Báo in thế giới đã làm gì trước nguy cơ bị "khai tử"?

Nhiều số liệu được đưa ra có tính chứng thực về sự suy giảm lượng phát hành của báo in trên phạm vi toàn cầu kể từ khi Internet ra đời

Một loạt tờ báo nổi tiếng trên thế giới tuyên bố “Going digital!” (chuyển sang số hoá), khi dừng xuất bản báo in để chuyển sang báo điện tử. Mở đầu, và gây sốc nhất có lẽ là tờ Newsweek, tờ tuần báo lớn thứ hai của Mỹ, chỉ sau tờ Time.

Thêm vào đó, nhiều số liệu được đưa ra từ các cuộc khảo sát có tính chứng thực về sự suy giảm lượng phát hành của báo in trên phạm vi toàn cầu kể từ khi Internet ra đời, khiến báo in dường như đang đứng trước một nguy cơ bị "xóa sổ".

Vậy báo in có thực sự bị “khai tử”?

Đứng trước thực tế, nguồn thu từ phát hành, quảng cáo, vốn là những nguồn kinh phí huyết mạch cho sự tồn tại của một tờ báo ngày càng suy giảm. Số lượng phát hành nhật báo trên toàn thế giới giảm xuống còn 24% trong 10 năm, kể từ 2007 đến 2017, trong đó doanh thu quảng cáo đã giảm 60%.

Chính sự suy giảm này đã tác động mạnh mẽ đến tất cả tờ báo, khi phải giảm tần suất in, chuyển từ báo ngày sang báo tuần, hoặc cuối tuần.

Sau gần 80 năm hoạt động, Newsweek chính thức nói lời chia tay với kỷ nguyên báo in, số cuối cùng ra mắt ngày 24/12/2012, kèm thông điệp là ký tự "#" (hashtag), ký hiệu có tính biểu tượng cho thời đại kỹ thuật số, thường xuất hiện trước các từ khóa trên mạng xã hội.

Tháng 8/2013, tờ báo hàng đầu của Mỹ, The Washington Post có lịch sử hàng trăm năm đã đổi chủ, nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos đã bỏ ra 250 triệu USD để mua lại tờ báo này, khiến thuật ngữ "báo in" biến mất một lần nữa trở thành tâm điểm, thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận quốc tế.

Sau hàng trăm năm lịch sử tờ The Washington Post nay đã chính thức đổi chủ
Sau hàng trăm năm lịch sử tờ The Washington Post nay đã chính thức đổi chủ

Không chỉ riêng đất mỹ, thị trường báo chí lớn thứ hai thế giới là Châu Âu cũng chứng kiến sự suy giảm trầm trọng của báo in.

Tính từ năm 2008 đến nay, một nửa số tòa soạn báo in tại Anh đã thực hiện cắt giảm nhân sự hoặc giảm số lượng ấn phẩm. Đặc biệt sự kiện tờ nhật báo uy tín hàng đầu của Anh, tờ Independent ngưng xuất bản ngày 26/32016, chấm dứt 36 năm thống trị trong làng báo đã thực sự gây shock cho rất nhiều người làm báo trên toàn thế giới.

Sau hơn 36 năm thống trị, tờ The Independent của Anh đã chính thức ngừng xuất bản khiến nhiều người tiếc nuối
Sau hơn 36 năm thống trị, tờ The Independent của Anh đã chính thức ngừng xuất bản khiến nhiều người tiếc nuối

Tuy nhiên, dù đứng trước thực tế khá “phũ phàng” như vậy, nhưng vẫn có không ít người tin tưởng rằng báo in sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn và vẫn có thể tồn tại lâu dài.

Bởi theo họ, dù Internet có phát triển mạnh mẽ, thì vẫn chưa thể phủ sóng tới các địa phương thuộc các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Bên cạnh đó, báo in vẫn có lợi thế để phân tích chuyên sâu, giúp người đọc nhớ lâu, nhớ sâu, và đặc biệt, mùi mực in trên trang báo mới luôn mang lại hiệu quả cảm thụ riêng tư, sâu lắng với đặc thù văn hóa đọc, mà phát thanh, truyền hình, kể cả báo điện tử cũng không bao giờ mong có được.

Đã có nhiều cuộc khảo sát diễn ra  cho thấy, trong khi số lượng báo in giảm đi ở Mỹ, Châu Âu và châu Đại dương, thì báo in dường như vẫn ổn định và có chiều hướng tăng ở Châu Á.

Ví dụ như tờ nhật báo hàng đầu của Nhật Bản - Yomiuri Shimbun, hiện là tờ báo có số lượng xuất bản lớn nhất thế giới với gần 10 triệu bản/ngày cho số buổi sáng, mặc dù thời gian gần đây cũng phải đối mặt với sự sụt giảm.

Riêng tờ báo in “Thời báo Ấn độ” có số phát hành lên đến 4 triệu bản/ngày. Tại Myanmar, hai tờ báo in Myanmar Alinn Daily và Miror Daily có số lượng xuất bản đạt gần 200 ngàn bản/ngày, nguồn thu từ bán báo và quảng cáo là 8,4 triệu USD/năm. Giá thành một trang quảng cáo là 16 USD và được phép quảng cáo 30% diện tích tờ báo.

Báo in trên thế giới đã làm gì để tự “giải thoát’?

Tờ báo khổ nhỏ bán chạy nhất ở Đức là tờ BILD Zeitung, với số lượng phát hành khoảng 3 triệu bản/kỳ, đây là tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất ở Châu Âu. Tạp chí giải trí và chỉ dẫn của Đức phát triển mạnh với khoảng 906 tờ tạp chí tổng hợp, số lượng phát hành gần 118 triệu bản và 1.218 tạp chí chuyên biệt (phát hành gần 14 triệu bản/kỳ).

Chuyển đổi cơ bản từ in báo và phát hành giá cao, sang mô hình báo miễn phí, lấy quảng cáo làm nguồn thu chính để duy trì tờ báo, hoặc các nguồn tài trợ từ các quỹ cộng đồng phục vụ dịch vụ công, hoặc Nhà nước cần tài trợ để tờ báo thực hiện nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.

Các tờ báo tìm đến những nguồn thu phi truyền thống và đồng hành với các đối tác xử lý công nghệ quảng cáo để thu tiền. Một số tờ tận dụng công nghệ tiên tiến và cung cấp các video, hoặc quảng cáo có tính cá thể hóa trên trang web (ví dụ như khi độc giả đọc báo về xe hơi, thì các quảng cáo về ô tô sẽ xuất hiện trước mặt họ).

Một số tờ báo vẫn giữ tần suất xuất bản báo in bình thường, nhưng cố gắng tận dụng lợi thế của Internet, tăng doanh thu nhờ sự hiện diện trực tuyến của các tờ báo này, áp dụng các cách thanh toán paywall để tính tiền người sử dụng nội dung thông tin của họ.

Bài học của tờ New York Times là chuyển hướng từ báo in sang báo điện tử nhưng không chạy đua theo lượng truy cập mà tập trung vào việc khai thác nội dung và bán các bài báo đó.

Đến tháng 11/2017, New York Times có hơn 1,5 triệu tài khoản đăng ký theo dõi phiên bản kỹ thuật số, tăng 0,5 triệu so với cách đây 1 năm.

Thành công của New York Times và một số tờ báo in lớn khác trên thế giới cho thấy, báo in vẫn có thể tồn tại được một cách vững vàng nếu biết thay đổi phù hợp: tích hợp được công nghệ số để làm nền tảng nhưng tập trung vào thế mạnh truyền thống của báo chí là chất lượng thông tin.

Tuy nhiên, chiến thuật này năm ăn, năm thua, và nhiều tờ báo rút khỏi mô hình này, chỉ còn lại những nhà cung cấp nội dung thông tin độc quyền và khác biệt mới có thể duy trì mô hình này.

Bên cạnh đó, nhiều tờ báo đề nghị độc giả hãy đồng hành hỗ trợ họ. Một số tờ báo sử dụng lời lẽ hết sức “tha thiết” để khích lệ người đọc trả chi phí, đơn cử như tờ Guardian của Anh.

Đổi mới mô hình quản lý tòa soạn

Cấu trúc hiện tại của các tòa soạn trong nhiều thập kỷ qua được xây dựng tập trung vào báo in và hiện tại rất khó để có thể đồng bộ được với thời đại công nghệ số.

Đứng trước bài toán sống còn, thì việc cắt giảm số lượng phóng viên là một yêu cầu khá cấp bách, đang diễn ra tại nhiều tòa soạn báo in truyền thống nếu muốn tồn tại.

Và việc 3 tòa soạn tách biệt là Philadelphia Inquirer, Daily News và Philly.com hợp lại thành một chính là một ví dụ điển hình cho các nhà quản lý báo chí thế giới học tập.

Công nghệ AR hiện đang là một công cụ khá hữu hiệu trong việc hỗ trợ các nhà quản lý báo chí tiếp cận được với công nghệ làm báo in trong kỷ nguyên số
Công nghệ AR hiện đang là một công cụ khá hữu hiệu trong việc hỗ trợ các nhà quản lý báo chí tiếp cận được với công nghệ làm báo in trong kỷ nguyên số

Trong thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay, thói quen đọc, nghe, xem của con người cũng thay đổi với sự xuất hiện của những chiếc smartphone, iPhone, iPad cầm tay, thay cho những tờ báo, những chiếc radio, những chiếc TV truyền thống thì việc áp dụng các công nghệ như AR và QR cho các ấn phẩm báo in sẽ là những chiếc chìa khóa vạn năng giúp cho người đọc tiếp cận gần hơn với báo chí rất nhiều.

Chính các phương tiện di động thông minh này sẽ trở thành một công cụ tiện ích giúp con người hưởng thụ thông tin ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào và bằng nhiều giác quan của mình. Đây cũng chính là một thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận và đối mặt với nó.

Tuy nhiên, điều quan trọng và cơ bản nhất vẫn là phải luôn đặt công chúng là ưu tiên số một, cho dù làm báo trên nền tảng hay phương thức nào. Và có lẽ đó chính là bí quyết duy nhất để báo in luôn có vị trí trong lòng công chúng

Vân Phong

Những tờ báo đầu tiên của Báo chí Cách mạng Việt Nam

Những tờ báo đầu tiên của Báo chí Cách mạng Việt Nam

Triển lãm “95 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam từ tư liệu, tài liệu lưu trữ Nhà nước” diễn ra tại Hà Nội từ ngày 13/6.