Giải thưởng do Ủy ban Tuần lễ Sách Văn hóa Trung Quốc - Đông Nam Á, Tập đoàn Xuất bản Quảng Tây và Baidu đồng tổ chức. Việc xét chọn dựa trên dữ liệu thực tế tại Trung Quốc, bao gồm số lượng tiêu thụ, phản hồi của độc giả và đánh giá từ truyền thông.
![]() |
Bìa sách Người Hà Nội chuyện an chuyện uống một thời |
Cuốn sách của Tiến sĩ Vũ Thế Long đứng thứ 8 trong số 20 sách Đông Nam Á có sức ảnh hưởng tại Trung Quốc, đạt 4.73 điểm. Tại lễ trao giải trong khuôn khổ Tuần lễ Sách Văn hóa Trung Quốc - ASEAN 2025 (3-6/7 tại Nam Ninh, Quảng Tây), đại diện Ban tổ chức nhận xét: "Với ngòi bút tinh tế, 'Người Hà Nội – chuyện ăn, chuyện uống một thời' đã mang đến cho độc giả Trung Quốc bức tranh sống động về sự biến đổi trong văn hóa ẩm thực Hà Nội và Việt Nam. Tác phẩm truyền tải những suy nghĩ của tác giả về sự kế thừa, đổi mới của ẩm thực Việt, cùng tình yêu sâu sắc của ông dành cho văn hóa dân tộc. Đây là một tác phẩm xuất sắc kết hợp trọn vẹn kiến thức với những xúc cảm ấm áp.”
"Người Hà Nội – chuyện ăn, chuyện uống một thời" (Chibooks xuất bản năm 2021) là thành quả của nhiều năm nghiên cứu tư liệu và thực địa của tác giả Vũ Thế Long. Cuốn sách đưa người đọc ngược dòng thời gian về đầu thế kỷ 20, khám phá cách người Hà Nội ăn uống, chế biến và sáng tạo ẩm thực, cũng như cách họ đón nhận hay "đồng hóa" những nét ẩm thực mới du nhập qua các luồng giao lưu Đông - Tây, Nam - Bắc.
Sự kết hợp giữa trải nghiệm cá nhân của một người Hà Nội gốc và nghiên cứu tỉ mỉ từ văn bản, hiện vật khảo cổ đến tư liệu "sống" từ thế hệ trước, đã tạo nên một cuốn sách giàu thông tin nhưng vẫn chân thực, sống động. Độc giả có thể cảm nhận "chiều sâu" của ẩm thực và bản sắc văn hóa Hà Nội trong suốt thế kỷ 20 đầy biến động.
Ngay khi ra mắt, sách đã được độc giả trong nước đón nhận nồng nhiệt và thu hút sự chú ý của các nhà xuất bản nước ngoài. Với những giá trị nội dung nổi bật, ấn bản tiếng Trung của tác phẩm cùng với "Vắt qua những ngàn mây" (tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng) do Chibooks thực hiện đã được Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây mua bản quyền và xuất bản tại Trung Quốc. Lễ ra mắt và giao lưu tác giả đã diễn ra vào ngày 16/11/2024 tại Tuần lễ Văn hóa Sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024.
![]() |
Bìa sách Người Hà Nội chuyện ăn chuyện uống một thời - ấn bản tiếng Trung |
Phát biểu tại sự kiện, Tiến sĩ Vũ Thế Long bày tỏ: "Tôi mong muốn những câu chuyện trong sách giới thiệu cách người Việt Nam thưởng thức món ăn Trung Hoa tại Việt Nam, và sự khác biệt của món ăn Trung Hoa khi du nhập vào Việt Nam. Tôi cũng tự hỏi liệu người Trung Quốc có ăn phở Việt Nam hay không."
Dịch giả Phí Thanh Đóa, người đã dịch cuốn sách từ năm 2021 khi đang sống tại Hà Nội, chia sẻ: "Tác giả Vũ Thế Long dùng những câu từ tự nhiên mà tinh tế để kể về Hà Nội trong ký ức của ông. Khi đọc sách, tôi cảm thấy như đang trò chuyện với một ông lão, nghe ông kể chuyện xưa. Cuốn sách giúp người đọc hiểu nhiều khía cạnh đời sống người Hà Nội xưa, lịch sử và câu chuyện đằng sau những nét văn hóa ẩm thực."
Cô Đóa đặc biệt ấn tượng với câu chuyện tác giả đi chợ Đồng Xuân cùng mẹ, qua đó không chỉ thấy phong cách sống và văn hóa Hà Nội mà còn cảm nhận được tình mẹ con ấm áp. Cô khuyến khích những ai yêu thích văn hóa Việt Nam nên đọc cuốn sách này.
![]() |
Hai cuốn sách Người Hà Nội và Vắt qua những ngàn mây tại Hội sách TQ 02 |
Trong lời tựa sách, Tiến sĩ Vũ Thế Long chia sẻ về lý do ông viết cuốn sách này: "Về lý lịch, tôi là người Hà Nội. Gia đình tôi là gia đình Hà Nội. Tôi liều viết về chuyện ăn, chuyện uống của người Hà Nội vì cứ chủ quan nghĩ rằng đã là người Hà Nội thì thế nào cũng viết được. Cầm bút lên mới thấy bí." Ông cũng đặt câu hỏi về định nghĩa "Người Hà Nội", khi ngày nay Hà Nội là nơi hội tụ của nhiều luồng văn hóa, nhiều thế hệ người nhập cư đã "Hà Nội hóa" và góp phần làm phong phú thêm văn hóa Thủ đô.
Ông Long nhấn mạnh vai trò của ăn uống trong văn hóa: "Ăn uống là một mặt rất quan trọng của văn hóa. Tìm ra cái bản sắc của văn hóa ăn uống Việt Nam - Hà Nội và đi sâu hơn nữa, bản sắc trong sự ăn uống của người Hà Nội để rồi từ đó mà gìn giữ, phát huy và phát triển nền văn hóa ăn uống của Hà Nội là điều không kém hệ trọng để xây dựng một nền văn hóa Hà Nội mới."
Ông tin rằng việc tìm hiểu cách người Hà Nội ăn uống từ đầu thế kỷ 20 đến nay, thông qua lời kể của các bậc cao niên và trải nghiệm cá nhân, sẽ giúp hiểu và bảo tồn văn hóa ẩm thực. Ông cũng mạnh dạn đề xuất ẩm thực là "nghệ thuật thứ tám", bởi "ăn uống cũng là một nghệ thuật".
Cuốn sách là minh chứng cho sự biến đổi liên tục của ẩm thực Hà Nội dưới tác động của lịch sử, giao lưu văn hóa, và các luồng di cư, tạo nên một nền ẩm thực phong phú và đa dạng như ngày nay.
Tiến sĩ Vũ Thế Long, sinh năm 1947 tại Hà Nội, là nhà nghiên cứu cổ sinh vật học, nhân học, môi trường và lịch sử văn hóa. Ông từng là Trưởng ban Nghiên cứu Con người và Môi trường thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam. Hiện ông là Thư ký Câu lạc bộ Văn hóa Nghệ thuật Ăn uống và Ủy viên chấp hành Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam.
Mực một nắng Phan Thiết và bún mắm Sóc Trăng: Hai đặc sản Việt Nam lọt top ẩm thực thế giới do Taste Atlas bình chọn
Mực một nắng Phan Thiết và bún mắm Sóc Trăng vừa được Taste Atlas vinh danh trong top món hải sản ngon nhất thế giới, đưa ẩm thực Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ ẩm thực toàn cầu.