ký và truyện ngắn, với nhiều tác phẩm tiêu biểu như: “Sa mạc của tuổi thơ”, “Đất cằn”, “Về làng”, “Chuyện cô Duyên”, “Đảm đang”, “Đứng vững”, “Chỗ đứng”, “Nữ dân quân Trần Phú”, Truyện ngắn “Hoa rừng”, các bút ký “Tiếng hát trong hang đá”, “Niềm vui thầm lặng”, “Gương mặt thách thức”... Các tác phẩm đã được tập hợp giới thiệu trong cuốn sách “Dương Thị Xuân Quý – Tác phẩm &Nhật ký” do tạp chí Văn hiến Việt Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn thực hiện năm 2007.

Cũng trong năm 2007, nhà văn, nhà báo, liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Tưởng nhớ về nhà văn, nhà báo, liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý

55 năm sau ngày bà mất, người thân và bạn hữu của gia đình Dương Thị Xuân Quý đã cùng chia sẻ nhiều kỷ niệm, cảm xúc về cuộc đời và gia tài văn chương của bà tại buổi họp mặt tưởng niệm.

Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Khoa: "Nhật ký chiến trường" của Dương Thị Xuân Quý là một trong những tác phẩm thật nhất, người nhất, đáng đọc nhất

Tưởng nhớ về nhà văn, nhà báo, liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý, nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Khoa - Tổng biên tập tạp chí Văn hiến Việt Nam và là một người bạn thân thiết với nữ liệt sỹ đã không cầm được nước mắt. Ông cho biết: Để thực hiện khát vọng của một nhà văn - chiến sĩ, bà đã phải chấp nhận hy sinh thiên chức lớn nhất của một người phụ nữ: Thiên chức làm mẹ. Đó cũng là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời bà.

Nhà báo Nguyễn Thế Kha - Tổng biên tập tạp chí Văn hiến Việt Nam rưng rưng xúc động khi tưởng nhớ nhà văn, nhà báo, liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý. Ảnh: Hoàng Toàn
Nhà báo Nguyễn Thế Kha - Tổng biên tập tạp chí Văn hiến Việt Nam rưng rưng xúc động khi tưởng nhớ nhà văn, nhà báo, liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý. Ảnh: Hoàng Toàn

Trong những giờ phút cuối cùng được bên con gái nhỏ, trước khi vào chiến trường, nhà văn Dương Thị Xuân Quý viết: "Rồi mình cho Ly vào giường đùa một lúc. Bỗng dưng Ly nằm xuống. Mẹ đắp chăn và vỗ vỗ cho Ly. Ly thiu thiu ngủ. Suốt cho tới sáng, Ly không hề dậy… Gần về sáng thỉnh thoảng Ly lại thò tay ôm lấy cổ mẹ. Một tay trên, một tay dưới. Ly dậy muộn hơn mọi khi vì có mẹ bên cạnh. Hai mẹ con nằm mãi. Ly cũng thích nằm chơi như thế, rất lâu rồi con mới bảo: "Dậy, dậy!". Thương Ly ghê, chính cái niềm vui nho nhỏ ấy, con cũng phải hy sinh".

"Người mẹ trẻ ấy hiểu rõ rằng cuộc ra đi của chị đã làm đứa con duy nhất của chị rơi vào cảnh ngộ bất hạnh lớn nhất trong đời: Thiếu cả cha lẫn mẹ ngay cả lúc sơ sinh. Đọc gần 200 trang “Nhật ký chiến trường” của Dương Thị Xuân Quý, chúng ta hiểu rằng thách thức lớn nhất trên chiến trường đối với nữ nhà văn kiên cường này không phải là cái đói, những cơn sốt rét, đạn bom tàn khốc, cái chết rình rập, mà chính là nỗi dày vò vì cảnh ngộ bất hạnh của đứa con thơ. Gần như không lúc nào hình ảnh đứa con không hiện lên trong tâm tưởng chị, trên những trang nhật ký của chị. " – nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Khoa phát biểu.

Tổng biên tập tạp chí Văn hiến Việt Nam cũng nhận định:"Nhật ký chiến trường" của Dương Thị Xuân Quý là một tác phẩm lớn của văn học chiến tranh Việt Nam. Tác phẩm văn học phi hư cấu chỉ chưa đến 200 trang in này dồn nén trong nó một dung lượng hiện thực, một nguồn năng lượng tinh thần to lớn, đầy sức bùng nổ. Tất cả những gì mà Dương Thị Xuân Quý đã ghi lại trong đó đều là sự thật, cả hiện thực dữ dội, nghiệt ngã của chiến tranh, sự bất diệt của tình yêu, tình mẫu tử, sự hy sinh của mỗi cá nhân, lòng dũng cảm và sự đớn hèn, người trung thực và kẻ giả trá, khát vọng giải phóng thống nhất của cả dân tộc cũng như khát vọng của một nhà văn muốn thoát khỏi tù ngục của những quan niệm ấu trĩ, hẹp hòi, nông cạn, cứng nhắc để được tự do viết nên những trang viết chân thật nhất về cuộc chiến đấu anh hùng của đất nước, của nhân dân.

Cuốn Nhật ký chiến trường
Cuốn Nhật ký chiến trường

Đối với tôi, "Nhật ký chiến trường" của Dương Thị Xuân Quý là một trong những tác phẩm thật nhất, người nhất, đáng đọc nhất, gây xúc động mạnh mẽ nhất về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại. Đây cần được thực sự coi là "tác phẩm đặc biệt xuất sắc, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng tổ quốc".

Nhà thơ Bùi Minh Quốc: "Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống/ Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu” 

Tưởng nhớ về người vợ liệt sỹ quả cảm, nhà thơ Bùi Minh Quốc cho biết trong bài thơ khóc Dương Thị Xuân Quý, ông đã cất lên lời nguyện thề: "Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống/ Sẽ yêu trọn những gì em chưa kịp yêu”. Và tôi nguyện từng ngày, từng phút một tự rèn luyện mình, sống đúng với lời nguyện thề ấy. Sống đẹp. Ngày ngày sống đẹp, trọn đời sống đẹp. Trọn đời thanh thản lương tâm, trọn đời vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc - đọc bài thơ tưởng nhớ về người vợ liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý
Nhà thơ Bùi Minh Quốc - đọc bài thơ tưởng nhớ về người vợ liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý

Tôi cảm thấy đôi mắt của Dương Thị Xuân Quý luôn dõi theo tôi từng bước đi trong cuộc đời, từng phút đời, mỗi ngày đời, từng phút sống, mỗi ngày sống, để làm sao giữ trọn được sự thanh thản lương tâm, đúng như lời của Paven Coocsaghin mà tôi và Quý từ thời trẻ đã giữ trong tim mình: " Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chị Dương Thị Xuân Quý, anh Bùi Minh Quốc có quyền kiêu hãnh, có quyền tự hào rằng họ đã sống một cuộc đời thanh thản nhất, với sự yêu thương chân thực nhất dành cho đất nước này.

Phát biểu tại chương trình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định rằng, những bài thơ của nhà thơ Bùi Minh Quốc viết về đất nước, viết về người vợ thân yêu – nhà văn, liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý là khúc tưởng niệm lớn nhất về chiến tranh, về những người đã hy sinh và đó cũng là bài thơ lớn nhất về hạnh phúc

Liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý, nhà thơ Bùi Minh Quốc, cũng như những người con Khu 5 đã đi qua chiến tranh, nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà báo, nhà thơ Trần Mai Hưởng, nhà văn Nguyễn Bảo...những người đã đi qua cuộc chiến tranh, đã chiến đấu, đã không bao giờ nghĩ gì tới một cái gì cho cá nhân mình, cho tới tận bây giờ, cho dù đời sống thế nào thì những người đó có quyền kiêu hãnh vì những năm tháng mình đã sống. Và cho dù chúng ta có sống trong một thời đại văn minh, dân chủ, giàu có bao nhiêu, thì chúng ta phải luôn luôn biết ơn họ” - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại chương trình họp mặt tưởng niệm. Ảnh: Hoàng Toàn
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại chương trình họp mặt tưởng niệm. Ảnh: Hoàng Toàn

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ niềm xúc động khi về trước phần mộ nhà văn Dương Thị Xuân Quý và đọc vang những câu thơ của nhà thơ Bùi Minh Quốc: “Tôi nghĩ rằng họ - hai người con người đó có quyền kiêu hãnh, có quyền tự hào rằng họ đã sống một cuộc đời thanh thản nhất, với sự yêu thương chân thực nhất dành cho đất nước này. Cho dù sau này mọi thứ có thể thay đổi, nhưng không ai có quyền đánh tráo những giá trị mà họ mang lại, không ai có quyền phủ nhận điều đó. Những người có lương tri sẽ mãi mãi biết ơn và ghi sâu vào trong tâm hồn mình.”

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ mong muốn có thể tổ chức một lễ tưởng niệm đặc biệt vào năm 2025 để bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh trong kháng chiến, để những người đang sống có dịp nhìn lại thái độ sống, tư cách sống: “Một lần nữa xin cúi đầu trước hương hồn của nhà văn, liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý, trước anh linh của những người đã hy sinh cho độc lập Tổ quốc, một lần nữa xin nói lời biết ơn sâu sắc từ cá nhân trong một gia đình nhỏ bé, thay mặt Hội nhà văn Việt Nam, cám ơn tất cả những trang viết của các nhà văn đã đi qua chiến tranh. Đó là những trang viết vô giá, những trang viết của lương tri, những trang viết bằng máu, làm cho những nhà văn thế hệ sau phải nhìn lại trang viết của mình. Quá nhiều sáo mòn, quá nhiều ảo tưởng, quá nhiều sự thiếu chân thực

Nhà văn, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Chị Dương Thị Xuân Quý xứng đáng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh

Nhà văn, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương:
Nhà văn, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương: "Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn học nghệ thuật trao cho chị Dương Thị Xuân Quý cũng hoàn toàn xứng đáng". Ảnh: Hoàng Toàn

"Tôi kém chị Xuân Quý xấp xỉ 20 tuổi, khi tôi vào đại học thì chiến tranh đã kết thúc. Những trang văn của chị đã truyền cho chúng tôi tình yêu với đất nước, với văn học, với những năm tháng hào hùng của dân tộc, với những người liệt sĩ đã hi sinh về đất nước. Nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý mãi mãi là một tấm gương đẹp đẽ cho các thế hệ sau. Những tác phẩm chị để lại cho đời đều là những báu vật không chỉ đối với giới văn nghệ sĩ mà còn với bạn đọc.

Chị không chỉ để lại tác phẩm mà cao hơn là đức hy sinh. Khi con chị mới chỉ 16 tháng tuổi, chị đã gửi con cho người thân để vào chiến trường, sự hy sinh đó lớn biết bao nhiêu. Khi chị đã dũng cảm như vậy, chúng ta không có ngôn từ nào có thể diễn tả hết được.

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thế Khoa từng đề cập tới việc mong muốn nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tôi nghĩ đề xuất này vô cùng chính đáng và cấp thiết. Tôi cũng nghĩ, Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn học nghệ thuật trao cho chị Dương Thị Xuân Quý cũng hoàn toàn xứng đáng.

“Người làm văn nghệ, có lẽ cống hiến lớn nhất là để lại những tác phẩm bất hủ, nâng cao giá trị con người lên, tình yêu đất nước với quê hương. Người lấy cả tính mạng của mình để hiến dâng cho đất nước, tôi nghĩ không có gì bằng được.” - Nhà văn, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu.

Trong khuôn khổ chương trình họp mặt tưởng niệm, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã ra mắt tập thơ “Mẹ Việt Nam”, và nhà văn Nguyễn Thanh Tùng cũng đã ra mắt tiểu thuyết “Hà Nội mùa nắng hanh vàng”. Ảnh: Hoàng Toàn
Trong khuôn khổ chương trình họp mặt tưởng niệm, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã ra mắt tập thơ “Mẹ Việt Nam”, và nhà văn Nguyễn Thanh Tùng cũng đã ra mắt tiểu thuyết “Hà Nội mùa nắng hanh vàng”. Ảnh: Hoàng Toàn
Nhà thơ Bùi Minh Quốc ký tặng sách cho độc giả. Ảnh: Hoàng Toàn
Nhà thơ Bùi Minh Quốc ký tặng sách cho độc giả. Ảnh: Hoàng Toàn

...

EM

Anh luôn thấy mắt EM

dõi theo anh từng bước

đôi mắt sáng như sao

khi anh soi mình vào

cho anh hiểu thế nào là hạnh phúc

Hạnh phúc là thanh thản lương tâm

Hạnh phúc là thanh thản lương tâm

là sống đẹp

ngày ngày sống đẹp

trọn đời sống đẹp

trọn đời máu thịt với nhân dân

trọn đời tiền phong gương mẫu

Vì nhân dân quên mình

Vì nhân dân hy sinh

Tất cả những ai quên mình

sẽ có mình trong mọi mình

tất cả những ai hy sinh

sẽ đời đời trong mọi sinh linh...

 (trích Niệm - Bùi Minh Quốc)

Diệu Thuần - Hoàng Toàn

Phát hành cuốn sách 'Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Thừa Thiên-Huế'

Phát hành cuốn sách "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Thừa Thiên-Huế"

Sau thời gian nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn, cuốn sách “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Thừa Thiên-Huế” tập V đã hoàn thành với hơn 460 trang.