Vì sao TikTok bị Tổng thống Trump đe dọa cấm cửa?

Mạng xã hội video âm nhạc TikTok nổi đình nổi đám với hàng nghìn nghệ sĩ tham gia, đang đứng trước nguy cơ bị Mỹ cấm cửa như Huawei.

Jennifer Lopez, Will Smith, Justin Bieber, BTS, SNSD Hyoyeon, Tóc Tiên, Noo Phước Thịnh, AMEE… Hàng nghìn nghệ sĩ nổi tiếng từ trời Tây sang Châu Á đều tham gia TikTok. Đây được xem là mạng xã hội có tính cạnh tranh nhất với Facebook hiện tại.

Trị giá 100 tỷ USD chỉ sau 3 năm hoạt động

TikTok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội nổi tiếng đến từ Trung Quốc được ra mắt vào năm 2017, dành cho các thị trường bên ngoài Trung Quốc. Mạng xã hội này được phát triển bởi Trương Nhất Minh, người sáng lập của ByteDance.

Trước đây, ByteDance đã ra mắt Đẩu Âm, tiền thân của Tiktok nhưng dành riêng cho thị trường Trung Quốc vào tháng 9/2016. TikTok và Douyin giống nhau nhưng chạy trên các máy chủ khác nhau để tuân thủ các hạn chế kiểm duyệt của Trung Quốc.

Công ty TNHH ByteDance là một công ty công nghệ internet đa quốc gia của Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, được thành lập bởi Trương Nhất Minh vào năm 2012. ByteDance hiện có thị giá hơn 100 tỷ USD tính đến tháng 5/2020 và được coi là một trong những kỳ lân có giá trị nhất trên thế giới.

Tiktok được xem là đối thủ tầm cỡ của Facebook dù mới hoạt động được 3 năm. Ảnh: Tech Crunch
Tiktok được xem là đối thủ tầm cỡ của Facebook dù mới hoạt động được 3 năm. Ảnh: Tech Crunch

Tháng 11/2017, ByteDance mua công ty khởi nghiệp phương tiện truyền thông xã hội Musical.ly với giá 1 tỷ USD. Sau đó, công ty này đã hợp nhất Musical.ly với TikTok để trở thành một ứng dụng toàn cầu duy nhất, giữ tên là TikTok.

Hồi tháng 5, ByteDance và Disney đưa ra thông báo rằng Kevin Mayer, người đứng đầu mảng phát trực tuyến của Disney, sẽ tham gia ByteDance. Một tháng sau, Mayer trở thành Giám đốc điều hành của TikTok và Giám đốc tài chính của ByteDance.

Chỉ có tuổi đời được ba năm nhưng ngày nay, Tiktok đã là nền tảng video ngắn hàng đầu ở Châu Á. Đây được xem là ứng dụng có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, với cộng đồng video âm nhạc lớn nhất trên toàn cầu. Ứng dụng này đạt 150 triệu người dùng hoạt động hàng ngày và 500 triệu người dùng hoạt động hàng tháng vào tháng 6/2018. TikTok còn là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên thế giới trong quý đầu tiên năm 2018, với ước tính 45,8 triệu lượt tải xuống.

Ngoài trụ sở ByteDance tại Bắc Kinh, TikTok còn có các văn phòng toàn cầu, bao gồm Dublin, Los Angeles, New York, London, Paris, Berlin, Dubai, Mumbai, Singapore, Jakarta, Seoul và Tokyo. 

Nhiều nghệ sĩ Việt Nam đang đua nhau dùng TikTok.
Nhiều nghệ sĩ Việt Nam đang đua nhau dùng TikTok.

Sau khi được ByteDance rót hàng triệu nhân dân tệ, TikTok vươn ra nước ngoài rầm rộ. Đến tháng 9/2017, nó bắt đầu mở rộng sang thị trường Indonesia. Đầu năm 2018, ứng dụng xếp hạng đầu về lượt tải xuống ứng dụng di động miễn phí ở Thái Lan.

TikTok đã được tải xuống hơn 80 triệu lượt tại Mỹ và đã đạt 2 tỷ lượt tải xuống trên toàn thế giới, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu di động Sensor Tower. Tháng 9/2019, TikTok và Liên đoàn bóng đá quốc gia Hoa Kỳ (NFL) đã công bố mối quan hệ đối tác. Sự hợp tác đòi hỏi NFL phải lập một tài khoản TikTok chính thức nhằm mang lại những cơ hội tiếp thị mới cho mạng xã hội này tại xứ cờ hoa.

TikTok lén gửi dữ liệu người dùng?

Tuy vậy, TikTok từng vướng không ít bê bối. Tháng 7/2018, TikTok bị cấm ở Indonesia, sau khi chính phủ nước này cáo buộc ứng dụng truyền bá "nội dung khiêu dâm, nội dung không phù hợp và xúc phạm tôn giáo”. Ngay sau đó, TikTok cam kết ủy nhiệm 20 nhân viên để kiểm duyệt nội dung tại Indonesia và lệnh cấm được dỡ bỏ chỉ sau một tuần.

Đến tháng 11/2018, chính phủ Bangladesh chặn không cho truy cập internet vào ứng dụng TikTok.

Tháng 1/2019, một số chính trị gia Ấn Độ kêu gọi cấm TikTok hoặc quy định chặt chẽ hơn, sau khi có những lo ngại về nội dung khiêu dâm, đe doạ trực tuyến và các vụ lừa đảo không được kiểm duyệt trên ứng dụng.

