Đề thi vào chuyên văn của THPT gây tranh cãi khi bàn về đức hạnh và nhan sắc của phụ nữ

Đề thi môn ngữ văn ra ngày 13/7 đã khiến dư luận đặc biệt chú ý và tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội.

Đề văn tuyển sinh vào lớp 10 của Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 2020 - 2021 đang là đề tài bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội.

Trong đề có trích câu nói của nhà thơ Xuân Quỳnh: "Thơ đối với cuộc sống ví như một người con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh" và yêu cầu học sinh bàn luận. 

Đề văn tuyển sinh vào lớp 10 của Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 2020 - 2021.
Đề văn tuyển sinh vào lớp 10 của Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 2020 - 2021.

Nhiều ý kiến cho rằng đề thi này thú vị, đòi hỏi thí sinh phải vận dụng rất nhiều kiến thức và cho học sinh cơ hội phản biện. Nhưng bên cạnh đó cũng có một số người nói đề thi đưa ra những nhận định khá cũ so với hiện tại, nhất là bây giờ không còn phân định giữa "đức hạnh" và "nhan sắc". Không chỉ vậy, theo ý kiến này thì đề thi có phần quá sức so với tư duy của học sinh lớp 9, 10. 

Cô Đinh Thị Phương Thảo, chủ nhiệm lớp khoa học xã hội Trường THPT Lê Quý Đôn (Hải Phòng) cho biết cá nhân cô thấy đề thi có nội dung và cấu trúc quen thuộc. Về phần câu hỏi, cô cho rằng, đây là câu hỏi không có ý hỏi, không xuất hiện cụ thể câu lệnh, mà chỉ gợi mở đưa ra tình huống. 

Còn về câu nghị luận về hai cặp phạm trù nhan sắc - đức hạnh của người con gái, cô Thảo nói: "Câu hỏi đã đụng đến những vấn đề rất kinh điển, đó là hai cặp phạm trù nhan sắc - đức hạnh của người con gái, và hình thức - nội dung của thơ. Chỉ những học sinh thực sự am hiểu mới giải quyết được vấn đề. Học sinh lớp 9 nhận thức chưa thể bằng học sinh 17, 18 tuổi; mức độ tìm hiểu về văn chương, lý luận của các con chưa nhiều, trải nghiệm xã hội cũng vậy. Do đó câu này hơi khó với các con".

Nhìn chung theo ý kiến của cô thì đề thi an toàn, quen thuộc và có tính chất định hướng. 

TS Trần Ngọc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết đề thi khiến ông suy nghĩ nhiều về vấn đề dạy và học văn. Cụ thể là trong đề thi trên, phần trích dẫn câu nói của Xuân Quỳnh dù thể hiện một quan điểm khá cũ kỹ nhưng vẫn được nhắc đi nhắc lại trong các bài giảng đặc trưng thơ ở các cấp.

Theo ông Hiếu, đề thi cho học sinh cơ hội được phản biện như ngữ cảnh của nhận định: Người nói là ai, thuộc giới tính nào, được phát biểu trong ngữ cảnh nào? Câu hỏi về giới tính trong trường hợp này rất quan trọng, bởi định nghĩa này không đơn thuần nói về tiêu chí thơ mà là liền với một khuôn mẫu về giới tính, không khác gì truyện cổ tích thường kết bằng phần thưởng là công chúa lấy hoàng tử. Bối cảnh thơ thời chiến khiến người ta cho rằng thơ phải truyền tải một thông điệp nào đó mới là nhiệm vụ quan trọng.

Ông Hiếu chia sẻ: "Học sinh nên được học để biết vì sao một quan niệm như thế từng được chấp nhận và liệu nó có nên bị thách thức ở thời điểm này khi nhãn quan thay đổi và thực tiễn thơ ca cũng khác. Đồng thời cảm thấy hoài nghi về khả năng phản biện của học sinh với đề văn nói trên và hầu hết học sinh có thể sẽ viết theo hướng tán tụng. 

Tôi không phản đối cách ra đề lấy một nhận định nào đó rồi yêu cầu bàn luận mà chỉ nghĩ đến hai vấn đề:

1. Khi ra đề, hãy ý thức đến tính phức tạp của vấn đề mà có khi học sinh chưa được chuẩn bị về kiến thức để bàn luận.

2. Hãy quan tâm đến cách đặt câu hỏi để học sinh có cơ hội thách thức sự nghĩ của mình.

Đề thi phải làm sao thấy được vốn đọc, sự biết đọc của học trò. Mà muốn được như vậy thì phải thay đổi cách dạy. Cách dạy hay thì phải bắt đầu từ sự thay đổi trong triết lý dạy học: dạy học là kích thích, mời gọi suy tư", ông Hiếu nói.

Thanh Mai

Khám xét chỗ ở, nơi làm việc thành viên tổ thư ký, tài xế chủ tịch Hà Nội

Khám xét chỗ ở, nơi làm việc thành viên tổ thư ký, tài xế chủ tịch Hà Nội

Cơ quan an ninh điều tra đã khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của 3 nghi phạm có hành vi "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước".