Vì sao thuỷ điện Rào Trăng 3 dễ bị sạt lở?

Thuỷ điện Rào Trăng 3 nằm trong cụm 4 hồ chứa dày đặc trên đoạn sông dài chưa tới 30km. Địa hình khu vực dốc, tầng đất yếu và mưa nhiều.

Thủy điện Rào Trăng 3 do Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Trường Sơn làm chủ đầu tư và được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép đầu tư tháng 11/2008. Dự án được xây dựng trên thượng nguồn sông Rào Trăng (nhánh cấp I của sông Bồ), thuộc huyện Phong Điền, nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.

Công suất chỉ 13MW, tốn đến hơn 46 ha đất rừng

Thủy điện Rào Trăng 3 là nhà máy thủy điện thứ 13 tại Thừa Thiên - Huế được cấp phép đầu tư xây dựng. Dự án này có công suất lắp máy 11 MW, tổng nguồn vốn đầu tư 290 tỷ đồng. Đến nay, Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đã hoàn tất 90% hạng mục xây dựng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là hơn 11 ha, trong đó diện tích khu vực lòng hồ là 8,8 ha.

Vào năm 2016, Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đối với dự án thủy điện Rào Trăng 3. Dự án có nhiệm vụ chính là phát điện lên lưới điện quốc gia. Sơ đồ khai thác gồm đập chính dâng kết hợp đập tràn xả lũ trên sông Rào Trăng, tuyến năng lượng bờ phải và nhà máy thủy điện kiểu hở xả nước trở lại sông Rào Trăng.

Trong lần điều chỉnh này, chủ đầu tư dự án được thay đổi từ Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Trường Sơn sang Công ty Cổ phần Thủy điện Rào Trăng 3. Tổng vốn đầu tư dự án được nâng lên gần 409 tỷ đồng. Dự án được thay đổi công suất lắp máy lên 13 MW, diện tích đất sử dụng theo đó nâng lên hơn 46,25 ha.

 Thuỷ điện  Rào Trăng 3 nhìn từ trên cao. Ảnh chụp màn hình từ Google Maps
Thuỷ điện Rào Trăng 3 nhìn từ trên cao. Ảnh chụp màn hình từ Google Maps

Tại Thừa Thiên Huế , theo quy hoạch có đến 21 dự án thuỷ điện với tổng công suất 450MW. Với các thủy điện nhỏ, còn được gọi là thủy điện bậc thang, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 11 dự án, tổng công suất các nhà máy khoảng 105,8 MW.

Bộ Tài nguyên và Môi trường từng lưu ý, các công trình thủy điện đã và đang xây dựng ở Thừa Thiên - Huế phần lớn là các công trình đập lớn với hồ chứa có dung tích chứa nước từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu m3. Do đó, khi xây dựng đập thường làm ngập một diện tích đất đai lớn trong khu vực lòng hồ, đồng thời trong quá trình vận hành, khai thác cũng gây tác động tới tài nguyên và môi trường trong lưu vực sông.

Từ năm 2011, Bộ đã cảnh báo về những bất cập trong xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện ở tỉnh này.

Thuỷ điện Rào Trăng 3 đã được hoàn thành 90%. Ảnh: Sức Khoẻ Cộng Đồng
Thuỷ điện Rào Trăng 3 đã được hoàn thành 90%. Ảnh: Sức Khoẻ Cộng Đồng

Các nhà khoa học cũng không ít lần kiến nghị cần xem xét đánh giá kỹ lưỡng tác động của một số dự án trong quy hoạch thủy điện nhỏ, như dự án thủy điện cụm Rào La, Rào Trăng 3, Rào Trăng 4. Các nhà khoa học cho rằng, những dự án trên sẽ ảnh hưởng đến khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. Thừa Thiên - Huế cần nghiên cứu điều chỉnh giảm mức nước trước lũ ở các hồ chứa, tăng dung tích phòng lũ của các công trình hồ chứa thủy điện,…

Vùng núi dốc, tầng đất mỏng, mưa nhiều

Thuỷ điện Rào Trăng nằm trên vùng núi Trường Sơn Bắc. Đây là vùng núi thấp nhưng vẫn được nâng cao ở hai đầu, trong đó phía Nam là vùng núi Tây Thừa Thiên - Huế. Đoạn qua thuỷ điện Rào Trăng 3 được gọi là vùng núi trung bình động Ngài.

Ở đây không những các đỉnh cao nối nhau mà còn phân bố rộng ra hai phía trục phân thủy Trường Sơn Bắc và tạo nên vòm nâng khối tảng đồ sộ khác thường với độ cao trên 1.400 m, trong đó động Ngại cao tới 1.774 m.

Sườn vùng núi trong khu vực Rào Trăng dốc khoảng 20-30 độ, có nơi dốc đến 40-45 độ. Với độ dốc này, vùng núi trung bình động Ngại như một bức tường thiên nhiên ngăn chặn gió Tây Nam khô nóng và đón nhận gió mùa Đông Bắc. Các yếu tố trên đưa khu vực này trở thành một trong những trung tâm mưa lớn của Thừa Thiên - Huế.

Vùng núi trung bình động Ngài có đỉnh cao gần 1.800m, sườn dốc,  địa hình  chia cắt mạnh. Nguồn: Atlat Địa lý Việt Nam
Vùng núi trung bình động Ngài có đỉnh cao gần 1.800m, sườn dốc, địa hình chia cắt mạnh. Nguồn: Atlat Địa lý Việt Nam

Theo mô tả từ Atlat Địa lý Việt Nam, khu vực này có hình thái núi dạng tam giác với sườn thoải về hai bên, khoảng cách giữa những bậc địa hình khá ngắn. Cùng với độc dốc lớn, việc phân tầng độ cao mạnh vừa tạo ra lợi thế về thuỷ lực để phát triển thuỷ điện nhưng lại vừa tạo thành “máng trượt” cho nước mỗi khi mưa lớn và đất đá mỗi khi sạt lở.

Do địa hình bị chia cắt mạnh, khí hậu ẩm ướt, lớp phủ thực vật phát triển dày đặc, lại nằm ở nơi xa xôi, hẻo lánh, đi lại khó khăn, nên vùng núi trung bình động Ngại trước giờ luôn kỳ bí, ít người biết đến.

Nền đất ở khu vực Phong Điền cũng có nguy cơ sạt lở lớn. Huyện này có đến 1.736 ha đất xói mòn trơ sỏi đá (leptosols), hơn 450 ha đất thung lũng dốc tụ (dystric gleysols) và một phần không nhỏ đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất (ferralic acrisols), đất vàng nhạt trên đá cát (ferralic acrisols),…

Đây đều là những loại đất có thành phần cơ giới nhẹ, kết cấu kém hoặc không có kết cấu. Tầng đất mặt thường bị bào mòn, rửa trôi mãnh liệt nên còn rất mỏng, có nơi để trơ ra cả đá gốc. Có nơi tầng đất lộn xộn, do thường xuyên ngập nước nên đất bí, bị mất cấu trúc, chứa nhiều chất độc ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của các loại cây.

Thuỷ điện nhỏ làm gia tăng ngập lụt

Thuỷ điện dày đặc lắp đầy thượng nguồn sông trên tầng đất đá yếu ở khu vực có tâm mưa lớn, được nhiều nhà khoa học kết luận là nguyên nhân dễ dẫn đến thiên tai mỗi khi có hiện tượng thời tiết cực đoan tại Thừa Thiên - Huế. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu và phóng chống thiên tai Đại học Việt Nhật từng khẳng định quan điểm này trong một buổi chia sẻ trước báo chí.

Theo ông, sự phát triển rất nhiều của các hồ thuỷ điện ở thường nguồn sẽ rất khó để vận hành và điều tiết. Tuy đã có quy định về việc điều hành và điều tiết lượng nước ở các hồ nhưng khi lượng mưa quá lớn và lượng hồ chứa quá nhiều, việc điều hành sẽ khó thể đạt hiệu quả.

Hiện trường sạt lở thuỷ điện Rào Trăng 3. Ảnh: Pháp Luật Online
Hiện trường sạt lở thuỷ điện Rào Trăng 3. Ảnh: Pháp Luật Online

Đặc biệt, các hồ chứa thuỷ điện nhỏ lại không thể phát huy vai trò điều tiết lượng nước như các hồ có dung tích lớn. Điều này dễ dẫn đến việc lượng nước xả ra gần như xấp xỉ lượng nước đổ vào. Một khi các hồ ở phía trên xả nước, các hồ bên dưới cũng phải đồng loạt xả theo, tạo chuỗi liên hoàn, gây áp lực lớn cho vùng hạ lưu.

Vị này nhấn mạnh: “Thủy điện vừa và nhỏ chẳng đóng góp được gì cho kiểm soát lũ lớn. Nó lại còn làm cho rủi ro ngập lụt gia tăng mà thôi. Càng nhiều thuỷ điện nhỏ lại càng nguy hiểm”.

Trở lại với Rào Trăng, đây là dòng phụ lưu của sông Bồ, có chiều dài khoảng 26 km. Sông bắt nguồn từ vùng núi cao ở Tây Nam xã Phong Mỹ, trong đó có đỉnh Va La Dút cao 1346 m.

Dài chưa đến 30km với độ cao thượng nguồn hơn 1.300 m, sông Rào Trăng lại cõng trên mình 4 bậc thuỷ với tổng công suất lắp máy 89 MW, gồm thuỷ điện Alin B1, Alin B2, Rào Trăng 3 và Rào Trăng 4. Đáng chú ý, cụm thuỷ điện Alin - Rào Trăng nằm hẳn trong vùng lõi và khu phục hồi sinh thái của Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.

Sông Rào Trăng dài 26km đang có 4 bậc thuỷ điện với công suất nhỏ. Ảnh chụp màn hình từ Google Maps
Sông Rào Trăng dài 26km đang có 4 bậc thuỷ điện với công suất nhỏ. Ảnh chụp màn hình từ Google Maps

Các công trình thủy điện đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống sinh thái, tài nguyên rừng và nhiều diện tích rừng buộc phải chuyển đổi mục đích. Giai đoạn 2016-2017, khu vực này có hơn 63 ha rừng bị chặt hạ với khối lượng gỗ được tận thu là 349 m3. Chỉ tính riêng việc xây dựng 2 dự án thủy điện Alin B2 và Rào Trăng 3, Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền đã mất gần 30 ha rừng tự nhiên.

Trưa 12/10, người dân gọi điện báo sạt lở núi lắp nhà điều hành thuỷ điện Rào Trăng 3. Ngay lập tức 2 tiếng sau, đoàn 26 người từ Huyện uỷ Phong Điền đi khảo sát hiện trường. 16h cùng ngày, 21 cán bộ đi bộ vào từ vị trí cách thuỷ điện 13km vì phương tiện không còn đường đi,

Đêm 12/10, đoàn cán bộ, chiến sĩ gặp khó khăn khi tiếp cận công trình thủy điện Rào Trăng 3 nên phải tạm nghỉ ở Trạm kiểm lâm số 7. Trong đêm, trời mưa to nên một khối lượng đất, đá từ quả đồi sạt lở xuống lán tạm mà đoàn công tác đang nghỉ ngơi.

Đến trưa 13/10, Ban chỉ huy tiền phương (đóng tại Thừa Thiên - Huế) đã liên lạc được với 8 chiến sĩ kịp thoát nạn, 13 người còn lại bị mất liên lạc. Công tác tìm kiếm cứu nạn bức tốc triển khai cho cả công trình thuỷ điện và Trạm kiểm lâm số 7.

Đến chiều 15/10, lực lượng chức năng đã tìm thấy 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại tiểu khu 67. Thi thể của họ đã được đưa về Bệnh viện Quân y 268 ở thành phố Huế.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương