Uống trà như một lẽ thường

Việc dùng trà không nhất thiết phải trở nên cao quý hay mang nhiều sứ mệnh, bởi lẽ trà đã tồn tại cùng Việt Nam, có khi là, cả nghìn năm nay.

Cách đây ít lâu, trong một cuộc phỏng vấn, bạn trẻ hỏi tôi “Chị nghĩ thế nào về trà đạo Việt?”

Việt Nam không có trà đạo. Và Việt Nam cũng không có văn hóa trà rõ ràng. Chúng ta sử dụng trà theo thói quen và theo tập tục. Có lẽ vì chúng ta có…quá nhiều cây trà, mọc ở khắp mọi nơi, ngay cả vùng khí hậu khắc nghiệt như Nghệ An ta vẫn có thể thấy cây trà sinh trưởng. Như người Pháp đã từng nói “khi trải bản đồ Việt Nam ra, chỉ vào đâu đều thấy cây trà”.

Tôi phỏng đoán rất nhiều, rằng người Việt sử dụng trà từ rất lâu, mà một trong những điển hình của việc sử dụng trà nguyên thủy, sơ khai nhất đó chính là ấm chè tươi. Trong dòng chảy lịch sử từ hàng nghìn năm, đầu tiên, trà được sử dụng như một phương thuốc chữa bệnh, mà người phát hiện ra nó đầu tiên chính là Thần Nông.

Uống trà như một lẽ thường

Truyện kể rằng, trong một lần thử nếm nhiều loại cây trái và bị trúng độc, ông ngủ gật dưới gốc cây trong khi tiều đồng đang đun nước sôi, gió cuốn theo một chiếc lá rơi vào nồi nước nóng và ông thần uống thì thấy hết đau bụng, bèn quả quyết đây là thần dược.

Và trà đầu tiên được sử dụng như thế, cho vào nồi nước rồi đun lên. Vì đắng nên người ta cho thêm đường, muối, các loại gia vị nêm nếm để tăng dược tính và giảm đắng. So sánh lại nước ta, ấm chè tươi ở Nghệ An, cũng được cho thêm chút gừng hay mật mía. Cái cách sử dụng ấy, phải chăng là còn vương lại từ quá khứ thật xưa?

“Và trong lịch sử sử dụng trà tại Việt Nam từ trước đến nay, duy chỉ có ấm chè tươi ấy là của người Việt, ngoài nó ra, đều là du nhập”, tôi trả lời cô bé phóng viên như thế.

Ấm chè tươi, là ký ức của rất nhiều người Việt. Nó có mặt ở khắp mọi nơi, mọi hoàn cảnh, mọi dịp lễ, Tết, đám giỗ… Ấm chè tươi ấy được uống quanh năm suốt tháng. Nó như là một thứ nước sâm của nhà quê. Sau buổi cày, để lấy lại sức, người ta thường chế thêm mật mía vào bát nước chè xanh mà uống.

Trưa hè, giữa cái nắng thiêu đốt, thêm cơn gió Lào khô rát, đang mệt mỏi lừ đừ, làm bát nước chè xanh đặc thì mát lòng mát dạ. Buổi sáng, người ta ăn miếng sắn miếng khoai kèm bát nước chè. Buổi tối thì lại quây quần bên giỏ ủ tích chè mà trò chuyện rôm rả quên đi mệt nhọc, quên đi buồn lo, quên đi cái nghèo cái khổ bủa vây.

Thực ra, để pha ấm chè tươi ngon cũng khó và cần nhiều kỹ năng. Làm sao để vẫn ra được vị ngọt ngậy mà không chát đắng, cái “tươi” vẫn giữ được nguyên vị ngai ngái nhưng lại không bị ải. Để làm được điều đấy, người pha phải lựa từ lá chè, tốt nhất là cành bánh tẻ. Lá được nhặt kỹ, rửa sạch.

Người Việt uống chè tươi nhiều rất hiểu về lá chè, cọng chè. Chè ngon phải là loại “chè quế”, là giống chè lá dày, giòn, phiến lá vừa phải, cọng lá, thân cành có màu nâu. Trà ấy nước xanh và thơm. Rồi khi pha, người ta phải lựa từ lá chè, tốt nhất là cành bánh tẻ. Lá được nhặt kỹ, rửa sạch.

Tôi vẫn nhớ như nguyên ngày nhỏ, bà ngoại vẫn đi chợ mua lấy một túi lá chè rồi rửa sạch, vò nhẹ, nhét vào ấm tích. Cái ấm nhôm Hải Phòng đun trên bếp củi ám đầy tro đen, sôi ùng ục nhả khói qua vòi, bà lấy miếng lót cầm vào tay xách rồi rót vào ấm tích đã nhét đầy lá chè, lấy nước tráng qua mặt lá, xoay nhẹ cái ấm tích cho nước tráng qua thành, và đổ hết đi.

