Cuốn tiểu thuyết “Như sơ” (NXB Phụ nữ Việt Nam và Linh Lan Books vừa ấn hành) của nhà văn trẻ Việt Chi được hình thành bởi sự rung động cảm hứng của tác giả từ cuộc hôn nhân đó của Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải và Công chúa Phụng Dương ở thời nhà Trần.
Theo sử ghi, công chúa Phụng Dương là con ruột của Tướng quốc Thái sư và phu nhân Tuệ Chân. Công chúa từ bé đã được khen là hiền hậu, thông minh, được Vua Trần Thái Tông nhận nuôi, đón vào cung học lễ nghi từ sớm, sau này được vua ban hôn cho con trai ngài - Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải. Nhưng lúc đó, Trần Quang Khải do đang đau buồn vì người thiếp quá cố, nên lạnh nhạt với công chúa.
Với nữ tác giả trẻ Việt Chi, viết sách do bởi quá yêu văn hóa và lịch sử nước nhà. Ảnh: L.Q.V |
Dù vậy, công chúa vẫn luôn hết lòng yêu thương chồng, hòa nhã với thứ thiếp và khoan dung với cả người ăn kẻ ở trong nhà. Chuyện lớn nhỏ trong phủ thì công chúa quán xuyến lo liệu tươm tất. Việc chăm con hay khâu vá, nấu nướng nàng cũng rất giỏi. Đồng thời, nàng cũng rất chừng mực không can dự đến việc trong triều của Đại vương.
Cảm động trước những đức tính tốt đẹp và tình yêu thương son sắt công chúa dành cho mình, nên đến khi nàng mất, Chiêu Minh Đại vương (khi ấy đã làm đến chức Thượng tướng Thái sư), đã đặt vào tay nàng mảnh giấy có những con chữ yêu thương da diết "Lai sinh chi nhật, nguyện vi phu phụ như sơ".
Cuốn tiểu thuyết “Như sơ” vừa ra mắt đã cuốn hút bạn đọc |
Tiêu đề tiểu thuyết "Như sơ" đến từ câu thơ mà Trần Quang Khải đặt vào tay Phụng Dương trước lúc bà lâm chung: "Lai sinh chi nhật, nguyện vi phu phụ như sơ" (Nếu có kiếp sau, mong được làm vợ chồng như xưa). Bối cảnh thời điểm buồn đó thực ảm đạm, với các gương mặt rầu rĩ của những người làm, còn ngoài trời, mưa ào ào đổ cùng với sấm chớp rền vang chát chúa, đầy tính liêu trai. Những dòng thơ ấy, sau đó được rộng mở hơn và như được tan hòa trong nhân gian, để rồi văng vẳng huyền ảo giữa đất trời: "Thiên lý giang sơn, Nam quốc hữu minh quân, vọng Nam quốc thịnh. Vạn lý thâm tình, lai sinh chi nhật, nguyện vi phu phụ như sơ” (Non sông rộng lớn, nước Nam có minh quân, mong nước Nam hưng thịnh. Tình cảm sâu đậm, nếu có kiếp sau, mong được làm vợ chồng như xưa).
Tác giả của “Như sơ” có tên đầy đủ là Nguyễn Hà Việt Chi, sinh năm 1999 tại Hà Nội. Năm 2021, Việt Chi tốt nghiệp ĐH Thủ đô Hà Nội. Bởi mê viết văn, yêu lịch sử, nên cô đã viết truyện, lấy cảm hứng từ lịch sử và đăng lên mạng xã hội khi bắt đầu học đại học. Việt Chi đã chia sẻ: “Trong "Như sơ", Trần Quang Khải không phải chỉ biết mỗi chuyện yêu đương. Ngài biết mình sinh ra trong dòng dõi hoàng tộc, được hưởng vinh hoa phú quý hơn người, ắt cũng gánh trên vai trọng trách nặng hơn người, thế nên, bao văn - võ tài hoa, ngài đều dốc cả ra để cống hiến cho đất nước.
Tại buổi talkshow “Một thế hệ, một tiếng nói”, nhân dịp ra mắt tiểu thuyết “Như sơ” của tác giả Việt Chi |
Đó là lý do ở chương đầu, có một Trần Quang Khải chán chường uống rượu, bỏ đi biệt tích cả năm trời, vì người trong lòng yêu đã mất. Nhưng dần dần các chương sau, có một Trần Quang Khải lúc rảnh thích ngâm thơ, sáng sớm lại luyện gươm trước sân nhà, mặc thường phục đi thị sát, hằng tháng vẫn đều đặn vào kinh chầu, đều đặn cho binh lính dưới trướng tập trận, ngài tiếp sứ giả, ngài cầm quân ra trận, ngài dẹp loạn, ngài thu phục các tù trưởng quy thuận triều đình... Để rồi tới cuối cuốn sách, trước khi tạ thế, lời ngâm của ngài nêu rất rõ hai vế - thứ nhất là mong non sông hưng thịnh, sau đó mới đến chuyện tình cảm riêng tư.
Chiêu Minh Đại vương Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải vừa đứng đầu hàng quan văn thời bình, vừa là võ tướng cầm quân thời chiến, lời ước cuối đời này ngài không thẹn với xã tắc, cũng không phụ người con gái ngài yêu. Theo một góc nhìn lãng mạn hơn, vị trí Phụng Dương trong lòng ngài cao đến nhường nào và việc mong mỏi được nên duyên vợ chồng với nàng vào kiếp sau được ngài xem trọng ra sao. Từ lúc viết bản cũ 2019 - 2020 đến nay, đây luôn là chi tiết tâm đắc của tôi”.
Các bạn đọc trẻ rất háo hức ghi cảm nhận của mình với tác giả Việt Chi ra mắt tiểu thuyết đầu tay “Như sơ” |
Nhân “Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam 2024” đang diễn ra tại Hà Nội, trong talkshow “Một thế hệ, một tiếng nói” (nhân dịp ra mắt tiểu thuyết “Như sơ” của tác giả Việt Chi) do sự phối hợp tổ chức của nhà sách Phương Nam, Linh Lan Books và Phố sách Hà Nội trong ngày 18.4.2024, tác giả “Như sơ” đã giãi bày tâm tình: “Khi đọc chính sử, tôi thấy rất có cảm xúc với mối tình giữa Chiêu Minh Đại Vương và Phụng Dương. Đặc biệt là được truyền cảm hứng từ đức tính nhẫn nại, hy sinh hết lòng của bà. Sau đó, tôi quyết định viết một truyện ngắn dựa trên mối tình này, chỉ để cho vui. Nhưng rồi, do mạch ngầm tuôn chảy, tôi đổi ý, chuyển thành tiểu thuyết và thấy mình cần phải nghiêm túc, phải tham khảo, tra cứu sử liệu nhiều hơn”.
Việt Chi cũng chia sẻ rằng: “Lúc đầu khi “Như sơ” còn là một bản thảo văn học mạng, được độc giả tiếp nhận, cũng là lúc tôi phải chịu nhiều áp lực và có phần căng thẳng. Tôi đã phải dừng viết một thời gian. Nhưng sau đó, tác phẩm đã được chỉnh sửa với sự đồng hành của ban biên tập, để ra đời với hình thức lẫn nội dung chỉn chu và phần chú thích sử liệu được xử lý tỉ mỉ. Độc giả của chúng tôi rất trẻ, thậm chí nhỏ tuổi. Vậy nên, chúng tôi không mong muốn gì hơn ngoài việc lan toả tình yêu lịch sử và văn học Việt đến với các bạn ấy”.
Trong đời sống của văn hóa đọc tại Việt Nam ở hai năm gần đây, các tác giả văn chương ở độ tuổi dưới 25 đã ngày càng nhiều. Nhiều người trong số đó là những tác giả mới, nhưng rất thành công khi phát hành các tác phẩm đầu tay với số lượng hàng ngàn, thậm chí hàng vạn bản in, thậm chí là với thể loại đầy thử thách như tiểu thuyết. Các tác giả còn rất trẻ như Emma Hạ My, Diệp Lâm Khánh, Mật Tiễn, Việt Chi… đã cho thấy nỗ lực đầu tư chất xám, tinh thần, trí tuệ vào văn chương, để trở thành những nhà văn của thế hệ thanh, thiếu niên mới và qua đó, bằng một cách hết sức tự nhiên, họ đã tham gia vào hoạt động quảng bá, nâng cao văn hoá đọc cho thế hệ trẻ.
Theo các chuyên gia nhận định, lứa tuổi đọc sách văn học dã sử, trinh thám… ngày càng được trẻ hoá. Các tác phẩm văn học trẻ Việt Nam đang có một lực lượng độc giả trẻ đông đảo ở độ tuổi học sinh. Điều quan trọng, các tác giả và độc giả đó ở cùng, hoặc gần lứa tuổi, nên họ dễ đồng cảm, chia sẻ chung một câu chuyện, một quan điểm, một ngôn ngữ. Việc toàn bộ 600 phiên bản đặc biệt của cuốn tiểu thuyết “Như sơ” được bán hết chỉ sau 4 ngày phát hành, đã chứng tỏ sự quan tâm của giới trẻ trong việc tìm hiểu lịch sử dân tộc, đồng thời cũng khiến chính tác giả Việt Chi phải ngỡ ngàng.
6 quyển sách hay về nói dối nên đọc
6 quyển sách này giúp bạn chặn đứng những lời nói dối và phát hiện sự thật trong bất kỳ cuộc hội thoại hay tình huống nào trong cuộc sống.