Phụ nữ luôn phải đối mặt với vô số thách thức khi bước chân vào lĩnh vực báo chí. Để lên án, chia sẻ lại những câu chuyện thực tế, họ phải đánh đổi nhiều thứ, mạnh mẽ vượt qua thành kiến giới tính, phân biệt chủng tộc và thậm chí các mối đe dọa tính mạng.
Từ những thế kỷ trước, các nữ phóng viên, nhà báo đã mở đường cho thế hệ báo chí tiếp theo.
Nellie Bly, phóng viên điều tra người Mỹ, là một ví dụ điển hình. Cuối những năm 1800, Bly vạch trần tính vô nhân đạo tồn tại trong một bệnh viện tâm thần, và lập kỷ lục đi vòng quanh thế giới trong 72 ngày. Sự cố gắng của bà trở thành tiền lệ cho phụ nữ trong ngành báo chí.
Một cái tên ấn tượng khác là nữ nhà báo Ida B. Wells. Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Wells lên tiếng mạnh mẽ về hành vi treo cổ, ngược đãi người Mỹ gốc Phi thời đó. Ngòi bút của bà là nguồn khích lệ, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, góp phần thay đổi xã hội.
Margaret Fuller là một trong những nữ phóng viên đầu tiên làm việc tại nước ngoài. Các trang giấy của bà phản ảnh nhiều vấn đề như chính trị, quyền phụ nữ, thực tế xã hội.
Để lại nhiều ấn tượng như vậy, song thực tế vẫn tồn tại không ít trở ngại, rào cản trong ngành đối với các nữ phóng viên. Từ những ngày đầu bước chân vào thế giới truyền thông, phụ nữ thường không được các tòa soạn chính thức công nhận, đào tạo. Họ thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và quấy rối, đồng thời nhận mức lương thấp hơn so với các đồng nghiệp nam.
Thách thức
Quấy rối tình dục và phân biệt đối xử
Quấy rối tình dục và phân biệt đối xử là những vấn đề dai dẳng đối với các nữ phóng viên ở nơi làm việc.
Cuộc khảo sát của International Women's Media Foundation cho thấy gần 2/3 nữ nhà báo từng bị quấy rối hoặc lạm dụng, bao gồm hành vi tán tỉnh tình dục, đàm tiếu hoặc cư xử thiếu văn hóa và thậm chí là hành hung thể xác.
Những trải nghiệm này có thể có tác động sâu sắc đến sự nghiệp và sức khỏe tinh thần của nhà báo, tạo ra môi trường làm việc thù địch đối với phụ nữ. Trong những năm gần đây, phong trào #MeToo thu hút sự chú ý nhiều hơn, thúc đẩy nhiều tổ chức, cơ quan thực hiện các chính sách và chương trình đào tạo mới, nhằm ngăn chặn quấy rối tình dục và phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
Định kiến và những câu xuyên tạc
Nhiều người có cách nhìn sai lệch về phụ nữ, bao gồm sự khách quan hóa, tầm thường hóa và những định kiến độc hại.
Ví dụ, các nữ phóng viên thường được yêu cầu khai thác thông tin về các chủ đề “nhẹ nhàng” như thời trang hoặc phong cách sống, thay vì các tin thời sự. Ngoài ra, không ít ý kiến cho rằng nữ phóng viên thường hay “quá xúc động, kém cỏi hoặc hung hăng”.
Khoảng cách giới
Theo báo cáo của Women’s Media Center, phụ nữ trong ngành báo chí chỉ kiếm được 80 xu/đô la so với các đồng nghiệp nam. Đặc biệt đối với phụ nữ da màu và những người làm việc trong một số lĩnh vực truyền thông nhất định, chẳng hạn như tin tức phát thanh và truyền hình, khoảng cách này càng lớn.
Thực tế này không chỉ hạn chế sự nghiệp của các nhà báo, phóng viên nữa, mà còn góp phần tạo nên văn hóa phân biệt giới tính và phân biệt đối xử trong ngành.
Tiếp tục “đấu tranh”
Bình đẳng giới trong lĩnh vực báo chí không dễ có được, song những đấu tranh của các nữ phóng viên, nhà báo là rất cần thiết, quan trọng và vô giá.
Những năm gần đây, nữ giới lên tiếng, đi đầu rất nhiều trong các sự kiện lớn như phong trào #MeToo, phong trào Black Lives Matter và đại dịch COVID-19. Họ cũng mạnh mẽ lên tiếng ủng hộ những điều tốt và lên án các vấn đề “cần phải giấu”.
Ngày càng có nhiều phụ nữ làm việc trong ngành, thậm chí đảm nhận cả vai trò lãnh đạo
Martha Gellhorn (1908 – 1998)
Không chỉ là tiểu thuyết gia và nhà văn, Martha Gellhorn còn được mệnh danh là một trong những phóng viên chiến trường có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX.
Trong suốt 60 năm sự nghiệp, bà lên tiếng mạnh mẽ hầu hết mọi cuộc xung đột lớn trên thế giới.
“Nếu có thể, tôi sẽ không bỏ lỡ cuộc chiến nào”, bà từng nói. Thậm chí đến năm 70 tuổi, bà vẫn đưa tin về các cuộc nội chiến ở Trung Mỹ những năm 1980.
Ngoài ra, Gellhorn cũng để lại nhiều dấu ấn khi là phụ nữ duy nhất đặt chân đến cuộc đổ bộ lịch sử trong Thế chiến 2 ở Normandy (Pháp) năm 1944.
Hu Shuli
Nữ phóng viên người Trung Quốc hiện là tổng biên tập của tập đoàn truyền thông Caixin Media do bà thành lập năm 2009, thành viên hội đồng quản trị của Tổ chức Truyền thông Phụ nữ Quốc tế và thuộc Ban cố vấn Biên tập của Reuters.
Shuli cũng từng là phóng viên chính và biên tập viên quốc tế của China Business Times và một tạp chí kinh doanh và tài chính trong suốt 11 năm.
Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc có nhiều hạn chế, song danh tiếng của Shuli vẫn vươn tầm thế giới. Năm 2011, bà được Forbes đánh giá là người phụ nữ quyền lực thứ 87 trên thế giới. Cũng trong năm đó, Time xếp Shuli vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất.
Không chỉ là người có chuyên môn cao, bà còn gây ấn tượng trong công tác điều tra gian lận và tham nhũng. Năm 2017, Shuli được Fortune vinh danh trong những Nhà lãnh đạo vĩ đại nhất thế giới.
Ethel Payne (1911 – 1991)
Ethel Payne là một trong những phóng viên da màu nổi tiếng nhất từ trước đến nay, đặc biệt có sức ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực báo chí dành cho người Mỹ gốc Phi.
Năm 1972, bà làm nên lịch sử khi trở thành nữ người Mỹ gốc Phi đầu tiên dẫn chương trình trên mạng lưới quốc gia lớn như CBS.
Shuli gây ấn tượng với những câu nói mạnh mẽ, cứng rắn. Trong một lần phỏng vấn Tổng thống Eisenhower, bà không ngần ngại đặt câu hỏi thẳng về việc liệu ông có ban hành luật cấm phân biệt đối xử khi người dân đi lại giữa các tiểu bang.
Không chỉ vậy, bà cũng là nhà hoạt động, tham gia và đưa tin về các phong trào Dân quyền trong những năm 1950 và 1960.
Amber Lyon
Phóng viên điều tra Amber Lyon người Mỹ luôn cho thấy sự dũng cảm của mình khi cô đưa tin về các câu chuyện thời sự khó khăn, chú trọng vào vấn đề vi phạm nhân quyền, môi trường và sự hung bạo của cảnh sát.
Năm 2012, Lyon lên án CNN có các hành vi che giấu hoạt động tham nhũng của chính phủ, trong đó có cả chế độ Bahrain.
Ngoài ra, trước đó cô cũng từng tham gia vào vụ việc vạch trần nạn buôn bán tình dục trẻ vị thành niên trên trang web của công ty Craigslist, hoặc kéo sự chú ý của mọi người đến vụ tràn dầu “Deepwater Horizon”.
Veronica Guerin (1958 – 1996)
Nữ nhà báo, phóng viên người Irish Veronica Guerin của Sunday Independent - tờ báo chạy nhất của Ireland - được biết đến với sự cống hiến vĩ đại. Bà hy sinh tháng 6/1996 khi đang điều tra tội phạm.
Guerin kiên trì, vạch trận các phi vụ của những tên trùm ma túy và kẻ giết người trong các tổ chức tội phạm. Cái chết của bà có tác động sâu sắc, là tiền đề cuộc điều tra tội phạm lớn nhất của đất nước và trấn áp hoạt động băng đảng bất hợp pháp.
Katie Couric
Tại Mỹ, Katie Couric là hình mẫu, tấm gương của nhiều nữ nhà báo, phóng viên, nhận được sự kính trọng nhất định trong giới.
Năm 1991, Couric trở thành nữ phát thanh viên solo đầu tiên của chương trình tin tức buổi tối quốc gia. Sau đó, đến năm 2006, bà tiếp tục ghi danh người phụ nữ đầu tiên phát sóng bản tin buổi tối các ngày trong tuần khi tham gia CBS Evening News.
Bên cạnh những sự kiện tin tức thời sự, các cuộc phỏng vấn chuyên sâu với chính trị gia và người nổi tiếng, bà còn được biết đến là nữ anh hùng phá bỏ những rào cản đối với nữ giới trong lĩnh vực báo chí.
Sau khi mạnh mẽ lên tiếng về các vấn đề như bất bình đẳng giới, quấy rối tình dục và sức khỏe phụ nữ, Couric trở thành người mở đường cho nhiều nữ phóng viên, nhà báo tiếp bước.
Ngoài ra, trên thế giới còn có những cái tên khác đóng góp không ít trong ngành như Robin Roberts (ABC's Good Morning America), Yamiche Alcindor (PBS NewsHour tại Nhà Trắng và NBC News, MSNBC), Fredricka Whitfield (CNN), Christiane Amanpour (CNN, Amanpour & Company), Shereen Bhan, Laila Muhammad, Jacquie Jordan,....
5 điều cần biết để bắt đầu ngày mới (20/6)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken. Tỷ phú Warren Buffett tăng gấp 3 lần khoản đầu tư vào Nhật Bản. New Zealand công bố điều tra về lĩnh vực ngân hàng. Đây là những thông tin đáng chú ý vào hôm nay (20/6).