Trong họp thường kỳ sáng 24/3, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết cơ quan đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc sau quá trình cổ phần hóa ở hãng phim.
Bà Phan Linh Chi - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính của bộ - nói: "Nhà đầu tư chiến lược, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso không hợp tác tích cực. Đến nay, họ vẫn chưa đưa ra văn bản, tính toán chi phí, tiến hành các thủ tục có liên quan, đề xuất cụ thể về số tiền muốn nhận lại để hoàn trả cho Nhà nước số cổ phần đã mua của Hãng Phim truyện Việt Nam".
Theo bà Chi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về sự việc. "Nếu Vivaso đưa ra con số, chúng tôi sẽ có kế hoạch gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, đưa ra lộ trình thu hồi vốn", bà Chi nói.
Chiều 24/3, ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phim truyện Việt Nam (tên trên giấy tờ hiện hành của Hãng Phim truyện Việt Nam) - cho biết: "Năm 2018, thanh tra chính phủ đồng ý để chúng tôi được thoái vốn trước hạn. Nhưng khi thực hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại tiến hành theo hướng thu hồi cổ phần của nhà đầu tư. Khái niệm thoái vốn và thu hồi cổ phần là khác nhau. Phía Bộ yêu cầu Vivaso tính toán chi phí để hoàn trả tiền, nhưng chúng tôi thấy không có quy định nào của pháp luật hướng dẫn việc thoái vốn trong doanh nghiệp dựa trên cơ sở tính toán chi phí, cũng không biết tính toán thế nào".
Bà Chi cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng nhiều lần tìm kiếm đối tác chiến lược khác nhưng chưa thành công.
Trước vấn đề nhiều cán bộ nhân viên, nghệ sĩ của hãng bị cắt lương, bảo hiểm, bà Chi giải thích, theo quy định, nhà đầu tư chiến lược chiếm 65% vốn điều lệ, có quyền chi phối mọi hoạt động, chi trả lương, bảo hiểm nhưng do sự vướng mắc giữa ban lãnh đạo và người lao động, hãng phim không có hoạt động gì sáu năm qua.
Trong cuộc họp với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái hôm 22/3, Bộ báo cáo chi tiết những vướng mắc, chờ chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ.
Trước đó, nghệ sĩ Trà Giang cho biết xưởng phim từng có 600 nghệ sĩ, nhân viên, làm hàng chục tác phẩm mỗi năm giờ đổ nát, hoang tàn. Sự việc bắt đầu từ năm 2016, khi đơn vị chào mời cổ phần hóa, được Tổng công ty vận tải thủy Vivaso mua lại hồi 6/2017.
Sau 3 tháng, nghệ sĩ và ban lãnh đạo hãng nhiều lần đối thoại gay gắt do chậm lương, không có định hướng làm phim. Tháng 9/2018, thanh tra Chính phủ kết luận việc cổ phần hóa có nhiều sai phạm, trong đó có việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp.
Công ty vận tải thủy Vivaso - đơn vị giữ 65% cổ phần hãng phim - đề xuất thoái vốn. Nhưng sau nhiều năm, quá trình này chưa hoàn tất, khiến nghệ sĩ của hãng nhiều lần kiến nghị, căng băng rôn chất vấn bị cắt lương, bảo hiểm.
Sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải cử thanh tra hòa giải. Tuy nhiên, đến nay, công ty vận tải thủy Vivaso vẫn chưa rút khỏi hãng. Cuối năm ngoái, các nghệ sĩ kêu cứu vì 300 phim nhựa hỏng nặng do bảo quản kém.
Vinmec được ACC công nhận là trung tâm xuất sắc về tim mạch đầu tiên tại châu Á
Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Vinmec Times City (Hà Nội) và Bệnh viện Vinmec Central Park (TP.HCM) vừa chính thức nhận chứng chỉ của Hội Tim mạch học Hoa Kỳ (ACC - American College of Cardiology) về quản lý bệnh lý Suy tim và Mạch vành.