Uống trà như một lẽ thường

Cái thao tác ấy, đến bây giờ người Việt nào cũng nhớ, cùng bật lên mỗi khi nhắc đến: “làm lông”. Lần thứ hai, bà lại rót nước nóng cho đầy ấm. Đậy nắp. Nhét nó lại vào trong cái giỏ ủ nan tre đan phía ngoài, bên trong thì lót nệm chắp vá đủ màu mà khi nhét thì chật cứng, chỉ đúng cái khuôn hình chiếc ấm, đặt sai là thấy gượng.

Rồi bà cứ để ở đấy chốc lát. Hãm cho đến “khi nào ngửi thấy mùi thơm là được”, tôi đếm tầm hai mươi đến ba mươi phút. Nước trà hãm đúng kiểu thì có màu vàng sánh và thơm nồng nàn, vị ngọt nhẹ chát khẽ, ngai ngái mùi cỏ tươi nhựa mới cắt. Mỗi khi có khách thì nhấc ra làm một cốc lớn mà mời.

Trong các dịp lễ Tết, có giỗ hay có đám, chè tươi được nấu trong một nồi nhôm lớn rồi mang theo dòng người. Bao giờ cũng có hai thanh niên to khỏe, được giao nhiệm vụ quan trọng nhất là bê nồi chè tươi theo. Để mỗi khi khát, mọi người lại ra nồi chè, múc lấy một bát nước mà uống. Người Việt, lớn lên cùng tích chè xanh, khi đã tóc mái hoa râm, cũng quanh quẩn bên nồi chè.

Nhưng chúng ta, luôn muốn phải cao siêu, phải có thể đem đi để so sánh với Trung Hoa, với Nhật Bản, hoặc gần đây nhất là Hàn Quốc. Với một đất nước xảy ra chinh chiến liên miên, thực khó để nói đã “đủ giàu” để học-làm- sang.

Tôi thực hành trà Nhật từ năm 2018, mãi đến năm 2022 mới bắt đầu học chuyên sâu và chịu tìm hiểu kỹ. Sau 1 năm đi khắp nơi cùng các cô giáo tổ chức tiệc trà Nhật cho người Việt hoặc người Nhật, tôi đã hiểu rằng, để có được những văn hóa trà như ngày nay, người Nhật đã phải làm rất nhiều việc. Cho dù có 3 trường phái trà được thực hành ở Nhật Bản, nhưng họ vẫn kể cùng một câu chuyện: Văn hóa Nhật thông qua chén trà. Và mọi thứ họ làm, đều bằng sự tôn kính.

Uống trà như một lẽ thường

Họ tôn kính lá trà như một kho báu, nên khi chế biến, họ cố gắng giữ được tất cả những gì đẹp đẽ nhất của trà, và sử dụng nó trong những trà cụ quý giá. Họ tôn kính người khách đến chơi trong mỗi tiệc trà nên mọi hành động, mọi đồ vật được sử dụng cũng là để bày tỏ niềm vui khi khách đến chơi. Họ tôn kính vẻ đẹp thiên nhiên, họ quý trọng không gian và thời gian, nên mỗi một chiếu trà, họ đều dựa theo đó mà bày trí. Họ trân trọng mọi cơ hội gặp gỡ theo quan điểm “nhất kỳ nhất hội” nên họ chú tâm tuyệt đối vào từng hành động, thao tác, cử chỉ, họ đã không muốn bỏ qua bất cứ chi tiết nhỏ nào có thể làm họ hối hận.

Người Việt chúng ta không thế. Chúng ta hiếu khách, nhưng không đề cao những nguyên tắc. Chúng ta luôn cố gắng đem lại cho nhau một sự dễ chịu, thay vì không khí được tôn trọng đến mức tôn nghiêm. Và cũng nên nhìn nhận một cách thực tế, chúng ta thiếu rất nhiều lễ nghi, để đưa trà trở thành một sự kiện mang tính chất hàn lâm hay một tín ngưỡng. Cho dù, Việt Nam ta có nhiều chủng loại trà quý hay nhiều câu chuyện chưa khai thác. Thế nên, trà Việt, ngay lúc này đây, thật khó để nâng mình để cao bằng ai.

Không có “trà đạo”, không sao cả. Người Việt vẫn luôn có ấm chè tươi. Việc dùng trà không nhất thiết phải trở nên cao quý hay mang trong đó nhiều sứ mệnh, bởi lẽ trà đã tồn tại cùng Việt Nam, có khi là, cả nghìn năm nay. Cho tới bây giờ, tôi vẫn nghĩ không cần thêm vào trà Việt các giá trị cao siêu mà cứ giữ cho nó gần gũi như bây giờ. Bởi sẵn ở đó, trà vẫn luôn tồn tại với người Việt một cách tự nhiên, len lỏi vào trong đời sống nhiều góc độ khác nhau, nơi mà, chúng ta uống trà như một lẽ thường.

Ngọc Linh

Trà sen tháng 6

Trà sen tháng 6

Một chén trà nho nhỏ chứa đựng hương đất trời, hoa lá... để trong một đêm xa xứ có đủ cho lòng vơi nhẹ nỗi hoài hương.