TikTok cũng khiến người dùng toàn cầu khó chịu khi cấm nội dung về người đồng tính hoặc quyền của cộng đồng LGBT. Người dùng phát hiện mạng xã hội này chặn các clip quay cặp đồng giới nắm tay nhau, kể cả ở các quốc gia mà cộng đồng LGBT không bị xem là bất hợp pháp và hoàn toàn được ủng hộ.

Vận đen của TikTok chính thức bắt đầu vào năm ngoái khi Viện Kinh tế Quốc tế Hoa Kỳ kết luận TikTok là “một vấn đề có quy mô như Huawei”, gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia đối với phương Tây. Đơn vị này cho rằng, TikTok đang lén truyền tải dữ liệu vị trí, hình ảnh và sinh trắc học cho công ty mẹ Trung Quốc.

TikTok là ứng dụng từ Trung Quốc hiếm hoi đang rất phổ biến ở Mỹ. Ảnh: Getty
TikTok là ứng dụng từ Trung Quốc hiếm hoi đang rất phổ biến ở Mỹ. Ảnh: Getty

Mọi việc chưa lắng xuống thì đến tháng 10/2019, Thượng nghị sĩ Marco Rubio đã yêu cầu Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) mở một cuộc điều tra về TikTok và công ty mẹ ByteDance. Cùng thời gian, Thượng nghị sĩ Tom Cotton và Chuck Schumer đã gửi thư cho Giám đốc Tình báo Quốc gia yêu cầu đánh giá mức độ an ninh của TikTok.

Cuối năm ngoái, Hải quân và Quân đội Mỹ đã cấm TikTok từ tất cả các thiết bị do chính phủ cấp. Noi gương, Lực lượng Quốc phòng Australia cũng cấm TikTok trên các thiết bị của mình.

Đầu tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố rằng chính phủ Mỹ đang xem xét việc cấm TikTok. Đến cuối tháng 7, Tổng thống Donald Trump yêu cầu ByteDance thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng và đe dọa sẽ đóng cửa hoạt động tại Mỹ vào tháng 8 này nếu công ty không tuân thủ. Ngay sau đó, ông Trump lập tức tuyên bố kế hoạch cấm TikTok tại Mỹ và phản đối việc mua lại TikTok từ bất kỳ công ty nào có trụ sở tại Mỹ.

Tổng thống Trump cấm TikTok để trả thù riêng?

Từ khi bị phía Mỹ cáo buộc lén gửi dữ liệu người dùng, ByteDance luôn tuyên bố rằng TikTok không hoạt động ở Trung Quốc và dữ liệu của nó được lưu trữ bên ngoài Trung Quốc. Chính sách quyền riêng tư của TikTok bảo lưu mọi dữ liệu và cam kết không chia sẻ bất kỳ thông tin nào với chính quyền Trung Quốc.

Đến khi Tổng thống Trump có ý định cấm đứt TikTok, không ít chuyên gia cho rằng lệnh cấm này có thể đe dọa tự do ngôn luận và "thiết lập một tiền lệ rất có vấn đề" đối với việc cấm các ứng dụng ở Mỹ.

Các chuyên gia Mỹ cũng lên tiếng rằng đến nay vẫn không thể xác minh đầy đủ cho việc dữ liệu người dùng được thu thập bởi TikTok đang được Chính phủ Trung Quốc sử dụng hoặc thu thập. Nhiều tổ chức công nghệ Mỹ còn chỉ ra, dữ liệu mà TikTok thu thập còn ít hơn so với dữ liệu được thu thập bởi Facebook.

Lệnh cấm của Trump cũng bị người dùng TikTok lên án rộng rãi. nhiều người khẳng định rằng các quan ngại về an ninh quốc gia đang được chính quyền sử dụng để “che giấu lệnh cấm nhằm trả thù cho Trump”. Nhiều người cho rằng, vị tổng thống Mỹ đang cay cú vì thr cửa cho người dùng đăng tải hàng tá nội dung châm biếm hoặc chỉ trích ông, đặc biệt là các nội dung chỉ trích liên quan đến phản ứng của Trump đối với các cuộc biểu tình về George Floyd.

Không ít video xúc phạm Tổng thống Donald Trump được lưu hành trên TikTok. Ảnh: Sky News
Không ít video xúc phạm Tổng thống Donald Trump được lưu hành trên TikTok. Ảnh: Sky News

Một số người dự đoán rằng lệnh cấm TikTok nếu thành hiện thực, sẽ dẫn đến phản ứng chính trị khó lường. Lệnh cấm này có thể khiến nhiều người dùng TikTok bỏ phiếu chống lại Trump để quay sang ủng hộ ứng cử viên Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay.

Tuy vậy, phía TikTok cũng rất hợp tác với chính quyền Mỹ. Ngày 1/8, ByteDance đã đồng ý thoái vốn khỏi TikTok hoàn toàn để ngăn chặn lệnh cấm ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác như Nhật Bản, Pakistan và Australia. Một thỏa thuận sơ bộ để bán TikTok cho Microsoft đã được đệ trình lên Tổng thống Trump xem xét, trong đó Microsoft sẽ đảm nhận trách nhiệm quản lý dữ liệu.

Được biết sau khi các cố vấn của Nhà Trắng thuyết phục ông tạm dừng lệnh cấm TikTok vì những hậu quả chính trị và pháp lý có thể xảy ra, ông Trump đã đồng ý. Tổng thống Mỹ cam kết sẽ không có bất kỳ hành động nào trong 45 ngày tới đối với TikTok để cho phép ByteDance thoái vốn. Đồng thời, ông Trump cũng có thái độ hoà nhã hơn nếu Microsoft hoặc một tập đoàn khác của Mỹ muốn mua lại mạng xã hội này.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương