Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ gỗ tăng

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 01/2022 đạt 1,55 tỷ USD, tăng 8,3% so với tháng 12/2021 và tăng 14,3% so với tháng 01/2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,15 tỷ USD, tăng 6,8% so với tháng 12/2021, tăng 6% so với tháng 01/2021.

Cục Xuất nhập đánh giá, mặc dù trong tháng 01/2022 hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bị gián đoạn do bắt đầu tuần nghỉ Tết Nguyên Đán, nhưng trị giá xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng mạnh.

xk-go.jpg
Xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đang có dấu hiệu phục hồi nhanh

Năm 2022 nhiều thuận lợi để ngành gỗ tăng trưởng bứt phá, nhờ kinh tế toàn cầu dần phục hồi tăng trưởng sau đại dịch COVID-19, ngành xây dựng tại nhiều thị trường hoạt động mạnh thúc đẩy nhu cầu về đồ nội thất tăng. Đồng thời, sự chủ động về công nghệ sản xuất, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu nhờ việc tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo động lực thúc đẩy gỗ và sản phẩm gỗ.

Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới hầu hết các thị trường chính đều tăng trong tháng 01/2022, trong đó dẫn đầu là thị trường Hoa Kỳ đạt 928,2 triệu USD, tăng 11% so với tháng 12/2021 và tăng 12,8% so với tháng 01/2021; Tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 153 triệu USD, tăng 6,3% so với tháng 12/2021 và tăng 16,3% so với tháng 01/2021; Trung Quốc đạt 134,4 triệu USD tăng 5,4% so với tháng 12/2021, tăng 27% so với tháng 01/2021…

Một diễn biến đáng chú ý, thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU giảm. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan thống kê châu Âu, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của EU trong 11 tháng năm 2021 đạt 7,9 triệu tấn, trị giá 20,6 tỷ Eur (tương đương 23,5 tỷ USD), tăng 24,9% về lượng và tăng 19,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 11 tháng năm 2021, Ba Lan, Lít-va và Trung Quốc là 3 thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất EU, lượng nhập khẩu từ các thị trường này chiếm 50,1% tổng lượng nhập khẩu của EU. EU tăng thị phần nhập khẩu từ thị trường Lít-va và giảm tỷ trọng nhập khẩu từ thị trường Ba Lan và Trung Quốc. Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 13 cho EU, lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam đều tăng trong 11 tháng năm 2021, nhưng tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam giảm từ 1,9% trong 11 tháng năm 2020, xuống còn 1,6% trong 11 tháng năm 2021.

Đ.Khải

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương